Chiều 19/12, tại Đại học Meiji Tokyo, Nhật Bản, Viện Các vấn đề toàn cầu Meiji (MIGA) và Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Meiji (MIIPS) đã tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) ở La Hay (Hà Lan): Tương lai hàng hải châu Á".
Tham dự hội thảo có các học giả hàng đầu của Nhật Bản và các nước trong khu vực. Các học giả đã tập trung thảo luận làm nổi bật ý nghĩa và tác động của phán quyết đối với tình hình biển Đông thời gian vừa qua, khẳng định tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông là lợi ích không chỉ của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tính thượng tôn của pháp luật.
Học giả Go Ito, Giám đốc MIIPS, giáo sư Đại học Meiji, khẳng định phán quyết của PCA là khung pháp lý quan trọng để các quốc gia đang tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở biển Đông đạt được thỏa thuận, mang lại lợi ích chính trị, kinh tế cho cả khu vực. Giáo sư Ito nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Đông trong an ninh hàng không, hàng hải quốc tế, do đó Mỹ cũng như Nhật Bản không thể đứng ngoài những tranh chấp tại khu vực này; tự do hàng hải, hàng không là vấn đề chung của khu vực và toàn cầu.
Cùng chung quan điểm về hợp tác trên biển Đông, học giả Song Yann-huei, tiến sĩ Viện Nghiên cứu Mỹ và châu Âu, Học viện Sinica, Đài Loan (Trung Quốc), đã bổ sung thêm ý nghĩa, tầm quan trọng của biển Đông với 5.300 tỉ USD giá trị hàng hóa thương mại đi qua trên vùng biển này mỗi năm, hòa bình trên biển Đông là lợi ích của tất cả các quốc gia và nền tảng chính là phán quyết của PCA.
Học giả Virgina Bacay Watson, giáo sư Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (APCSS), Mỹ, đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của phán quyết PCA đối với Philippines, phán quyết đã giúp cho tân Tổng thống nước này Rodrigo Duterte thực hiện nền tảng ngoại giao mới, trong đó tăng cường quan hệ, hợp tác với các nước trong khu vực, đồng thời giúp Philippines giảm căng thẳng, tiến tới hợp tác với Trung Quốc. Phán quyết của PCA là cơ sở giúp Philippines củng cố an ninh hàng hải, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển bằng việc tăng cường lực lượng phòng vệ bờ biển.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về nhận định tình hình biển Đông thời gian tới, học giả Tokuchi Hideshi, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách ngoại giao sắp tới của Mỹ, Trung Quốc và bản thân các nước ASEAN. Theo học giả này, chính sách an ninh dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ khả năng sẽ được duy trì như hiện nay và không có những thay đổi lớn. Vì vậy, tình hình biển Đông sẽ phụ thuộc đầu tiên vào các nước ASEAN, sự đoàn kết giữa các nước ASEAN sẽ góp phần giúp tình hình biển Đông ổn định; tiếp theo là quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN với các quốc gia như Trung Quốc và những nước ngoài khu vực có liên quan như Nhật Bản và Úc.
Cùng chung quan điểm trên, học giả David Walton, tiến sĩ Đại học Tây Sydney, nhấn mạnh tình hình biển Đông thời gian tới sẽ liên quan mật thiết với các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung và chính sách của các nước lớn, Việt Nam cũng có vai trò rất quan trọng. Đối với chính sách sắp tới của ông Trump, học giả David Walton dự đoán sẽ không có những thay đổi lớn, quan điểm này được ông đưa ra từ những tuyên bố và cam kết của ông Trump đối với Úc.
Hội thảo quốc tế về biển Đông lần này tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang có những thay đổi lớn, xung quanh chính sách ngoại giao mới hậu phán quyết PCA của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức với các chính sách an ninh, ngoại giao mới. Các học giả tham gia hội thảo đều thống nhất, phán quyết PCA là cơ sở để các quốc gia hợp tác trong vấn đề biển Đông, duy trì tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông; hòa bình, ổn định là lợi ích của tất cả các quốc gia.
Theo TTXVN/Vietnam+