Chủ Nhật, 17/11/2024 05:22 SA
Trung Quốc đạt tiến triển về vắc xin dạng hít khí dung đầu tiên
Thứ Năm, 23/09/2021 10:35 SA

Ảnh minh họa. Nguồn: medpagetoday.com

Việc nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới ở dạng hít khí dung dựa trên công nghệ adeno virus vector type 5 (Ad5-nCoV) đang tiến triển tốt, có thể được chấp thuận sử dụng khẩn cấp và dự kiến sẽ sớm được sử dụng rộng rãi sau đó với độ an toàn đã được chứng minh.

 

Nhà phát triển vắc xin CanSinoBIO cho biết quá trình thử nghiệm cho thấy vắc xin này có các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn cùng những hiệu quả tốt hơn như một liều vắc xin tăng cường.

 

Tờ Thời báo hoàn cầu ngày 22/9 cho hay theo nhà phát triển CanSinoBIO, Ad5-nCoV dạng hít khí dung có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ, theo đó duy trì mức độ phản ứng miễn dịch tương đương với mức độ có được bằng cách tiêm bắp truyền thống trong 14 ngày.

 

Bên cạnh đó, sự gia tăng các kháng thể IgG sau khi hít Ad5-nCoV như một mũi tiêm tăng cường có thể gấp 7 đến 8 lần so với việc tiêm vắc xin bất hoạt mũi tăng cường.

 

Vắc xin này do CanSinoBIO và các nhà nghiên cứu từ Viện Quân y thuộc Viện Khoa học Quân sự phối hợp phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiếp tục tiến hành.

 

Báo cáo về việc thử nghiệm Ad5-nCoV được công bố trên Tạp chí bệnh truyền nhiễm The Lancet cho biết các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cho thấy việc sử dụng vắc xin tăng cường dạng khí dung được thực hiện sau 28 ngày kể từ lần tiêm bắp đầu tiên "tạo ra các phản ứng IgG và kháng thể trung hòa mạnh mẽ".

 

Thử nghiệm cũng cho thấy hai liều Ad5-nCoV dạng khí dung được dung nạp tốt mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vắc xin.

 

Theo nhà phát triển CanSinoBIO, sự kết hợp giữa vắc xin bất hoạt với Ad5-nCoV dạng hít cũng đã được chứng minh là mang lại mức độ kháng thể trung hòa cao chống lại nguyên mẫu virus SARS-CoV-2, cũng như các biến thể mới như Alpha, Beta, Gamma và Delta.

 

Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh tác dụng tăng cường tốt nhất của vắc xin Ad5-nCoV như một liều nhắc lại sau hai liều bất hoạt, trong khi tác dụng của vắc xin mRNA như một liều tiêm nhắc lại chỉ đứng thứ hai sau tác dụng của vắc xin Ad5-nCoV. Các vắc xin bất hoạt hoặc vắc xin tiểu đơn vị có hiệu quả thấp hơn đáng kể khi tiêm nhắc lại so với vắc xin Ad5-nCoV và mRNA, với mức độ kháng thể chênh lệch nhau gần 10 lần.

 

Kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho kết quả tốt về độ an toàn khi trẻ em từ 6-17 tuổi được giảm liều Ad5-nCoV và tỉ lệ phản ứng có hại thấp hơn so với người lớn.

 

Ông Đào Lê Nạp, chuyên gia trong ngành vắc xin làm việc tại Thượng Hải, nhận định nếu Ad5-nCoV dạng hít được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đây sẽ là loại vắc xin đầu tiên trên thế giới đạt được khả năng miễn dịch bộ ba, bao gồm thể dịch, tế bào và niêm mạc.

 

Theo các chuyên gia, vắc xin dạng hít khí dung là một ứng cử viên đầy hứa hẹn cho liều tăng cường nhắc lại các vắc xin bất hoạt. Vắc xin dạng hít khí dung có thể kích thích phản ứng miễn dịch trong màng nhầy đường hô hấp của một người. Điều này giúp giảm đau và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và những người dễ bị tổn thương, vì nó giúp tránh được việc gây ra vùng sưng và đau như vắc xin dạng tiêm bắp.

 

Ngoài ra, vắc xin dạng hít khí dung chỉ cần 1/5 liều lượng của vắc xin dạng tiêm, giúp bảo toàn liều lượng hơn và giảm áp lực sản xuất.

 

* Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American khuyến khích các nhà khoa học phát triển vắc xin xịt mũi vì chúng có hiệu quả tức thì trong việc khắc chế virus trong dịch nhầy của người bệnh. Ngoài vắc xin ngừa COVID-19 đường tiêm, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vắc xin dạng xịt mũi, nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất.

 

Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch. Theo nhà nghiên cứu Nathalie Mielcarek đang làm việc cho Viện Pasteur Lille để phát triển một loại vắc xin xịt mũi chống lại bệnh ho gà, virus thường lây nhiễm cho con người qua mũi. Do đó, mục tiêu sản xuất vắc xin dạng xịt là nhằm ngăn virus xâm lấn”.

 

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific American tháng 3 vừa qua cũng khuyến khích các nhà khoa học phát triển vắc xin xịt mũi vì chúng có hiệu quả tức thì trong việc khắc chế virus trong dịch nhầy của người bệnh.

 

Khi xịt vào khoang mũi, vắc xin sẽ kích hoạt sản xuất một loại kháng thể được biết đến với tên gọi immunoglobulin A, giúp ngăn chặn lây nhiễm.

 

Theo nghiên cứu, phản ứng được gọi là miễn dịch khử trùng này sẽ làm giảm cơ hội lây truyền virus cho con người.

 

Các loại vắc xin hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng nặng của COVID-19 nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

 

Theo chuyên gia Mielcarek, kích thích phản ứng miễn dịch trực tiếp tại mũi sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.

 

Ngoài ra, khả năng bị virus lây nhiễm xâm nhập vào phổi cũng ít hơn, do tải lượng virus thấp hơn đồng nghĩa khả năng chuyển biến nặng cũng ít hơn.

 

Bên cạnh đó, vắc xin xịt mũi được cho là dễ dàng sử dụng ngay tại nhà cũng như không gây tâm lý sợ kim tiêm.

 

Trong nghiên cứu của Đại học Tours (Pháp) trên chuột vừa được công bố tuần trước, 100% số chuột được xịt vắc xin đã sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những con không sử dụng vắc xin đều chết.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại vắc xin xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

 

Trong số những ứng cử viên nổi bật có vắc xin dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hong Kong và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.

 

Bà Isabelle Dimier-Poisson, người đứng đầu cuộc nghiên cứu có tính khả thi, lạc quan cho rằng vắc xin xịt mũi có thể  giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek