Thứ Sáu, 04/10/2024 04:25 SA
Vượt biển Đông đến xứ dầu cọ
Thứ Ba, 04/09/2007 10:06 SA

Xứ sở dầu cọ Malaysia với diện tích 330.000 km, gồm hai vùng địa lý bị chia tách bởi biển Đông. Tây Malaysia nằm trên bán đảo Malaya, chia sẻ biên giới bộ với Thái Lan ở phía bắc và nối liền với đảo quốc Singapore ở phía nam. Đông Malaysia chiếm phần phía bắc đảo Borneo, giáp biên giới với Indonesia và bao quanh Vương quốc Hồi giáo Brunei. Eo Malacca nằm giữa đảo Sumatra và tây Malaysia được cho là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.

 

070904-Malaysia.jpg

Tòa tháp Petronas - biểu tượng của MalaysiaKuala Lumpur

 

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

 

Đầu thế kỷ 15, Vương quốc Hồi giáo Malacca được thành lập dưới một triều đại do Parameswara, một hoàng tử có liên hệ huyết thống với hoàng gia Srivijaya, người đã phải bỏ chạy khỏi Temasek (Singapore hiện nay) sáng lập. Ở thời đỉnh cao, vương quốc hồi giáo đã kiểm soát nhiều vùng hiện là bán đảo Malaysia, nam Thái Lan, và bờ biển phía đông Sumatra. Nó đã tồn tại trong hơn một thế kỷ, và khoảng thời gian này chính là lúc đạo Hồi lan ra hầu hết quần đảo Malaya.

 

Malacca là cảng thương mại tiền đồn thời ấy tại Đông Nam Á. Năm 1511, người Bồ Đào Nha chinh phục Malacca, lập ra một thuộc địa ở đây và đó chính là nguyên nhân xảy ra cuộc xung đột giành quyền kiểm soát eo biển Malacca kéo dài đến tận năm 1641 và kết thúc bằng thắng lợi của người Hà Lan. Năm 1786, nước Anh đã thành lập thuộc địa đầu tiên của mình tại bán đảo Malay. Sau Hiệp ước Anh- Hà Lan năm 1824 phân chia quần đảo Malaya giữa Anh và Hà Lan, Malaya trở thành thuộc địa của Anh.

 

Năm 1946, Liên minh Malaya, được thành lập, gồm tất cả các vùng đất thuộc quyền quản lý của Anh tại Malaya ngoại trừ Singapore, giữ lại quyền tự trị của những vị vua cai trị các bang Malay dưới sự bảo hộ của Anh. Trong thời gian này, những người nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Malaya đã tung ra các cuộc tấn công du kích nhằm đẩy lực lượng Anh khỏi Malaya. Tình trạng khẩn cấp Malaya, như nó từng được gọi, kéo dài từ 1948 tới 1960, và dẫn tới một chiến dịch chống nổi dậy kéo dài của quân đội Khối thịnh vượng chung Anh ở Malaya. Chống lại tình hình này, nền độc lập cho liên minh trong Khối thịnh vượng chung đã được trao ngày 31/8/1957. Năm 1963 Liên bang được đổi tên thành Malaysia.

 

NỬA THẾ KỶ THĂNG TRẦM PHÁT TRIỂN

 

Sau khi Singapore với đa số dân là người Hoa, rời bỏ Liên bang Malaysia để trở thành một nước cộng hòa riêng biệt vào tháng 8/1965, mối quan hệ giữa người Mã với người Hoa ở Malaysia vẫn căng thẳng. Lý do chính vì hiến pháp quy định những điều khoản như chỉ có người Mã mới được giữ các chức vụ lâu dài trong chính phủ, đạo Hồi là quốc giáo và tiếng Mã là ngôn ngữ chính của Malaysia. Tình trạng căng thẳng giữa hai nhóm sắc tộc lên đến cao điểm vào năm 1969, xung đột bùng nổ làm hằng trăm người thiệt mạng. Chính quyền tái ban hành lệnh khẩn trương và hiến pháp bị đình chỉ tới năm 1971.

 

Để gầy dựng tình đoàn kết quốc gia, chính phủ cho tu chính hiến pháp, bãi bỏ những đặc quyền đặc lợi dành cho người Mã và ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Mã tham gia thương trường.

 

Năm 1981, lãnh tụ đảng UMNO, bác sĩ Mahathir Mohamad trở thành thủ tướng Malaysia. Nhờ có chính sách hoạch định và quản lý cụ thể, Thủ tướng Mahathir đưa kinh tế Malaysia tăng triển mạnh trong thập niên 1980 và gần suốt những năm 90.

