Chủ Nhật, 13/10/2024 21:19 CH
Tổng thống Nga bổ nhiệm các lãnh đạo Crimea và Sevastopol
Thứ Ba, 15/04/2014 11:00 SA

* Nga thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

* EU nhất trí tham vấn với Ukraine và Nga về an ninh khí đốt

 

Ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm các ông Sergei Aksyonov và Sergei Menyailo lần lượt làm lãnh đạo lâm thời của Crimea và Sevastopol. Sắc lệnh về các quyết định bổ nhiệm này được Tổng thống Putin ký ngay trong ngày. 

 

Crimea-140415.jpg

Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Quốc hội Crimea Konstantionov ( thứ hai, trái), Thủ tướng Crimea Aksyonov (trái) và thị trưởng TP Sevastopol, Aleksei Chaly bắt tay sau khi ký hiệp ước về sáp nhập Crimea vào Nga hôm 18/3. - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc gặp với ông Sergei Aksyonov, Tổng thống Putin cho biết việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo Crimea là cần thiết và phù hợp với luật pháp hiện hành của Liên bang Nga. Tổng thống Putin đánh giá ông Aksyonov “đã làm được nhiều việc để Crimea sáp nhập vào nước Nga”, song nhấn mạnh trên cương vị mới ông Aksyonov cần làm việc nhiều hơn nữa để cải thiện nền kinh tế Crimea vốn đang gặp khó khăn.

 

Cùng ngày, Tổng thống Putin cũng bổ nhiệm ông Sergei Menyailo làm quyền lãnh đạo Sevastopol theo đề nghị của ông Aleksei Chaly, người đã được chỉ định làm Giám đốc Cơ quan Phát triển Chiến lược Sevastopol. Tại cuộc gặp với Tổng thống Putin, ông Menyailo cho rằng nhiệm vụ trước mắt của Sevastopol là đấu tranh chống tham nhũng, hoàn thiện cơ cấu chính quyền và quan trọng nhất là giảm nhẹ căng thẳng xã hội.

 

Hai nhân vật vừa được bổ nhiệm này sẽ đảm nhiệm chức vụ cho tới khi các lãnh đạo mới nhậm chức sau cuộc bầu cử vào ngày 14/9 tới.

 

Trong diễn biến khác, ngày 14/4, một quan chức quân sự Mỹ cho biết một chiến đấu cơ của Nga trong vòng hơn 90 phút đã liên tục bay qua lại gần một tàu chiến của Mỹ trên Biển Đen vào hôm 12/4, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực. Quan chức giấu tên trên cho hay máy bay chiến đấu của Nga đã bay trong vòng 900m gần tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ, ở trên độ cao chỉ 150m so với mực nước biển. Động thái này đã khiến các chỉ huy của con tàu phải đưa ra các cảnh báo qua sóng radio. Tuy nhiên, chiến đấu cơ trên dường như không được trang bị vũ khí và không dẫn tới sự cố nào.

 

Cũng trong ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Yars RS-24. Theo phát ngôn viên Binh chủng tên lửa chiến lược Nga Igor Yegorov, vụ phóng được thực hiện vào lúc 10 giờ 40 (6 giờ 40 giờ GMT) từ bãi phóng Plesetsk ở miền bắc nước Nga nhằm thử nghiệm độ tin cậy của các tên lửa loại này. Ông Yegorov cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars RS-24 đã đánh trúng mục tiêu tại dãy Kura trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông.

 

Tên lửa Yars RS-24 có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, sẽ dần thay thế cho các tên lửa Topol (RS-12M) và Stiletto (RS-18) thế hệ trước. Trong tương lai, RS - 24 sẽ là sức mạnh của Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga nhằm đảm bảo an ninh quốc gia cũng như các nước đồng minh đến giữa thế kỷ 21. Hiện 15 hệ thống tên lửa di động Yars đang được triển khai tại các đơn vị ở NovosibirskTomsk thuộc Siberia. Theo kế hoạch, trong năm 2014, Nga sẽ thực hiện 16 vụ phóng tên lửa đạn đạo phục vụ công tác huấn luyện, thử nghiệm và thương mại.

 

Trong diễn biến khác, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tiến hành tham vấn với Ukraine và Nga về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là nội dung tuyên bố của EU sau cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao 28 nước thành viên tổ chức này tại Luxembourg ngày 14/4. Tuyên bố nêu rõ bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên EU đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị câu trả lời bằng văn bản, trong đó khẳng định EU nhất trí tham vấn với Moscow và Kiev về an ninh cung cấp khí đốt, theo đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bức thư gửi 18 nước đối tác châu Âu ngày 10/4 vừa qua. Các bộ trưởng Ngoại giao EU cũng kêu gọi Nga giải quyết tất cả những bất đồng về giá cả và điều kiện cung cấp khí đốt bằng con đường đàm phán và thông qua cơ chế hợp pháp hiện nay nhằm ổn định tình hình kinh tế ở quốc gia Đông Âu này.

 

Cùng ngày 14/4, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói hỗ trợ trị giá 1 tỉ euro (1,4 tỉ USD) để giúp giới chức tạm quyền của Ukraine khắc phục các khó khăn tài chính nghiêm trọng hiện nay. Trong một động thái nữa nhằm khôi phục nền kinh tế Ukraine, các ngoại trưởng EU nhóm họp ở Luxembourg còn ký thông qua kế hoạch cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng của Ukraine, nhờ đó giúp nước này tiết kiệm gần 500 triệu euro/năm. Ngoài ra, các ngoại trưởng EU còn bổ sung 4 người Ukraine vào danh sách 18 người nước này bị EU cấm cấp thị thực và bị phong tỏa tài sản từ ngày 5/3 vì biển thủ ngân sách Ukraine.

 

Mỹ cũng ký bảo đảm khoản vay 1 tỉ USD cho Ukraine, một phần trong gói viện trợ nhằm hỗ trợ quốc gia này phục hồi kinh tế. "Nhân dân Ukraine đã chứng tỏ sự dũng cảm lớn lao khi họ bước vào tiến trình độc lập cho đất nước mình và đòi hỏi một chính phủ phản ánh ý chí của người dân", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói trong một tuyên bố.

 

H.NGUYỄN (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek