Ngày 21/9, báo Khmer Times dẫn thông tin từ Viện Pasteur Campuchia cho biết tính đến ngày 19/9, viện này đã phát hiện tổng cộng 5.751 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong nước, tăng hơn 2.000 ca so với số liệu thống kê này 10 ngày trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, kể từ khi Campuchia phát hiện các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta vào ngày 31/3 năm nay, biến thể nguy hiểm này đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó nhiều nhất là tại Phnom Penh, tiếp đến là các tỉnh có chung biên giới với Thái Lan gồm Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear. Số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia tăng rất nhanh kể từ khi biên giới Campuchia - Thái Lan mở cửa trở lại ngày 13/8 và lao động Campuchia từ Thái Lan ồ ạt trở về nước.
Giới chức các tỉnh có ca nhiễm biến thể Delta đang nỗ lực tìm nguồn lây, truy vết và cách ly để điều trị các ca nhiễm bệnh. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia cũng nhận định tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở giới trẻ do nhóm đối tượng này hay ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Qua đó, bộ trên kêu gọi tất cả những người trẻ tuổi thận trọng và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tâm lý chủ quan sau khi tiêm vắc xin của những người đã được tiêm phòng đầy đủ tại Campuchia. Theo bà, nhiều người đã lơ là công tác phòng dịch sau khi tiêm phòng COVID-19 và điều nàylà rất nguy hiểm.
Cùng ngày 21/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 17 ca tử vong và 628 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 121 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 105.344 ca mắc COVID-19, trong đó 98.186 người đã khỏi bệnh và 2.140 người tử vong.
Trong khi đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Lào đang khẩn trương truy vết những người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Bộ Y tế Lào ngày 21/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 331 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 296 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Bộ này cho biết khu vực thủ đô vẫn là điểm nóng về dịch COVID-19 khi ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày cao nhất cả nước với 176 ca, trong đó chủ yếu là ở ổ dịch nhà máy may được phát hiện từ ngày 18/9. Ngoài ra, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng tại một số tỉnh như Champasak, Khammuan... Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 19.730 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Viêng Chăn đang khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm cộng đồng gần đây nhằm nỗ lực khống chế nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Hiện cơ quan chức năng đang tăng cường phun khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca mắc COVID-19 và kêu gọi những người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân đến ngay trung tâm dã chiến trên địa bàn thủ đô để lấy mẫu xét nghiệm.
Đồng thời, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn cũng yêu cầu các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đóng cửa trong giai đoạn thành phố phong tỏa để phòng ngừa dịch bệnh. Các chợ thực phẩm có thể mở cửa và chỉ được bán sản phẩm nông nghiệp, đồ tươi sống, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Các trạm xăng có thể hoạt động bình thường nhưng phải đóng cửa trước 18 giờ hằng ngày.
Tại Úc, bang New South Wales, tâm điểm trong làn sóng bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Úc, lại chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Theo đó, bang này đã ghi nhận 1.022 ca mắc mới trong ngày 21/9, cao hơn so với con số 935 ca của ngày trước đó. Ngoài ra, bang New South Wales cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trong đợt dịch mới nhất này lên mức 255 ca.
Tại nước láng giềng New Zealand, giới chức y tế nước này thông báo đã ghi nhận 14 ca mắc biến thể Delta trong bối cảnh Auckland, thành phố lớn nhất nước này- hạ mức cảnh báo từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 từ nửa đêm 21/9.
Với số liệu trên, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần này tại New Zealand đã lên tới 1.085 ca, TP Auckland đã duy trì mức cảnh báo cấp độ 4 - mức cao nhất trong biện pháp phong tỏa, trong hơn 1 tháng qua. Theo mức cảnh báo này, các trường học, hoạt động kinh doanh không thiết yếu vẫn phải đóng cửa.
Trong khi đó, các địa phương khác tại nước này sẽ duy trì mức cảnh báo cấp độ 2 với việc hoạt động kinh doanh và trường học được phép mở cửa. Quy định đeo khẩu trang là bắt buộc tại một số cơ sở nhất định và các cuộc tụ tập không được phép vượt quá 50 người. Kể từ khi đại dịch bùng phát từ năm ngoái, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 3.739 ca mắc.
Trong khi đó, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc ngày 21/9 thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 42 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều tập trung tại tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam nước này. Ngoài ra, Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 30 ca mắc mới nhập cảnh, tập trung chủ yếu tại tỉnh Vân Nam. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 95.810 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 4.636 ca tử vong.
Ngày 20/9, Malaysia cũng thông báo đã ghi nhận 14.345 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát lên mức 2.112.175 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 301 ca tử vong mới, nâng tổng số bệnh nhân không thể qua khỏi do COVID-19 kên 23.744 ca.
Tại Ấn Độ, thống kê mới nhất của Bộ Y tế nước này đã ghi nhận tổng số ca mắc là 33.504.534 ca. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 252 ca tử vong mới. Hầu hết số ca mắc mới và tử vong mới đều tập trung tại bang miền Nam Kerala.
Ngày 20/9, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton bày tỏ hy vọng những du khách từ châu lục này đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể sớm được cho phép vào Mỹ mặc dù Mỹ chưa cấp phép sử dụng loại vắc xin này.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Thierry Breton cho biết thông báo mới của Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với hành khách đã được tiêm vắc xin đầy đủ mới chỉ áp dụng cho những người tiêm các loại vắc xin do Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge thông báo điều chỉnh mới về quy định thẻ thông hành COVID. Những khách hàng sử dụng dịch vụ ở ngoài trời tại các quán càphê sẽ không phải trình thẻ thông hành COVID-19, song phải thực hiện quy định này khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Hồi tuần trước, Hà Lan đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch, song yêu cầu áp dụng thẻ thông hành COVID-19 đối với những người tới quán bar, nhà hàng và các lễ hội. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hà Lan đã thúc đẩy việc miễn áp dụng quy định này đối với những người sử dụng dịch vụ ăn uống ngoài trời.
Bộ trưởng de Jonge nhấn mạnh quy định quét mã QR thẻ thông hành COVID-19 là bắt buộc đối với những người từ 13 tuổi trở lên khi muốn sử dụng phòng vệ sinh công cộng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)