Theo Reuters, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/4 đã dường như không thể tham gia nỗ lực của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga hay Syria liên quan tới các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà dẫn tới cuộc không kích do các nước phương Tây lần đầu tiên phối hợp nhằm vào Syria hôm 14/4.
Sau khi Anh và Pháp tham gia cùng Mỹ tấn công tên lửa Syria, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tìm cách nhấn mạnh tới hướng đi ngoại giao trong cuộc họp ngoại trưởng EU tại Luxembourg.
Ngoại trưởng Anh Borsi Johnson nêu rõ: "Điều rất quan trọng cần phải nhấn mạnh rằng (các vụ không kích) không phải là một nỗ lực nhằm thay đổi xu hướng chiến tranh tại Syria hay nhằm thay đổi chính quyền. Tôi lo sợ chiến tranh Syria sẽ diễn biến theo một cách kinh khủng và khổ sở. Nhưng thế giới đang nói rằng chúng ta đã chán ngấy việc sử dụng vũ khí hóa học”.
Còn Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho biết: "Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy để đạt được một lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cuối cùng là một tiến trình hòa bình. Giải pháp duy nhất là một tiến trình hòa bình thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Sẽ có một giải pháp liên quan tới tất cả các bên có ảnh hưởng trong khu vực. Không thể tưởng tượng rằng ai đó sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân nước họ sẽ trở thành một phần của giải pháp này”.
Cùng ngày, EU cũng cho biết Nga và Iran nên sử dụng ảnh hưởng của mình với chính quyền Syria để ngăn chặn Damascus sử dụng vũ khí hóa học hơn nữa.
Trong diễn biến có liên quan, Bộ trưởng châu Âu của Đức Michael Roth kêu gọi EU thống nhất về hành động đối với Nga với mục tiêu giảm căng thẳng. Trong một bài báo trên tờ Die Welt, Bộ trưởng Michael Roth cho rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga cần được duy trì, nhưng mục đích là đưa Nga đến bàn đàm phán. Ông Roth nêu rõ: "Các lệnh trừng phạt thực chất không phải nhằm mục đích trừng phạt mà phải nhằm khuyến khích quay trở lại bàn đàm phán để tìm ra những giải pháp hợp lý.
Nhận định của Bộ trưởng Roth được đưa ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy dưới thời Thủ tướng Angela Merkel thuộc liên đảng bảo thủ và Ngoại trưởng Heiko Maas thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), lập trường của Đức đối với Nga đang trở nên cứng rắn, đặc biệt là kể từ khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh.
Anh cáo buộc Nga liên quan vụ việc này trong khi Chính phủ Nga bác bỏ mọi cáo buộc. Vụ việc đã khiến quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với làn sóng trục xuất ngoại giao đáp trả lẫn nhau.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục lao dốc sau khi Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 vừa qua tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào Syria với lý do đáp trả vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc khu vực Đông Ghouta của Syria một tuần trước đó.
Phương Tây cáo buộc chính quyền Damascus thực hiện vụ tấn công này, song Nga và chính quyền Damascus bác bỏ cáo buộc này, cho rằng vụ việc là một kế hoạch được dàn dựng của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, ngày 15/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow sẽ thực hiện mọi nỗ lực để cải thiện quan hệ chính trị với phương Tây.
Theo TTXVN/Vietnam+