Lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ trên cương vị tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres ngày 19/1 nhấn mạnh cần tạo dựng một quan hệ đối tác mới với giới doanh nghiệp, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo.
Phát biểu trong khuôn khổ WEF 2017, tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đặc biệt đề cao các doanh nghiệp, nhấn mạnh họ như những "đồng minh tốt nhất" để đảm bảo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn được thực thi, dù một số chính phủ trên thế giới có thể ít hành động ủng hộ văn kiện này, chẳng hạn như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - người hoài nghi về thực trạng biến đổi khí hậu, gây quan ngại ông có thể sẽ rút Mỹ khỏi danh sách các nước tham gia thỏa thuận ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tổng Thư ký Guterres cũng nhận định các đồng minh tốt nhất đối với thỏa thuận khí hậu Paris hiện nay hầu như hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và điều quan trọng là phải huy động toàn bộ lực lượng này, góp phần thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 năm ngoái.
Lý giải cho nhận định trên, ông Guterres cho rằng các doanh nghiệp có thể đi đầu trong xu hướng bảo vệ môi trường bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế xanh, điều này phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris, giúp thế giới không phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch - một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ông còn đề cập tới "mối liên kết" có ý nghĩa giữa doanh nghiệp với các mục tiêu chiến lược của cộng đồng quốc tế, cũng như bày tỏ tin tưởng vào cơ hội tạo dựng một nền tảng hợp tác mới ở tầm cao hơn giữa giới tinh hoa toàn cầu. Hiện, Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy thực hiện "Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030", trong đó đề ra mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục, y tế và môi trường trên toàn thế giới.
Tổng Thư ký Guterres cho rằng "mối liên kết" kể trên sẽ giúp Liên Hợp Quốc theo đuổi chương trình phát triển mới này, cũng như giúp giải quyết các thách thức trong tương lai. Tuy vậy, việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi phải có hàng nghìn tỉ USD đầu tư và đóng góp từ các chính phủ, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp.
Theo ông, "Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, nếu được thực hiện, sẽ giúp thu về khoản lợi tức đầu tư khoảng 30 tỉ USD mỗi năm.
Theo TTXVN/Vietnam+