Trong cuộc điện đàm ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau sau những căng thẳng gần đây liên quan đến việc Mỹ, Anh và Úc công bố thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS, dẫn đến Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Paris.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau khi Paris phản ứng gay gắt về việc bị mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD với Úc.
Phát biểu với báo giới, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cuộc điện đàm kéo dài 30 phút và rất hữu nghị. Trong tuyên bố chung sau cuộc điện đàm, hai Tổng thống Mỹ và Pháp đều khẳng định sẽ thực thi tiến trình "tham vấn sâu rộng... nhằm đảm bảo sự tin cậy", đưa ra những đề xuất cụ thể hướng tới các mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng Mười tới nhằm "đạt được hiểu biết chung và duy trì động lực của tiến trình này" nhằm khôi phục lòng tin, song không công bố địa điểm cụ thể.
Tuyên bố nêu rõ tình hình hiện nay đã có thể tránh được, nếu tiến hành các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu.
Theo tuyên bố chung, Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn nhằm củng cố liên minh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một ý tưởng quan trọng được lãnh đạo Pháp nhiều lần đưa ra, đồng thời cam kết tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố tại Sahel mà các nước châu Âu đang tiến hành.
Trong động thái đầu tiên thể hiện việc "hạ nhiệt" căng thẳng, Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ cử đại sứ nước này trở lại Mỹ vào tuần sau. Tuần trước, Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc, sau khi Canberra hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm do Pháp thiết kế, trị giá 66 tỉ USD.
Trong khi đó, cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã kêu gọi tin tưởng hơn nữa đối với Mỹ.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Khoá họp 76 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ), ông Borrell nhấn mạnh hai bên có thể xây dựng sự tin cậy lớn hơn và chắc chắn sẽ hợp tác cùng nhau. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự đoàn kết với Pháp - một trong những nước lớn đóng vai trò quan trọng trong EU.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết đã và đang nỗ lực sắp xếp hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, song vẫn chưa thành công. Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Morrison khẳng định sẽ kiên trì xây dựng lại mối quan hệ với Paris, đồng thời hy vọng vào thời điểm thích hợp các nhà lãnh đạo Úc và Pháp sẽ có các cuộc thảo luận tương tự như giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron.
Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison đã một lần nữa bảo vệ quyết định hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Pháp. Ông tuyên bố đã nói rõ với người Pháp rằng công nghệ của họ không còn đáp ứng nhu cầu của Úc và ông hành động vì lợi ích quốc gia để theo đuổi công nghệ ưu việt hơn.
Phát biểu sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 21/9, ông Morrison cho biết Canberra đã nói rõ trong vài tháng nay rằng năng lực của tàu ngầm thông thường đối mặt với rủi ro nghiêm trọng trong bối cảnh đã thay đổi.
Ông Morrison nói: "Nếu chúng tôi không làm điều đó (hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp), người dân Úc sẽ thất vọng và chúng tôi phải chọn con đường tốt hơn để có được năng lực ưu việt hơn".
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết việc chấm dứt hợp đồng đóng tàu với Pháp không phải là một điều dễ dàng nhưng Úc sẽ tuân thủ đúng các điều khoản của hợp đồng.
Mặc dù Canberra không tiết lộ khoản bồi thường cho việc hủy bỏ hợp đồng với Pháp, nhưng nhiều nguồn tin cho biết khoản bồi thường sẽ vào khoảng hơn 2 tỉ AUD (1,5 tỉ USD).
Thủ tướng Morrison cũng tiết lộ Úc chưa tham gia bất kỳ thỏa thuận cung cấp nào cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và sẽ đàm phán các thỏa thuận đó trong 12-18 tháng tới.
Ông khẳng định đây không phải là vấn đề được Mỹ nêu ra với Úc, mà Úc hành động vì lợi ích quốc gia để đảm bảo an ninh quốc gia trong khu vực.
Theo đài ABC, thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc có thể bao gồm việc cho phép các tàu ngầm của các quốc gia trong liên minh hoạt động trong các vùng biển của nhau và việc chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và vật lý lượng tử.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)