* Nhà Trắng gửi thông báo cho Quốc hội Mỹ
Lãnh đạo một số nước tiếp tục đưa ra phản ứng cũng như tiến hành thảo luận về tình hình Trung Đông sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.
Ngày 4/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế. Theo thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Nga, hai bộ trưởng tập trung thảo luận tình hình Trung Đông, đặc biệt là hậu quả cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào sân bay Baghdad.
Hai bộ trưởng khẳng định việc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc là không thể chấp nhận được và cần thiết phải tôn trọng chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Liên quan đến căng thẳng tại Trung Đông, Hãng thông tấn Ả-rập Xê-út đưa tin Quốc vương Salman đã gọi điện cho Tổng thống Iraq Berham Saleh nhằm thảo luận về tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng tại khu vực sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế Baghdad tại Iraq. Quốc vương Salman khẳng định với Tổng thống Saleh rằng Ả-rập Xê-út ủng hộ an ninh và ổn định của Iraq.
Tương tự, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đã có cuộc điện đàm trao đổi tình hình khó khăn Iraq và khu vực đang phải đối mặt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thảo luận về những căng thẳng mới nhất tại Trung Đông với người đồng cấp Iraq Berham Saleh và Thái tử Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed al-Nahyan.
Thông cáo của văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron và ông Saleh sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Iraq và khu vực. Trong khi đó, Anh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sau khi Mỹ tiến hành không kích sát hại thiếu tướng Qasem Soleimani, nhưng khẳng định đồng minh thân cận nhất của London có quyền tự vệ trước những đe dọa nhằm vào công dân của họ theo luật pháp quốc tế.
Nội dung này được đưa ra trong cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace với người đồng cấp Mỹ Mark Esper cùng ngày 4/1.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và giảm leo thang ở Trung Đông.
Ông Morrison xác nhận Tổng thống Mỹ không cảnh báo trước các đồng minh về cuộc không kích nhưng Úc biết Mỹ lo ngại một số hành động của Iran. Lực lượng Quds do ông Soleimani lãnh đạo bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Ông Morrison cho biết thêm Úc tập trung nỗ lực bảo đảm an toàn cho vào các nhân viên quốc phòng và ngoại giao Úc tại Trung Đông và tiếp tục theo dõi tình hình khu vực hết sức chặt chẽ.
Hiện có khoảng 250-280 nhân viên lực lượng quốc phòng Úc đang có mặt ở Trung Đông, và Đại sứ quán Úc ở Baghdad đã được đặt trong tình trạng báo động.
Tại Trung Mỹ, Chính phủ Nicaragua lên án các lực lượng Mỹ hành động "khủng bố" sát hại thiếu tướng Soleimani, đồng thời cảnh báo đề phòng những hậu quả tiêu cực của vụ tấn công trên đối với hòa bình quốc tế.
* Liên quan đến vụ tấn công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq, cùng ngày, Lầu Năm Góc xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị không kích nhằm sát hại thiếu tướng Soleimani.
Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Nhà Trắng đã chính thức gửi thông báo cho Quốc hội về cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc Baghdad tại Iraq khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiếu tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng.
Theo Đạo luật Quyền lực Chiến tranh năm 1973, Tổng thống phải thông báo với Quốc hội về “các trường hợp bắt buộc phải sử dụng các lực lượng vũ trang của Mỹ” trong vòng 48 giờ.
Phản ứng trước thông báo của Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng toàn bộ thông tin được đưa ra trong thông báo mật và bà cho rằng văn bản này đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.
Bà Pelosi khẳng định: "Thông báo đặt ra những câu hỏi nghiêm túc và cấp thiết về thời gian, cách thức, sự biện minh cho quyết định của chính quyền để tham gia vào hành động thù địch chống lại Iran".
Bà cũng cho rằng thông báo làm dấy lên lo ngại rằng Quốc hội và người dân Mỹ không được biết thông tin về an ninh quốc gia lẽ ra cần được biết.
Trước đó, ngày 3/1, bà Pelosi đã yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Trump thông báo ngay lập tức cho các nghị sĩ về cuộc không kích của Mỹ cũng như những kế hoạch tiếp theo của Nhà Trắng. Theo Chủ tịch Hạ viện Pelosi, cuộc không kích được tiến hành mà “không có sự cho phép sử dụng lực lượng quân sự” nhằm vào Iran và không tham vấn quốc hội.
Bà Pelosi nêu rõ: “Toàn thể Quốc hội cần được thông báo ngay lập tức về tình hình nghiêm trọng này và các bước đi tiếp theo mà chính quyền đang cân nhắc thực hiện, bao gồm cả sự tăng cường đáng kể việc triển khai các lực lượng bổ sung tới khu vực”.
Bà Pelosi cũng nhận định cuộc không kích của Mỹ có nguy cơ "làm leo thang bạo lực một cách nguy hiểm". Bà nhấn mạnh: "Nước Mỹ và thế giới cần tránh để căng thẳng leo thang đến mức không thể quay đầu lại".
Cũng trong ngày 4/1, nhiều nhóm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Washington và một số thành phố khác của Mỹ nhằm lên án cuộc không kích tại Iraq do Tổng thống Trump chỉ thị và quyết định của ông Trump triển khai thêm khoảng 3.000 binh sĩ tới Trung Đông.
Hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và giương cao khẩu hiệu kêu gọi Mỹ rút binh sĩ khỏi Trung Đông và chấm dứt các lệnh trừng phạt chống Iran. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các TP New York, Chicago và nhiều thành phố khác tại Mỹ.
Tại thủ đô Baghdad của Iraq, hàng chục nghìn người đã tuần hành để bày tỏ tiếc thương với Thiếu tướng Qassem Soleimani và ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ngày 3/1.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)