Cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về ngăn chặn diệt chủng Adama Dieng đã cảnh báo như trên khi trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Nam Sudan ngày 2/5.
Hàng nghìn người đã bị thiệt mạng, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sau khi giao tranh bùng phát vào tháng 12 năm ngoái giữa binh sỹ ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và các binh sỹ trung thành với Phó tổng thống bị cách chức Riek Machar.
Đoàn đàm phán của Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập đã họp tại Ethiopia nhưng thất bại. Cộng đồng quốc tế lo ngại, quốc gia châu Phi này có thể lâm vào nạn diệt chủng sau khi Liên Hợp Quốc cho biết phe đối lập đã thảm sát hàng trăm dân thường tại thị trấn Bentiu vào tháng trước.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền nói: “Tôi lo ngại, các nhà lãnh đạo Nam Sudan bị cuốn vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực cá nhân mà không đếm xỉa đến nỗi thống khổ của người dân. Việc triển khai một lực lượng bảo vệ sẽ giúp cứu sống nhiều người trong ngắn hạn”.
Bà Pillay hối thúc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ sáng kiến này. Nam Sudan giành độc lập, tách khỏi Sudan năm 2011 theo thỏa thuận hòa bình chấm dứt hàng chục năm xung đột. Kể từ khi xảy ra xung đột, sản lượng dầu lửa của Nam Sudan đã giảm 1/3 xuống còn 160.000 thùng/ngày.
Theo VOV