Thế giới bước sang năm 2017 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu phục hồi khả quan sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, trồi sụt. Theo các nhà phân tích, dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2017 được cải thiện với mức tăng GDP dự kiến đạt trên 3%.
Những điểm sáng
Theo hầu hết các dự báo của các tổ chức và chuyên gia có trách nhiệm và uy tín trên thế giới, năm 2017, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ cao hơn năm 2016 từ 0,3-0,5%. Thận trọng hơn, trong dự báo đưa ra vào cuối năm 2016, theo WB, tăng trưởng thế giới sẽ đạt 3,1% năm 2017 so với mức 2,9% năm 2016. Chuyên gia kinh tế Giant Hasdies, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs nhận định: “Tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2017 là 3,5%. Chúng ta có thể thấy đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nếu xét về sự phát triển tại các khu vực của nền kinh tế thế giới, tôi nghĩ Mỹ vẫn đi đầu trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu”. Đầu tàu tăng trưởng của thế giới trong năm 2017 được dự báo sẽ là Mỹ với mức tăng GDP khoảng 2,2% khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump thực thi các chính sách bảo hộ kinh tế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, giảm thuế và nới lỏng các quy định kiểm soát các doanh nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế.
Liên minh châu Âu (EU) mặc dù phải chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, làn sóng di cư từ Trung Đông, châu Phi và chịu tác động của sự kiện Anh quyết định rút khỏi EU (Brexit), nhưng vẫn giảm được tỉ lệ thất nghiệp, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu và duy trì tỉ lệ lạm phát thấp, dự báo tăng trưởng của khối sẽ đạt trên 1,5% trong năm 2016. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh nhất thế giới ở mức 7,6%, qua đó vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Kinh tế toàn cầu cũng đã được hưởng lợi từ một số sự kiện và xu hướng lớn trong năm 2016 như việc cử tri Mỹ lựa chọn ông Donald Trump làm Tổng thống tạo ra cú hích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc cách mạng nông nghiệp tại châu Phi đã đem lại thành quả khi giúp nhiều nước trong khu vực thoát khỏi đói nghèo và đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Lục địa Đen.
Sự kiện có tác động tích cực nhất là việc các nước OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 11/2016, đây được đánh giá là nỗ lực không chỉ giúp ổn định thị trường dầu mỏ nói riêng mà còn cả nền kinh tế thế giới nói chung. Chủ tịch OPEC Mohamed Bin Saleh Al-Sada nhận định: “Thỏa thuận của các nước OPEC được đưa ra dựa trên trách nhiệm nhằm cân bằng thị trường dầu. Thỏa thuận này sẽ dẫn đến những tác động tích cực không chỉ đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu mà còn cả với người tiêu dùng. Những bước đi của OPEC cũng giúp hướng tới một nền kinh tế ổn định và vững mạnh mà chúng ta đang mong đợi”.
Khởi sắc kinh tế Châu Á
Dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức tín dụng quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy 2017 sẽ là một năm khởi sắc cho khu vực châu Á, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ tăng khoảng 5,3-5,7%. Đây là tỉ lệ tăng trưởng khá lạc quan trong khi kinh tế toàn cầu chỉ đạt tăng trưởng khoảng 3% năm nay và cho cả năm tới.
Khu vực Thái Bình Dương tăng trưởng tốt, đạt 3,3% năm tới so với 2,7% của năm nay. Đăc biệt, khối Đông Nam Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở mức 4,6-5% năm 2017 so với 4,5% năm 2016, khi nhu cầu của các nền kinh tế phát triển tăng đột biến và giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng cao hơn. Tại hội thảo châu Á năm 2017 vừa diễn ra tại New York (Mỹ), các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam, Philippines và Maylaysia tăng trưởng mạnh hơn so với nhiều quốc gia thành viên trong khối nhờ vào gia tăng tiêu thu nội địa, đầu tư trong lĩnh vực công và tư. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, nhưng cần có chính sách phát triển cân bằng và bền vững hơn, các nước mới nổi hàng đầu tại khu vực cần đẩy mạnh cải cách nhằm thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng và nâng cao năng suất lao động.
Năm 2017, thế giới chờ đợi diễn ra nhiều biến động và sự kiện lớn tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó có thể kể đến những biến động chính trị tại các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, sự kiện Brexit, vấn đề toàn cầu hóa và tự do thương mại đứng trước thử thách bởi chủ nghĩa dân túy, thiên hữu lên ngôi. Tuy nhiên, với những chỉ số thống kê lạc quan và đà tăng trưởng đang lên trong thời gian gần đây, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ khởi sắc và tăng trưởng cao hơn trong năm mới.
HUỲNH NGUYỄN (tổng hợp)