Thứ Sáu, 11/10/2024 20:24 CH
Đức đề xuất các bên cùng đến các điểm nóng tại Ukraine
Thứ Sáu, 25/04/2014 17:38 CH

* IMF thông báo thời điểm quyết định cứu trợ bổ sung Ukraine

 

Theo Reuters, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga nên thực hiện chung một chuyến thăm cấp cao đến các điểm nóng tại Ukraine cùng các quan chức địa phương nhằm thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với thỏa thuận Geneva đạt được hôm 17/4.


dong-140425.jpg

Lính đặc nhiệm Ukraine tại thành phố miền đông Slavyansk. - Nguồn: AFP/TTXVN

Trong một bức thư gửi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Steinmeier cho rằng thỏa thuận quốc tế này cần "sự ủng hộ chính trị rõ ràng”. Theo ông Steinmeier, sự ủng hộ này có thể được thể hiện bằng một "chuyến thăm chung của các đại diện cấp cao của cả bốn bên đến Kiev cũng như các khu vực miền đông và tây của Ukraine".

 

Trong khi đó, Quyền Thủ tướng trong chính phủ do phương Tây hậu thuẫn của Ukraine, Arseniy Yatsenyuk ngày 25/4 đã lên tiếng cáo buộc Nga "đang muốn bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3", đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế chống lại "sự hung hăng của Nga".

 

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga vừa tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới với Ukraine. Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nêu rõ: "Chúng tôi buộc phải đáp trả tình hình này. Từ ngày hôm nay, các cuộc tập trận đã được bắt đầu tại khu vực giáp biên giới Ukraine với sự tham gia của các tiểu đoàn lực lượng chiến thuật thuộc Quân khu nam và Quân khu tây".

 

Cùng ngày 25/4, Itar-Tass đưa tin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố nếu tình trạng bạo lực tại đông nam Ukraine vẫn tiếp diễn, Nga sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo An Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phát biểu trong một chương trình đặc biệt trên Kênh truyền hình Rossiya-1, ông Churkin nói: "Nếu những gì hôm nay chúng ta chứng kiến vẫn tiếp diễn. Nếu vũ lực vẫn tiếp tục được sử dụng để chống lại phong trào biểu tình ở đông nam Ukraine, chúng tôi sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc". Ông Churkin cũng kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon công khai chỉ trích chiến dịch quân sự của chính quyền Kiev tại khu vực đông nam Ukraine.

 

Trong diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ công bố quyết định chính thức về chương trình cứu trợ cho Ukraine vào ngày 30/4 tới sau một cuộc họp của ban quản trị. Phát biểu họp báo ngày 24/4 tại thủ đô Washington, người phát ngôn của IMF Gerry Rice xác nhận thể chế tài chính này đang trong quá trình hoàn thiện các bước cần thiết để chuẩn bị cho cuộc họp ban quản trị liên quan tới chương trình trợ cấp cho Kiev vào ngày cuối cùng của tháng 4. Ông Rice cho biết ban lãnh đạo IMF đã nhận được tài liệu từ Chính phủ tạm quyền Ukraine về việc Kiev thực hiện các biện pháp cải cách và ổn định kinh tế, điều kiện để nước này được nhận hỗ trợ tài chính từ IMF. Hiện cơ quan này đang thẩm định các thông tin trên và sẽ đưa ra bàn thảo vào cuộc họp sắp tới.

 

Nếu các ý kiến chung đều đánh giá tích cực các nỗ lực cải cách kinh tế của Ukraine, IMF có thể giải ngân thêm gói cứu trợ 15 tỉ USD trong hai năm tới cho nước này, bổ sung vào chương trình bình ổn từ 14 tỉ - 18 tỉ USD cho giai đoạn 2015-2016 đã nhất trí trước đó. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình bạo động tại các tỉnh miền đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phát biểu về vấn đề này, ông Rice cho biết căng thẳng tại Ukraine sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch cứu trợ của IMF do công việc cơ quan này vẫn thường xuyên phải đối mặt với môi trường chính trị bất ổn và căng thẳng. 

 

Cùng ngày 24/4, cuộc họp 3 bên giữa Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Tomas Malatinsky với Bộ trưởng Nhiên liệu và Năng lượng Ukraine Yuriy Prodan và Đặc phái viên châu Âu phụ trách năng lượng Gunther Oettinger về Bản ghi nhớ (MoU) cung cấp khí đốt từ Slovakia tới Ukraine đã diễn ra tại thủ đô Bratislava của Slovakia. Tại cuộc họp, ông Malatinsky cho biết, các bên đã cơ bản nhất trí nội dung bản ghi nhớ, đang tiếp tục thảo luận một số điểm bất đồng nhỏ và dự kiến ký thông qua vào ngày 28/4 tới.

 

Tập đoàn năng lượng Eustream của Slovakia, đối tác tham gia dự án, đề xuất sử dụng đường ống Vojany của nước này để vận chuyển khí đốt từ các nước Tây Âu sang Ukraine ngay trong năm nay. Phía Slovakia cho biết họ chỉ có thể sử dụng đường ống Vojany, có công suất vận chuyển tối đa 10 tỉ m3 từ nay tới đầu năm 2015, để phục vụ dự án này vì đường ống chính chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine và Slovakia thuộc quản lý của tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga - Gazprom. Đại diện của EU, ông Oettinger cũng cho thừa nhận đường ống Vojany là phương án khả thi nhất cả về mặt pháp lý và kỹ thuật trong bối cảnh hiện nay

 

H.TRỌNG (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek