Trong báo cáo mới nhất của Chương trình so sánh quốc tế (ICP) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Malaysia được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 27 trong số 199 nước trên thế giới.
ICP đánh giá Malaysia là một trong những nước có thu nhập thấp và trung bình, những nước có đóng góp gần một nửa tổng số hàng hóa và dịch vụ trên thế giới với trị giá hơn 90.000 tỉ USD trong năm 2011. Ba nước ASEAN khác nằm trong tốp 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Indonesia ở vị trí thứ 10, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 21 và Philippines, ở vị trí 28. Trên toàn cầu , Mỹ đứng đầu danh sách, chiếm 17,1% nền kinh tế thế giới, tiếp theo là Trung Quốc (14,9%) và Ấn Độ (6,4%). Báo cáo của ICP cho biết, dữ liệu mới nhất cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối năm 2014.
Tờ Thời báo Tài chính đưa tin rằng Mỹ đang trên bờ vực mất vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một vị trí mà Mỹ đã nắm giữ kể từ khi cường quốc này vượt qua nước Anh vào năm 1872. Theo báo cáo ICP, 6 nền kinh tế thu nhập trung bình lớn nhất, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonesia và Mexico, chiếm 32,3% tổng GDP thế giới.
Trong khi đó, sáu nền kinh tế có thu nhập cao lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Ý, chiếm 32,9% GDP thế giới. Theo bình quân đầu người, năm nền kinh tế có GDP cao nhất là Qatar, Macao, Luxembourg, Kuwait và Brunei, trong đó Qatar và Macao có thu nhập bình quân đầu người là hơn 100.000 USD.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, theo chỉ số giá cả (PLI), các nền kinh tế đắt đỏ nhất trong lĩnh vực GDP là Thụy Sĩ, Na Uy, Bermuda, Úc và Đan Mạch, có chỉ số PLI dao động trong khoảng 210-185 (trên mức trung bình 100). Ngân hàng Thế giới đánh giá Malaysia là 1 nước có thu nhập trên trung bình và là nền kinh tế rất mở với GDP bình quân đầu người đạt 10.500 USD trong năm 2013 và xuất khẩu đóng góp tới hơn 83% GDP của nước này.
Theo Vietnam+