Ngày 19/1, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã yêu cầu bảo vệ cộng đồng người Rohingya theo Hồi giáo tại Myanmar.
Tại hội nghị đặc biệt diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với sự tham dự của các ngoại trưởng OIC, tổ chức gồm 57 quốc gia thành viên này đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng người Rohingya, đồng thời kêu gọi Chính phủ Myanmar mở cửa cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại tại bang miền bắc Rakhine, nơi có cộng đồng Rohingya sinh sống.
Ngoại trưởng Palestine Riad Malki cho rằng cuộc khủng hoảng Rohingya đang ngày càng trở nên xấu hơn. Cuộc họp của các Ngoại trưởng OIC có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định Jakarta muốn giúp Myanmar và cộng đồng Rohingya đạt được sự khoan dung và có được bầu không khí hòa hợp. Ngoại trưởng Retno khẳng định Indonesia sẵn sàng đóng vai trò quan trọng, giúp đỡ Myanmar và cộng đồng Hồi giáo Rohingya. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh các nước thành viên OIC cần vận động cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết vấn đề.
Trước đó, tại hội nghị đặc biệt này, OIC cảnh báo rằng các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya hiện nay để mở rộng hoạt động, đồng thời kêu gọi Myanmar kiềm chế.
Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội nước này phát động chiến dịch truy tìm các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới.
Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, tiến hành vụ tấn công trên. Chính quyền Myanmar đã thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra vụ bạo lực trên và kêu gọi cộng đồng quốc tế cho Myanmar thêm thời gian để giải quyết vấn đề phức tạp và khó khăn này.
Myanmar vốn không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.
Trong một diễn biến liên quan, OIC đã nhất trí sẽ cử một đoàn đại biểu cấp cao đến bang Rakhine của Myanmar để đánh giá tình hình liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo Rohingya.
Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho hay quyết định nói trên đạt được tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Ngoại trưởng OIC diễn ra ngày 19/1 tại thủ đô Kuala Lumpur. Ngoại trưởng Anifah nêu rõ đánh giá của quốc tế về những gì đang diễn ra tại bang Rakhine sẽ là một điều có lợi cho Chính phủ Myanmar, bởi đánh giá này có thể ngăn chặn những cáo buộc rằng Chính phủ Myanmar lạm dụng và đàn áp cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. Theo ông Anifah, việc Chính phủ Myanmar chấp nhận một nhóm độc lập đánh giá tình hình sẽ là giải pháp tốt nhất.
Cũng liên quan đến cộng đồng người Rohingya, trước đó cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố nước này sẽ đóng góp 10 triệu ringgit (khoảng 2,3 triệu USD) để giúp bang Rakhine xây dựng các cơ sở giáo dục và y tế.
Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Ngoại trưởng OIC nhằm mục đích giải quyết tình hình khủng hoảng liên quan đến người Rohingya tại Myanmar. 41 trong tổng số 57 quốc gia thành viên của OIC đã cử quan chức tham gia, trong đó có 8 ngoại trưởng và các quan chức cấp cao.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengali - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.
Theo TTXVN/Vietnam+