Ngày 19/12, Philippines cho biết nước này sẽ "không xa rời" phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye (Hà Lan) trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông, song nhấn mạnh Manila vẫn cần xây dựng lòng tin với Bắc Kinh trước khi bàn về các vấn đề song phương "nhạy cảm".
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nhấn mạnh chính phủ nước này đã tái khẳng định "sự tôn trọng triệt để và vững chắc đối với phán quyết lịch sử của PCA", cũng như sẽ giải quyết vấn đề trên biển Đông dựa trên phán quyết này.
Ông Yasay cũng nhắc lại điều mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng khẳng định rằng ông sẽ không xa rời PCA. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh việc "khôi phục lại" mối quan hệ với Trung Quốc vẫn là một trong những ưu tiên của ông Duterte và chính phủ nước này vẫn đang nỗ lực xây dựng "sự tin cậy" với Trung Quốc, từ đó cho phép Manila có thể thảo luận về các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương.
Ngày 12/7 vừa qua, PCA đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở biển Đông. Phán quyết của PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn”.
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên biển Đông.
Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề. Sau khi PCA công bố phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết.
Theo TTXVN/Vietnam+