Thứ Sáu, 04/10/2024 10:21 SA
Mỹ để ngỏ các cuộc đàm phán thương mại mới với Trung Quốc
Thứ Năm, 23/05/2019 11:00 SA

Hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ, ngày 27/2/2019 - Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán mới với Trung Quốc nếu hai bên có thể tiếp bước dựa trên cơ sở những cuộc đàm phán trước.

 

Phát biểu với các phóng viên sau khi điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Mnuchin cho biết Tổng thống Trump sẽ bảo vệ các nông dân Mỹ trước những chính sách trả đũa và “hết sức thận trọng” trong việc miễn đánh thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.

 

Ông Mnuchin nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ những người nông dân. Nếu Trung Quốc muốn quay trở lại bàn đàm phán và tiếp bước dựa trên cơ sở trước đây, chúng tôi sẵn sàng tổ chức các cuộc đối thoại”.

 

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kết thúc vòng đàm phán tại thủ đô Washington ngày 10/5 mà không đạt thỏa thuận. Cả hai bên đều cho biết các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục tại Bắc Kinh. Mỹ gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi các chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình, cũng như các khoản trợ cấp lớn cho các công ty nhà nước, và giảm khoảng cách thâm hụt thương mại Mỹ - Trung.

 

Bắc Kinh đã đề xuất một số nhượng bộ, bao gồm việc thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới, hứa hẹn cấm chuyển giao công nghệ bất hợp pháp. Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỉ USD.

 

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ gây thiệt hại cho hai nước, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện chưa rõ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài bao lâu khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai bên vẫn lâm vào bế tắc.

 

Trong diễn biến khác, Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc tự tin có thể giải quyết tình thế khó khăn hiện nay sau khi đối tác thiết kế vi mạch của hãng này - tập đoàn ARM - đình chỉ hợp tác.

 

Ngày 22/5, một phát ngôn viên của Huawei nói: "Chúng tôi coi trọng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, song thừa nhận sức ép mà một vài trong số đó đang phải gánh chịu, như là hậu quả của các quyết định mang động cơ chính trị. Chúng tôi tự tin rằng tình hình đáng tiếc này có thể được giải quyết và ưu tiên của chúng tôi vẫn là tiếp tục cung cấp công nghệ và các sản phẩm tầm cỡ thế giới tới các khách hàng của chúng tôi trên khắp thế giới”.

 

Liên quan đến vấn đề kinh tế, cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng sức ép của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc như tập đoàn công nghệ Huawei là hành động "bắt nạt" về kinh tế và nhằm ngăn cản quá trình phát triển của nước này. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nêu rõ: "Việc Mỹ sử dụng sức mạnh để cấm đoán các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, như Huawei, là hành động bắt nạt kinh tế điển hình”. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Washington, song sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận bất bình đẳng nào.

 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm trong phiên giao dịch ngày 22/5, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về khả năng một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Như vậy giá các cổ phiếu trên thị trường này đã đi xuống ba trong bốn phiên giao dịch gần đây,  

 

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones khép phiên giảm 0,4% xuống 25.776,61 điểm, chỉ số S&P 500 cũng sụt giảm 0,4% xuống 2.856,27 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq mất 0,5% xuống 7.750,84 điểm.  Việc một thẩm phán liên bang Mỹ phát hiện nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ Qualcomm vi phạm luật chống độc quyền của nước này cũng là một yếu tố khiến các cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ sụt giảm. 

 

Thị trường chứng khoán Mỹ có lúc đi lên sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ chưa sớm thay đổi chính sách tiền tệ và lãi suất trong thời gian tới, dù yếu tố rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm.  Tuy nhiên, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng gần đây vẫn chi phối và làm thị trường chứng khoán đi xuống.

 

Trong khi ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng biến động tình hình chưa rõ ràng về Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu. Cụ thể tại London, chỉ số FTSE 100 khép phiên tăng 0,1% lên 7.7.378,98 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) tăng 0,2% lên 12.168,74 điểm. Trong lúc ở Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 chốt phiên giảm 0,1% xuống 5.378,98 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 "đi ngang" và giữ ở mức 3.386,72 điểm.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek