Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 4/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 220.593.973 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.556.211 ca tử vong. Số người đã bình phục là hơn 197 triệu người.
Châu Mỹ
Nước Mỹ đứng đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với số ca nhiễm gần bằng 1/5 thế giới (hơn 40,7 triệu ca) và số ca tử vong tương đương gần 1/7 thế giới (hơn 4,5 triệu ca).
Trong khi đó, Canada có nguy cơ chứng kiến 15.000 ca nhiễm mới/ngày vào đầu tháng 10 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn như hiện nay.
Theo các số liệu thống kê, những người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm bệnh cao gấp 12 lần và nhập viện cao gấp 36 lần nếu bị nhiễm virus.
Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng của Canada, Tiến sỹ Theresa Tam cho biết Canada có thể tránh được nguy cơ phải phong tỏa trên diện rộng nếu kết hợp tăng cường tiêm chủng với các biện pháp khác như sử dụng khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần và duy trì giới hạn về quy mô tụ tập đông người.
Hiện nhiều khu vực của Canada đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 do sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Tỉnh Alberta đang chứng kiến số ca nhiễm và số ca phải điều trị tích cực tăng mạnh, với lần lượt là 12.290 ca và 107 ca. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Canada đã lên tới trên 1,5 triệu, trong đó hơn 27.000 người đã tử vong.
Châu Á
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới. Số ca nhiễm tại nước này hiện là 32.944.691 ca, trong khi số ca tử vong đã lên tới 440.256 ca.
Tại Đông Nam Á, Indonesia có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới hơn 4,1 triệu ca, trong khi Philippines đứng thứ hai với hơn 2 triệu ca. Ở vị trí thứ ba khu vực là Malaysia với hơn 1,8 triệu ca nhiễm, theo sau là Thái Lan (1,2 triệu ca).
Châu Âu
Nga và Anh bị ảnh hưởng nhất, hiện mỗi nước đều đã ghi nhận hơn 6,9 triệu ca nhiễm. Đây cũng là hai nước có số ca tử vong vì COVID-9 cao nhất châu lục, lần lượt là 185.611 ca và 133.000 ca.
Pháp đứng thứ ba với hơn 6,8 triệu ca nhiễm và 114.773 ca tử vong. Tây Ban Nha và Italy đã có hơn 4,5 triệu ca nhiễm trong khi con số này của Đức là hơn 3,99 triệu ca.
Các nước tiếp theo trong top 10 nước bị ảnh hưởng nhất còn có Ba Lan (2,8 triệu ca), Ukraine (2,2 triệu ca), Hà Lan và Cộng hòa Séc đều đã hơn 1,6 triệu ca nhiễm.
Châu Phi
Nam Phi là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất châu lục, với hơn 7,9 triệu ca nhiễm và 198.799 ca tử vong. Đứng thứ hai là Maroc với 876.732 ca nhiễm. Tunisia đứng thứ ba về số ca nhiễm (670.027 ca) nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong (23.710 ca).
Bộ Y tế Niger cho biết nước này đã phát hiện các trường hợp đầu tiên của biến thể Delta vào tháng 8 vừa qua. Đây vốn là nước được xem tương đối ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cơ quan báo chí của Bộ Y tế cho biết những người nhiễm biến thể trên đều chưa được tiêm chủng.
Tiêm vắc xin cho trẻ em
Liên quan đến việc tiêm vắc xin cho trẻ để chuẩn bị cho việc quay lại trường học, tại Cuba, các cơ quan chức năng đã khởi động chiến dịch tiêm phòng quốc gia cho trẻ em trong độ tuổi từ 2-18.
Đây sẽ là nhóm trẻ đầu tiên được tiêm liều mũi thứ nhất của vắc xin nội địa Abdala và Soberana. Các nhóm bé hơn sẽ được tiêm sau đó. Đây là nỗ lực của Chính phủ Cuba trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trước thềm khai giảng năm học mới vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, các em vẫn sẽ học trực tuyến cho đến khi tất cả trẻ đủ điều kiện được tiêm phòng vắc xin. Dự kiến, việc học trực tiếp tại trường sẽ được nối lại vào tháng 10 tới.
Trong khi đó, tại Anh, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) lại khuyến nghị chỉ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 nếu các em có vấn đề về sức khỏe và hiện "chưa đủ bằng chứng" để thực hiện tiêm đại trà cho nhóm tuổi này.
Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch phụ trách tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của JCVI cho biết Ủy ban này đang thực hiện "một cách tiếp cận thận trọng và sẽ tiếp tục xem xét dữ liệu về an toàn của vắc xin".
Theo TTXVN/Vietnam+