Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng ngày 12/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 225.067.690 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.637.617 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 201.601.853 người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 449.305 ca mắc và 7.687 ca tử vong. Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 71.277 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 796 ca. Biến thể Delta tiếp tục khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, ngay cả những nước đạt tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cao.
Singapore ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong gần 1 năm
Tại Singapore, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 555 ca - mức cao nhất trong gần một năm qua. Trong số các ca nhiễm mới, có 486 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 64 ca lây nhiễm trong các khu nhà tập thể và 5 ca nhập cảnh.
Hiện nước này đang có 35 ca bệnh nặng, phải thở oxy và 7 ca đang trong tình trạng nguy kịch, phải hồi sức tích cực. Singapore là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao trên thế giới. Tính đến nay, 84% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 81% đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Úc: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Bang đông dân thứ 2 của Úc là Victoria chỉ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm nhẹ. Trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận 392 ca mắc COVID-19, ít hơn 58 ca so với một ngày trước đó.
Hiện bang Victoria đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 cho dù chính quyền đã phải áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thành phố lớn nhất bang là Melbourne.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại bang Queensland - bang đông dân thứ 3 của Úc đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 24 giờ qua, bang Queensland đã tránh được việc áp đặt lệnh phong tỏa.
Trước đó một ngày, Thủ hiến bang Annastacia Palaszczuk đã để ngỏ khả năng áp đặt phong tỏa do có 5 ca nhiễm mới trong ngày. Giới chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Úc, đang có nguy cơ rơi vào suy thoái lần thứ hai trong nhiều năm do hai bang đông dân nhất của nước này là New South Wales và Victoria phải phong tỏa.
Do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nên nhiều sinh viên quốc tế đang theo học tại Úc chưa thể quay lại trường. Vì vậy, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đề nghị Úc nới lỏng các biện pháp hạn chế để hàng nghìn sinh viên của nước này có thể tới Úc theo học.
Ông Jaishankar cho biết đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Marise Payne trong cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng quốc phòng 2 nước về vấn đề Afghanistan.
Sinh viên quốc tế lâu nay vẫn được coi là "gà đẻ trứng vàng" cho ngành giáo dục nói riêng và kinh tế Úc nói chung. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, đã buộc nước này áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt, khiến nhiều sinh viên quốc tế không thể tới nước này học tập.
Israel tiếp tục ghi nhận lây nhiễm ở mức cao
Trong khi đó, Israel tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, với 9.725 ca mắc. Hiện tổng số ca mắc tại nước này là 1.164.942 ca, trong đó có 7.337 người không qua khỏi. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng tăng từ 672 người lên 696 người.
Israel cũng là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao trên thế giới với 5,54 triệu người tiêm được 2 mũi và hơn 2,81 triệu người đã tiêm được 3 mũi.
Tại Anh, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 29.547 ca mắc mới - mức cao nhất tại khu vực châu Âu và 156 ca tử vong - mức cao thứ 2 trong khu vực.
Trước tình hình trên, dự kiến, Thủ tướng nước này Boris Johnson sẽ có bài phát biểu trước quốc hội và họp báo trong ngày 7/9 tới về kế hoạch phòng, chống COVID-19 trong mùa thu và mùa đông.
Theo TTXVN/Vietnam+