Thứ Ba, 15/10/2024 05:14 SA
Giới phân tích: Triều Tiên tăng cường sức ép đối với Hàn Quốc
Thứ Bảy, 23/03/2019 14:18 CH

Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong, Triều Tiên - Ảnh: Yonhap/TTXVN

* Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến Triều Tiên

 

Yonhap đưa tin, giới phân tích ngày 22/3 nhận định, thông qua việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều, Triều Tiên dường như tăng cường sức ép đối với Hàn Quốc nhằm buộc nước này đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Mỹ phá vỡ thế bế tắc của đàm phán phi hạt nhân hóa.

 

Việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều là sự thụt lùi dễ thấy đầu tiên đối với tiến trình hòa giải mà hai miền Triều Tiên theo đuổi suốt một năm qua, cũng như cho thấy thực tế sự cải thiện trong quan hệ liên Triều phụ thuộc nhiều vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington.

 

Văn phòng liên lạc được mở hồi tháng 9 năm ngoái nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi và hợp tác liên Triều, phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4/2018. 

 

Ông Cheong Seong-chang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Sejong, nhận xét: "Triều Tiên dường như quyết định rút khỏi văn phòng để gây sức ép đối với Seoul nhằm buộc nước này đóng vai trò tích cực hơn trong việc thuyết phục Washington”.

 

Đồng quan điểm, Giáo sư Lim Eul-chul từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam chia sẻ: "Về cơ bản, quyết định của Triều Tiên dường như là một lời phản đối, nhằm hối thúc Seoul thuyết phục Mỹ, bởi nhân tố Washington hiện nay là rào cản cho việc thực thi các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ có suy nghĩ thông qua việc rút khỏi văn phòng, nước này có thể gây sức ép tốt hơn đối với Hàn Quốc, thay vì vận hành văn phòng theo đúng thủ tục”.

 

Giới phân tích cho hay, Seoul cần phản ứng mau lẹ, bằng cách cử một đặc phái viên tới Triều Tiên hoặc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4. Theo giới phân tích, xác suất Mỹ chấp thuận yêu cầu của Triều Tiên là thấp, ví dụ như việc nhất trí giải pháp từng bước một hay dỡ bỏ một phần trừng phạt.

 

Cùng ngày 22/3, Yonhap đưa tin, các công ty Hàn Quốc vận hành các nhà máy tại khu công nghiệp chung hiện đang bị đóng cửa ở thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên đã bày tỏ thất vọng trước quyết định bất ngờ của Bình Nhưỡng rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều. Trả lời câu hỏi của Yonhap qua điện thoại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Khu công nghiệp Kaesong (CAGIC) Shin Han-yong bày tỏ: "Đối với CAGIC, đó là một tín hiệu xấu. Chúng tôi rất lo ngại rằng mối quan hệ liên Triều có thể trở lại tình trạng ảm đạm của một năm rưỡi trước trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ lại bị đình trệ”.

 

Được biết, ông Shin đại diện cho lợi ích của 124 công ty Hàn Quốc điều hành các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chung Kaesong. Ông Shin cho hay sự thất vọng ùa tới sau khi Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo với hiệp hội này về việc tiếp tục hoãn chuyến thăm khu công nghiệp chung nói trên của giới doanh nhân Hàn Quốc.

 

Tập đoàn Hyundai Asan chuyên điều hành các tour du lịch đến khu nghỉ mát Núi Kumgang tuyệt đẹp ở bờ biển phía Đông Triều Tiên và đóng vai trò hàng đầu trong việc thành lập khu công nghiệp Kaesong, cho biết tập đoàn này sẽ "làm theo hướng dẫn của chính phủ" khi nói đến các dự án kinh doanh và hợp tác ở Triều Tiên. Hyundai Asan đã bày tỏ hy vọng rằng việc cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có thể dẫn đến việc nối lại các dự án kinh doanh bị đình trệ.

 

Trong diễn biến khác, theo Yonhap, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon ngày 22/3 cho biết ông đã tập trung thảo luận về cách thức khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên trong các chuyến thăm tới Nga và các trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tuần này. Ông Lee đã gặp đối tác Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov tại St. Petersburg hôm 19/3.

 

Phát biểu với báo giới khi về tới sân bay quốc tế Incheon, ông Lee cho biết: "Về cơ bản, (chúng tôi) đã nhất trí rằng cuộc đối thoại và đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ nên được sớm nối lại”. Hai bên cũng nhất trí hợp tác xử lý các tình huống vào thời điểm "rất nhạy cảm và quan trọng”. Khi được hỏi liệu đã có các cuộc tham vấn về việc tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay chưa, ông Lee nêu rõ: "Tôi không nghĩ đã đến lúc nói về vấn đề như vậy. Hiện tại, điều quan trọng nhất là tiếp tục đối thoại, thay vì gây sức ép”.

 

Cũng trong ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Những lệnh trừng phạt quy mô lớn do Bộ Tài chính công bố hôm nay đã được bổ sung vào những lệnh trừng phạt đã tồn tại từ trước nhằm vào Triều Tiên. Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó”. Hiện chưa rõ chính xác ông Trump đề cập tới những biện pháp trừng phạt nào.

 

Ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp giới chức châu Âu trong tuần qua để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

 

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức tại London vào ngày 19/3 để thảo luận về những nỗ lực có sự phối hợp nhằm thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng”.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek