Ngày 5/1, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Masako Mori cho biết việc cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor - ông Carlos Ghosn trốn khỏi Nhật Bản là "không thể lý giải được" và ông Ghosn được cho là đã rời nước này bằng con đường bất hợp pháp.
Đây là bình luận chính thức đầu tiên của giới chức Nhật Bản sau khi ông Ghosn rời Nhật Bản đến Liban tuần trước để tránh bị xét xử với các cáo buộc sai phạm tài chính. Bà Mori nêu rõ: "Hệ thống luật pháp hình sự của Nhật Bản đặt ra những thủ tục phù hợp nhằm làm rõ chân tướng của các vụ việc và được thực thi một cách phù hợp, trong khi đảm bảo các quyền con người cơ bản. Việc một bị cáo bỏ trốn trong thời gian bảo lãnh tại ngoại là không thể lý giải được".
Bà Mori cũng khẳng định nhà chức trách Nhật Bản không có hồ sơ ghi chép ông Ghosn rời nước này và cho rằng bị cáo đã rời Nhật Bản một cách bất hợp pháp. Theo Bộ trưởng Mori, chính phủ thấy rất đáng tiếc về sự việc này.
Bà Mori xác nhận nhà chức trách đã hủy quyết định cho phép ông Ghosn được bảo lãnh tại ngoại và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ban hành lệnh truy nã đỏ đối với ông này. Trong một tuyên bố ra cùng ngày, Văn phòng Công tố Tokyo cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra việc cựu Chủ tịch Nissan bỏ trốn khỏi Nhật Bản trong thời gian bảo lãnh tại ngoại.
Theo tuyên bố, bị cáo Ghosn có năng lực tài chính mạnh và nhiều cơ sở ở nước ngoài giúp ông dễ dàng trốn khỏi Nhật Bản. Bên cạnh đó, tuyên bố lên án hành động bỏ trốn của ông Ghosn chỉ để tìm cách thoát khỏi án phạt.
Ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ôtô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản). Tháng 11/2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỉ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân.
Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh với điều kiện không được rời khỏi Nhật Bản. Tòa án Tokyo dự kiến bắt đầu xét xử ông vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, ngày 29/12/2019, ông Ghosn đã bất ngờ trốn khỏi Nhật Bản để sang Libăng, quá cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 3/1, cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor khẳng định ông đã tự mình lên kế hoạch rời Nhật Bản đến Libăng, theo đó phủ nhận gia đình ông dính líu đến việc này.
Liên quan đến vụ cựu Chủ tịch Nissan bỏ trốn, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Mori Masako ngày 5/1 đã chỉ thị các ngành liên quan tăng cường kiểm soát thủ tục xuất nhập cảnh trên toàn quốc.
Bộ trưởng Mori Masako cho rằng, hiện tại sự việc đang trong quá trình xác minh, nhưng việc bị cáo Ghosn bỏ trốn khi đang được cho phép tại ngoại là một điều khó chấp nhận. Nhật Bản mong muốn sẽ cùng các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế có liên quan để dẫn độ bị cáo Ghosn về Nhật Bản để xét xử.
Trong khi đó, các công tố viên Nhật Bản bắt đầu khám xét một căn nhà ở Tokyo, nơi cựu chủ tịch Nissan Motor, ông Carlos Ghosn đã sống trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại.
Bộ trưởng Tư pháp lâm thời của Libăng, ông Albert Aziz Serhan, cho biết nước này đã nhận được lệnh truy nã quốc tế cựu chủ tịch Nissan Motor, ông Carlos Ghosn, từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol.
Sau khi xác định việc ông Ghosn nối chuyến bay ở Thổ Nhĩ Kỳ là trái phép, cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 5 người bao gồm cả các phi công trên máy bay do hãng hàng không tư nhân MNG Jet của Thổ Nhĩ Kỳ vận hành.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)