Thứ Ba, 19/11/2024 15:33 CH
Tình hình Afghanistan: Liên minh châu Âu rút ra bài học kinh nghiệm
Thứ Sáu, 03/09/2021 18:09 CH

Các đại biểu tham dự Hội nghị không chính thức Ngoại trưởng EU tại Brdo pri Kranju, Slovenia, ngày 2/9/2021. Nguồn: TTXVN

* Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói nghiêm trọng tại Afghanistan

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 2/9, các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU), Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách gìn giữ hòa bình Pierre Lacroix đã tham dự hội nghị không chính thức bộ trưởng quốc phòng EU tại Slovenia - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu.

 

Tại hội nghị, các bộ trưởng cho rằng bài học kinh nghiệm từ tình hình Afghanistan cho thấy EU cần thúc đẩy xây dựng năng lực về quân sự và quốc phòng nhằm bảo đảm quyền tự chủ về chiến lược của EU. Các bộ trưởng đánh giá những chiến dịch của EU liên quan đến Afghanistan, trong đó có hoạt động sơ tán công dân vẫn chưa kết thúc và khối này cần duy trì hỗ trợ cả về mặt ngoại giao và nhân đạo.

 

Bên cạnh đó, các quan chức tham dự hội nghị cũng thảo luận những tác động về quốc phòng và an ninh của cuộc khủng hoảng Afghanistan có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình an ninh tại châu Âu và những bài học kinh nghiệm từ vấn đề Afghanistan đối với châu Âu, cũng như việc thực thi các sứ mệnh và chiến dịch của EU tại Mali/Sahel, Mozambique, Libya và Tây Balkan.

 

Theo các bộ trưởng, chiến dịch Althea tại Bosnia-Herzegovina có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh và ổn định tại khu vực, đồng thời nhất trí tổ chức một hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng vào cuối tháng 9 này tại Slovenia nhằm tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến tài liệu mang tính định hướng “Strategic Compass” (Định hướng chiến lược).

 

Về các thách thức địa chiến lược chung cũng như vấn đề hợp tác với NATO và Liên Hợp Quốc, các bộ trưởng nhất trí cho rằng cả EU, NATO và Liên Hợp Quốc đều đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu giống nhau, như tình trạng biến đổi khí hậu, các thách thức mới nổi, đứt gãy về công nghệ hoặc các vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Do đó, các thách thức này cần được giải quyết một cách thống nhất. Đặc biệt, đối với những diễn biến vừa qua tại Afghanistan, cả 3 tổ chức cần phối hợp với nhau một cách hiệu quả, đồng thời cần tôn trọng những nỗ lực riêng của mỗi bên.

 

Cũng tại hội nghị, các bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân giúp Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan là do nạn tham nhũng lan tràn trong chính quyền và quân đội. Về mối quan hệ tương lai với chính phủ mới của Afghanistan, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho rằng Brussels nên cân nhắc các hành động. Theo ông, EU cần định hình mối quan hệ với Afghanistan, trong đó có sự tiến triển của quan hệ và hợp tác với chính phủ mới và điều này phải phụ thuộc vào cách thức điều hành đất nước của chính phủ mới.

 

Liên quan đến việc hỗ trợ nhân đạo và sơ tán công dân, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh Berlin sẵn sàng nối lại sự hiện diện ngoại giao ở thủ đô Kabul cũng như cung cấp viện trợ phát triển cho Afghanistan nếu Taliban đáp ứng một số điều kiện nhất định.

 

Phát biểu với báo giới tại Slovenia, Ngoại trưởng Maas nêu rõ mong muốn của Berlin đối với một chính phủ mang tính bao trùm, đa đại diện ở Afghanistan, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và phụ nữ, đặc biệt quốc gia Tây Nam Á này không được trở thành "nơi dung dưỡng cho khủng bố quốc tế”.

 

Ông nhấn mạnh nếu những điều này được đáp ứng và khi tình hình an ninh cho phép, Đức sẵn sàng nối lại sự hiện diện ngoại giao ở Kabul. Nhà ngoại giao Đức cũng cho rằng nếu Taliban đáp ứng các điều kiện trên, Berlin cũng có thể nối lại các khoản hỗ trợ phát triển cho quốc gia Tây Nam Á này.

 

Đề cập tới những người không thể rời khỏi Afghanistan do biên giới đã đóng cửa, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ người dân ở Afghanistan. Theo ông, để làm được điều này, cần phải thương lượng với Taliban.

 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi các đối tác EU nhanh chóng hành động nếu muốn đóng vai trò trong vấn đề Afghanistan.

 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag cho biết chính phủ nước này muốn hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar trong các nỗ lực mở cửa lại sân bay quốc tế Kabul nhằm nối lại công tác sơ tán. Bà Kaag cho biết Hà Lan sẵn sàng cung cấp 1 triệu euro (1,19 triệu USD) và có thể cả nhân sự nếu cần, để hướng tới các nỗ lực nối lại các chuyến bay giải cứu.

 

Trong khi đó, trước khi Taliban giành quyền kiểm soát hôm 15/8 vừa qua, nhiều người dân Afghanistan đã phải vật lộn để có đủ thức ăn hằng ngày do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng mùa vụ. Vì vậy, trong bối cảnh đất nước bị cô lập và triển kinh tế u ám, hàng triệu người dân nước này đang phải đối mặt với nạn đói.

 

Tuyên bố trên được các cơ quan cứu trợ trên thế giới, trong đó có Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), đưa ra ngày 2/9. Trong một tuyên bố, bà Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc WFP tại Afghanistan, nêu rõ kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Nam Á này ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi nền kinh tế đang ở bên bờ vực sụp đổ.

 

Giá lương thực đã tăng vọt sau khi đợt hạn hán thứ hai trong 4 năm qua làm giảm khoảng 40% sản lượng lúa mì. Trong khi đó, người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ giới hạn rút 200 USD mỗi tuần. Hiện, 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho 15 trong số 34 tỉnh, thành của Afghanistan đều ít hơn trong tháng 8, đặc biệt là tại các tỉnh Ghazni, Khost và Paktika ở miền đông.

 

WFP nêu rõ hàng triệu người Afghanistan có thể phải đối mặt với nạn đói do sự kết hợp của các yếu tố xung đột, hạn hán và dịch COVID-19. Do đó tổ chức này kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD, đồng thời cảnh báo nguồn cung của WFP sẽ cạn kiệt vào tháng 10 tới khi mùa đông bắt đầu.

 

Trong khi đó, bà Christine Cipolla, Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá thiếu lương thực, mất an ninh nghiêm trọng và suy thoái kinh tế tại Afghanistan đang đẩy nhanh kịch bản hình thành dòng người tị nạn ồ ạt. Trên thực tế, giao tranh, hạn hán và không được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu đã khiến một lượng lớn người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trong nước mình.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek