Cộng hòa Singapore là quốc gia nhỏ nhất của Đông Nam Á với diện tích gần 700 km2, nằm phía nam của bán đảo Malaysia và phía bắc đảo Riau của Indonesia, cách xích đạo chỉ 137 km về hướng bắc, đảo quốc có hình dạng một viên kim cương bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác. Hơn 4 thập kỷ trước, Singapore chỉ là một làng chài của Liên bang Malaysia, nhưng hiện nay đất nước hơn 4,5 triệu dân này là quốc gia đang phát triển hàng đầu của Đông Nam Á.
|
Hải sư chính là biểu tượng của đảo quốc Singapore xinh đẹp |
Sau khi giành được độc lập, Singapore đã phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình từ năm 1959 đến 1990, ông Lý Quang Diệu đã nhanh chóng kiềm chế thất nghiệp, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn. Đầu tư nước ngoài và sự công nghiệp hóa do chính phủ chỉ đạo đã tạo ra một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa trên xuất khẩu hàng điện tử và gia công. Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất trên toàn cầu và cũng là quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.
Vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc, hiện nay là trung tâm buôn bán của Singapore, những khu vực còn lại rừng nhiệt đới ẩm hoặc đất nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa, tạo nên một Singapore với nhà cửa san sát ở khắp mọi miền. Hơn 90% dân cư Singapore sống trong các khu nhà xây dựng sẵn của Ủy ban Phát triển nhà ở và gần một nửa số dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày. Chính nhờ các phương tiện giao thông công cộng này cùng với sự chủ động của chính phủ trong các vấn đề môi trường đã làm cho sự ô nhiễm môi trường ở Singapore chỉ còn lại ở vùng công nghiệp nặng ở đảo Jurong.
Ủy ban Quy hoạch Đô thị của chính phủ Singapore chuyên về các hoạt động sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông, đã đưa ra quy hoạch chi tiết cho việc sử dụng đất ở 55 khu vực trong nước. Ngoài ra, Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km ở thập niên 1960 lên 697,25 km ngày nay, và có thể sẽ tăng thêm 100 km nữa đến năm 2030.
Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Đảo quốc này chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt; đất canh tác hẹp, chủ yếu để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm và cả nước ngọt để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao, đặc biệt là ngành sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và là đầu mối giao lưu thương mại quốc tế quan trọng, trong đó cảng biển Singapore là một trong những cảng biển trọng tải lớn tấp nập nhất thế giới. Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2001-2003, GDP thực tế năm 2004 của Singapore tăng mức kỷ lục 8%. Chính phủ đang cố gắng hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế ít bị tác động bởi những biến động bên ngoài và trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao của Đông Nam Á. GDP bình quân đầu người 28.100 USD/năm, có thể nói đảo quốc này là một trong những nước thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
KHÁNH NGỌC