Thứ Hai, 30/09/2024 14:23 CH
Nỗi lo sợ mang tên “Kurdistan”
Thứ Bảy, 03/11/2007 07:04 SA

Mấy hôm nay cả thế giới đều dõi theo tình hình khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ - bắc I-rắc và hy vọng một cuộc chiến giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Cuốc ly khai không xảy ra và giá dầu mỏ không tăng hơn nữa. Bởi, một khi cuộc chiến ấy được phát động với quy mô lớn tất yếu các đường ống dẫn dầu trong khu vực sẽ bị phá hủy. Vì sao có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến như vậy?

 

071103-tnk.jpg

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Iraq - Ảnh: REUTERS

 

Người ta nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua, những luật lệ bất khả xâm phạm chi phối chính sách đối ngoại đã hình thành qua các thế hệ như được tạc vào đá. Những bộ luật ấy là di sản của những năm 20 của thế kỷ trước, khi đế chế Ốt-tô-man sụp đổ, người châu Âu tìm cách chia cắt đất nước này. Nhưng một nhóm người tình nguyện Thổ Nhĩ Kỳ nghèo khổ, được vũ trang thô sơ, đã sống sót một cách lạ lùng nhờ mỗi ngày được ăn một mẩu bánh mì ôi thiu, được tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của Mu-xta-pha Ke-man A-ta-tớc để chống lại sự chia rẽ lãnh thổ, bảo vệ sự thống nhất đất nước. Họ đã giành chiến thắng trước những thế lực to lớn và nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay được sinh ra từ đó. Những câu chuyện huyền thoại, kể cả hoang đường, về tinh thần dân tộc của họ trở thành yếu tố tinh thần thúc đẩy người Thổ luôn vững vàng chống kẻ thù cả trên thực tế lẫn trong tưởng tượng. Từ đó “lằn ranh đỏ” được duy trì trong chủ nghĩa thế tục đối với khu vực tự trị của người Cuốc.

 

Từ năm 2003, “lằn ranh đỏ” đã tiến sát tới một tình trạng nguy hiểm khi khu vực bán tự trị của người Cuốc ở bắc I-rắc nổi lên từ sự sụp đổ của chế độ Xát-đam Hút-xen. Người Cuốc ở I-rắc có cờ riêng, ngôn ngữ riêng và một nghị viện riêng, thậm chí có trường học để phát triển ngôn ngữ, văn học và âm nhạc. Các thủ lĩnh chính trị đang nỗ lực để thống nhất lợi ích, tuyên bố thành phố Kiếc-cúc giàu dầu mỏ là của họ, tiến tới xây dựng nhà nước của người Cuốc, gồm cộng đồng người Cuốc sinh sống ở bắc I-rắc, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc I-ran. Một nhà nước của người Cuốc (Kurdistan) như vậy là một “lằn ranh đỏ nguy hiểm”, thậm chí đó là “từ cấm kỵ” đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự lo ngại ở đây chính là khả năng độc lập của người Cuốc ở I-rắc sẽ kích động những người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ đòi thành lập nhà nước riêng trong Thổ Nhĩ Kỳ, chia cắt sự toàn vẹn lãnh thổ mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng ngăn chặn khi người châu Âu định làm như vậy trước đây đối với đất nước này. Nỗi lo ngại của người Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện rõ bằng màu đỏ tươi trên lá quốc kỳ để nhắc người dân nước này rằng, máu của các thế hệ trước đã đổ để có nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

 

Trong nhiều thập niên vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối thực trạng của người Cuốc. Thực ra họ là người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở khu vực miền núi. Họ được gọi là người Cuốc (Kurd) là vì giày của họ có đặc điểm riêng, phát ra âm thanh đặc biệt “Kart hoặc Kurt” khi được dùng để đi trên tuyết. Người Cuốc có thể trở thành những doanh nhân giỏi, chính khách giỏi, nhưng do tính cách dân tộc nên họ không bao giờ để ý tới chuyện đó. Nhiều người Cuốc lớn lên ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có phong trào ly khai mạnh mẽ, đã rời bỏ nơi đây. Sự nổi lên mạnh mẽ của Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) trong thập niên 1980 (được thành lập năm 1970) đã khiến khu vực này trở thành vấn đề bế tắc của Thổ Nhĩ Kỳ và khiến phần lớn dân cư trong khu vực sống trong cảnh nghèo khó, ít được học hành và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bất cứ khu vực nào khác ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đi từ đô thị phồn hoa I-xtan-bun tới Đi-y-a-ba-ki, thủ phủ của vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến người ta cảm tưởng đó là chuyến đi từ phương Tây được công nghiệp hóa tới thế giới thứ ba, từ những ngôi nhà chọc trời lung linh ánh sáng xuống những căn nhà ổ chuột hôi thối và tăm tối, cho dù hai nơi chỉ cách nhau hai giờ bay.

 

Trong hơn hai thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ coi vấn đề người Cuốc đơn giản chỉ là chống chủ nghĩa khủng bố của PKK. Và, vì nhiều nước khác đôi khi ủng hộ PKK nên nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng không ai muốn thấy sự nổi lên của một nước Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh như một quốc gia quyền lực trong khu vực. Mối bất bình của người Cuốc đã trở thành một vấn đề quốc tế.

 

An-ca-ra nay có hai sự lựa chọn: Hoặc là súng - thứ chưa bao giờ dẹp được sự nổi loạn của người Cuốc - hoặc là dũng cảm đưa ra chính sách mới đối với cộng đồng người Cuốc: phát triển kinh tế khu vực tốt hơn để đáp ứng việc giải quyết các vấn đề khác liên quan.

 

Đó không là chỉ một bộ luật hời hợt cho phép phát sóng chương trình TV và ra-đi-ô kéo dài một giờ mỗi ngày (bắt đầu từ 3 năm trước). Thực tế cần có một cuộc cải cách toàn diện. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R.T.E-đô-gan từng nói, cần có các hành động cứng rắn chống PKK kết hợp với một giải pháp chính trị đối với người Cuốc nhằm xua tan các mối lo ngại ly khai và các cuộc tấn công của quân nổi dậy người Cuốc nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, phái có quan điểm cứng rắn đối với người Cuốc đang thắng thế. Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn vào khu vực bắc I-rắc nhằm tiêu diệt quân nổi dậy người Cuốc còn do nhiều sức ép khác nhau, nhưng không có gì bảo đảm rằng một cuộc chiến như vậy không xảy ra, khi sức ép từ trong nước ngày càng lớn.                         

 

(QĐND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek