Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 21/9, Taliban công bố nốt các thành viên trong chính phủ mới tại Afghanistan. Đáng chú ý, trong nội các này không có nữ bộ trưởng.
Trước đó, đầu tháng này, Taliban đã công bố thành phần chính phủ mới, trong đó tất cả các vị trí cấp cao đều do các thủ lĩnh của phong trào này và mạng lưới Haqqani, vốn được cho là nhánh cứng rắn nhất của phong trào này, nắm giữ. Điều này khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về vai trò của nữ giới tại Afghanistan dưới sự lãnh đạo trở lại của lực lượng Taliban.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền tại Afghanistan trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc, Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện, không bao gồm phụ nữ hay các đại diện từ các cộng đồng thiểu số.
Quan chức Liên Hợp Quốc nhấn mạnh hầu hết người dân quốc gia Tây Nam Á đều mong muốn chấm dứt tình trạng xung đột và chia rẽ đã kéo dài nhiều thập kỷ. Người dân Afghanistan mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, ở quốc gia mà họ có thể đóng góp cho một hệ thống quản lý nhà nước khuyến khích vai trò của người phụ nữ, thanh niên, đoàn kết các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau.
Trong báo cáo, bà Bachelet cũng nhấn mạnh Taliban cam kết sẽ áp dụng các quy định quản lý nhà nước "mềm dẻo hơn" so với giai đoạn cầm quyền trước đây. Tuy nhiên, các thông tin mới mà văn phòng của bà nhận được phản ánh những cam kết trên chưa được thực hiện đầy đủ, khi nhiều phụ nữ và bé gái tiếp tục gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Nhiều nước cũng đã yêu cầu lực lượng Taliban tôn trọng quyền của người phụ nữ.
Cùng ngày 21/9, Taliban thông báo trẻ em gái tại Afghanistan sẽ được phép quay trở lại trường học "sớm nhất có thể" sau khi lực lượng này công bố những vị trí còn lại trong Nội các toàn nam giới của quốc gia Tây Nam Á này.
Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid nêu rõ: "Chúng tôi đang hoàn tất mọi thứ.... (Việc nữ sinh quay trở lại trường học) sẽ diễn ra sớm nhất có thể". Theo người phát ngôn trên, những người nhắm giữ các chức vụ còn lại trong chính quyền mới ở Afghanistan có vai trò "quan trọng đối với hoạt động của quốc gia".
Ông Mujahid cũng không đề cập tới Bộ Các vấn đề phụ nữ bị đóng cửa vào tuần trước và thay thế bằng một Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng chống tệ nạn, vốn nổi tiếng về việc áp đặt học thuyết tôn giáo trong chính quyền Taliban trước đây.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục chỉ thị các nam giáo viên và nam sinh quay trở lại trường cấp 2 vào cuối tuần qua, song không đề cập tới các nữ giáo viên và học sinh nữ của nước này. Trước đó, người phát ngôn Mujahid cũng từng cho biết phụ nữ không được phép làm bộ trưởng hay các vị trí cấp cao theo luật Sharia và kinh Quran. Họ có thể làm việc cho các bộ, cảnh sát và tòa án trong vai trò trợ lý.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 21/9, Ngoại trưởng Malaysia Saffuddin Abdullah cho biết nước này đang theo dõi các diễn biến tại Afghanistan và chưa công nhận chính phủ tại Afghanistan do Taliban lãnh đạo.
Theo ông Saifuddin, cho đến nay chưa có bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước láng giềng Afghanistan, công nhận chính phủ lâm thời do Taliban thành lập và Chính phủ Malaysia cần cân nhắc, xem xét kỹ một số vấn đề trước khi đưa ra quyết định về việc này, trong đó có mức độ chấp nhận của người dân Afghanistan đối với việc Taliban tiếp quản Afghanistan.
Ông cũng cho rằng chính phủ lâm thời do Taliban thành lập chưa có tính toàn diện khi không có sự tham gia của các nhóm dân tộc chính khác cũng như bỏ qua vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoại trưởng Saifuddin khẳng định lập trường của Malaysia rằng chính phủ tại Afghanistan phải được thành lập dựa trên tiến trình hòa giải và hòa bình do chính người Afghanistan lãnh đạo, làm chủ và kiểm soát.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)