 

Nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Malaysia là nước có tiềm năng xuất khẩu nguyên liệu thô mạnh. Cao su, từng một thời là tâm điểm nền kinh tế Malaysia, đã bị thay thế phần lớn bởi dầu cọ trở thành sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Malaysia. Thiếc và dầu mỏ là hai nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị của kinh tế Malaysia. Malaysia từng là nước sản xuất thiếc hàng đầu thế giới cho tới khi thị trường này sụp đổ đầu thập niên 1980. Chỉ tới năm 1972 dầu mỏ và khí tự nhiên mới thay thế thiếc trở thành mặt hàng chính trong lĩnh vực khai mỏ. Trong lúc ấy, thị phần thiếc trong nền kinh tế đã suy giảm. Dầu mỏ và khí tự nhiên được tìm thấy tại các mỏ dầu ngoài khơi Sabah, Sarawak và Terengganu đã có đóng góp lớn vào nền kinh tế Malaysia đặc biệt tại các bang đó. Các sản phẩm khoáng sản khác cũng khá quan trọng gồm đồng, vàng, bô xít, quặng sắt và than cùng với các khoáng sản công nghiệp như đất sét, cao lanh, silica, đá vôi, barite, phốt phát và các sản phẩm đá cắt như đá granite và đá mable khối hoặc tấm. Những ước tính của chính phủ cho rằng ở mức sản xuất hiện nay Malaysia sẽ có khả năng khai thác dầu thêm 16 năm và khí gas trong 33 năm nữa. Năm 2004 Malaysia được xếp hạng thứ 24 về trữ lượng dầu và 13 cho trữ lượng khí gas. 56% trữ lượng dầu nằm tại bán đảo và 19% tại Đông Malaysia.

 

Đầu thập niên 1990, trong khuôn khổ chương trình tư hữu hóa với quy mô rộng lớn, chính phủ Malaysia cho bán ra thị trường các doanh nghiệp và công ty quốc doanh. Biện pháp này thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời củng cố tiến trình công nghiệp hóa đất nước.

 

Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1996-2000) và lần thứ 8 (2001-2005) Malaysia đã được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch dài hạn 30 năm (1990-2020) gọi là “Chương trình phát triển mới” hay “Tầm nhìn 2020” với mục tiêu đưa Malaysia trở thành một nước phát triển vào năm 2020. Hiện nay, Malaysia đã đứng thứ 23 trong các nước châu Á về kinh tế, vượt qua cả Indonesia và Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người của Malaysia là 4.020 USD/năm. Tuy tốc độ phát triển không cao, nhưng nền kinh tế nước này được coi là bền vững.

 

MỜI GỌI ĐẦU TƯ

 

Với chủ trương ủng hộ mạnh đường hướng tự do hóa mậu dịch, Malaysia là thành viên tích cực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cơ cấu kinh tế trong vùng, như Khu vực mậu dịch tự do khối ASEAN (AFTA) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

 

070904-Xe-JRD.jpg

JRD Auto có nhà máy đặt tại Phú Yên

 

Malaysia đang thực hiện Kế hoạch năm năm lần thứ chín (2005-2010). Kể từ khi lên cầm quyền năm 2003, Thủ tướng A.Badawi đã xúc tiến nhiều nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu của Tầm nhìn 2020. Dự án Hành lang kinh tế miền bắc nằm trong khuôn khổ kế hoạch dài hạn nêu trên là sự tiếp nối dự án lớn Khu vực kinh tế miền nam Iscanda (giáp Singapore) do cựu Thủ tướng M.Mohamad thực hiện, cũng được triển khai theo tinh thần đó.

 

Ý tưởng của dự án Hành lang kinh tế miền nam là biến bốn bang nằm giáp Thái Lan gồm Penang, Perak, Pelit và Keda thành một khu vực kinh tế đa năng. Bốn bang này có số dân khoảng 4,3 triệu người, chủ yếu là người Mã có thu nhập bình quân 717 USD/hộ gia đình, được coi là thấp nhất trong sáu khu vực của cả nước. Keda và Pelit là vựa lúa, với ba vụ/năm, là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho đảo Penang ở cực bắc là trung tâm chế tạo điện tử. Hoạt động du lịch gần đây đã khởi sắc với một phần ba số khách du lịch thăm Malaysia ghé các bang này.

 

Thủ tướng A.Badawi tuyên bố “Chính phủ sẵn sàng cải thiện thêm các điều kiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, khuyến khích và hoan nghênh các nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư trong cộng đồng người Mã-lai tham gia các dự án trên thông qua khái niệm đối tác thông minh và liên kết của Malaysia, cùng Chính phủ tạo sức sống mới cho khu vực này, góp phần thiết lập sự phát triển cân bằng và bền vững trong cả nước”.

 

Báo “Ngôi sao” nhận xét, khu vực nằm trên Hành lang kinh tế miền bắc là nơi đảng UMNO cầm quyền có ảnh hưởng lớn; chỉ riêng việc vạch ra mục tiêu biến vùng đất mỗi năm ba vụ lúa mà chưa thoát khỏi nghèo này thành một vành đai kinh tế mở với nhiều ngành nghề mới hấp dẫn đã nâng cao thêm uy tín của UMNO trước cuộc bầu cử dự định được tổ chức vào đầu năm tới.

 

KHÁNH NGỌC (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek