Thi thoảng trong giấc mơ tôi có tiếng thì thầm của dòng sông quê nhà. Dòng sông với tiếng trống hội rộn ràng miền ký ức. Và đôi bờ bên dòng xanh miên man trôi là những làng nghề nức tiếng một thời, những chuyện kể tưởng như chỉ mới hôm qua, chưa chìm vào lớp bụi mờ quá khứ...
Dòng sông Cái quê tôi không chỉ bồi đắp phù sa cho ruộng đồng, vườn tược mà còn là “nhân chứng” bao sự kiện gắn với lịch sử hình thành vùng đất biên viễn của Đại Việt xưa.
1. Mùng 1 tết năm đó, ba tôi chở cả nhà xuống Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) coi đua thuyền. Chầm chậm đi qua những hiên nhà vàng rực bông vạn thọ, qua những cánh đồng rì rào lúa xuân thì đến quốc lộ 1. Đi một đoạn nữa thì nghe tiếng trống hội rộn ràng, giục giã. Hai bên cầu Lò Gốm, già trẻ lớn bé đứng chen chân. Ai nấy háo hức nhìn xuống dòng sông. Cuộc đua vừa mới bắt đầu. Trên những chiếc sõng nan mà người dân quê tôi dùng để đi đánh lưới, chở củi trong mùa lụt, những người đàn ông vạm vỡ ghì chặt mái chèo, nhấc lên đưa xuống nhịp nhàng trong tiếng trống thúc giục. Những chiếc sõng nghếch mũi, rẽ nước lướt tới. Cả một khúc sông như vỡ ra trong tiếng hò reo.
Sau này, nhắc về hội đua thuyền, ba nói rằng đây là một sự kiện đặc biệt trên dòng sông Cái, với bề dày ngót 2/3 thế kỷ...
Gia đình tôi rời quê vào phố. Tôi đi học, ra trường rồi đi làm. Khi đó, tôi mới biết rằng sông Cái không chỉ bồi đắp phù sa cho đôi bờ, không chỉ có hội đua thuyền rộn rã mà còn chứng kiến bao sự kiện gắn với lịch sử hình thành vùng đất biên viễn của Đại Việt xưa.
Khởi nguồn từ dãy núi cao trên 1.000m giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, con sông đi qua trùng điệp núi rừng Phú Yên quê tôi. Trên hành trình hơn 100km về với biển, sông Cái có nhiều tên gọi. Nơi thượng nguồn, con sông được biết đến với tên La Hiên. Khi đi qua huyện miền núi Đồng Xuân, con sông mang tên Kỳ Lộ.
Dòng sông hiền hòa trải rộng khi gần về với biển. Đến quốc lộ 1 - nơi có cây cầu Ngân Sơn bắc qua, sông Cái làm cuộc phân ly. Một nhánh sông Cái hòa vào sông Bình Bá, đổ ra vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu); một nhánh qua Ngân Sơn, đến cầu Lò Gốm phía trên đập Tam Giang thì chia làm hai: một dòng rẽ sang phía Nam, đưa nước vào đầm Ô Loan, một dòng xuôi về phía Đông, hòa vào biển qua cửa Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An).
Trên đường về với biển, sông Cái đã ôm vào lòng những mảng tường thành, những bờ hồ kiên cố - dấu tích của dinh Trấn Biên xưa.
2. Theo các tư liệu lịch sử, dinh Trấn Biên được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập năm 1629 và giao cho con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm quan Trấn thủ. Dinh Trấn Biên (sau đổi thành dinh Phú Yên) gần cảng thị Tiên Châu, một cảng thị sầm uất, nơi đón các thương lái trên những chiếc ghe bầu xuất phát từ các dinh phía Bắc vào Trấn Biên buôn bán. Vợ quan trấn thủ là công chúa Ngọc Liên, trưởng nữ của chúa Sãi. Bà theo đạo Thiên Chúa và lập một nhà nguyện trong dinh Trấn Biên.
Năm 1641, từ cảng thị Hội An, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đi thuyền đến Tiên Châu và lên vùng đất trấn biên để truyền đạo. Giáo sĩ được vợ chồng quan trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh đón tiếp, cho giảng đạo tại nhà nguyện. Trong bản đồ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẽ vùng đất xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1651 có ghi địa danh Dinh Phoan - tức dinh Phú Yên - tọa lạc cạnh một dòng sông, gần cửa biển. Nơi đó sau này dân địa phương gọi là Thành Cũ, thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An ngày nay.
Từ dòng xanh miên man trôi, những câu chuyện từ quá khứ vọng về. Tường thành, dinh Trấn Biên không còn, làng nghề xưa đã không còn, nhưng còn dòng sông thì hồn quê còn đó. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Sau khi các thừa sai truyền giáo đặt chân lên vùng đất trấn biên, năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng bên dòng sông Cái, nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An. Ngôi thánh đường được linh mục Joseph de La Cassagne xây dựng theo kiến trúc Gothic song vẫn có sự giao thoa với văn hóa phương Đông.
Không chỉ là một thánh đường cổ, một “nhân chứng” lịch sử, nhà thờ Mằng Lăng còn chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo. Trong khuôn viên thánh đường có đền Thánh Anrê Phú Yên mang hình dáng của một ngọn đồi nhỏ, bên trong như một bảo tàng mini. Đây là nơi lưu giữ Phép giảng tám ngày - cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam, do giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn, được in vào năm 1651 tại Roma (Italia) và cuốn Từ điển Việt-Bồ-La - từ điển có tiếng Việt đầu tiên trên thế giới, cũng do giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn, được in vào khoảng đầu năm 1652.
3. Phù sa sông Cái tắm mát đôi bờ. Người dân Ngân Sơn xưa kia trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, hình thành nên Phường Lụa nức tiếng một thời. Dân gian có câu:
“Đất Cù Du là nơi chiếu tốt
Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn”
Tại Phường Lụa từng có một gia đình dệt lụa, lãnh, gấm nức tiếng - gia đình nghệ nhân Võ Trưng. Được một nghệ nhân họ Hồ ở nơi này truyền nghề, cụ Võ Trưng đã dệt nên gấm ngũ sắc tuyệt đẹp cung tiến vua Triều Nguyễn. Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương mặc gấm Phường Lụa do nghệ nhân Võ Trưng dệt, cảm thấy hài lòng, bèn ra lệnh đóng cho nghệ nhân một khung dệt và ban tặng tấm biển “Hoàng hậu ân tứ” treo trước khung dệt, đồng thời phong tước Cửu phẩm và trao một tấm huy chương vàng.
Tiếc là qua bao thăng trầm, loạn lạc, con cháu cụ Võ Trưng không giữ được các kỷ vật quý giá của gia đình. Nghề dệt lụa cũng chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi ở Ngân Sơn.
Trước khi hòa vào đầm Ô Loan, một nhánh sông Cái êm trôi qua làng Quảng Đức (nay là thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An) - nơi những nghệ nhân xưa làm nên một dòng gốm độc đáo - gốm Quảng Đức.
Theo nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng, Chủ nhiệm CLB UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở xã An Định (huyện Tuy An), nung bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) xuống theo đường sông Cái. Tiêu biểu trong dòng gốm Quảng Đức là gốm tráng men. Có một điều đặc biệt: Trên các sản phẩm gốm tráng men hầu hết đều in dấu vỏ sò.
Trong cuốn sách Gốm Nam Trung Bộ (in chung với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc), nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng viết: “Các nghệ nhân chế tác gốm cổ Quảng Đức kể rằng ban đầu, họ đưa sò huyết Ô Loan vào trong lò nung gốm để được một công đôi việc, ra lò vừa có gốm vừa có vôi. Nhưng sò huyết Ô Loan thời bấy giờ quá nhiều, không ai chờ ăn con sò rồi mới lấy vỏ nung vôi, mà người ta cho nguyên con sò sống vào nung. Chính sự “ngẫu hứng” này của nghệ nhân đã làm cho gốm cổ Quảng Đức có những dấu hiệu nhận diện và màu men vô cùng độc đáo, không lẫn vào đâu được. Hỏa biến và hoàn nguyên trong nung gốm cũng góp phần cho cuộc chơi “ngẫu hứng” của các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức chế tác được những sản phẩm có một không hai”.
Do chiến tranh, từ sau năm 1945, làng Quảng Đức không còn chế tác gốm tráng men; những người thợ nơi đây chỉ còn làm gốm đất nung cho đến khi các sản phẩm nhựa, kim loại lên ngôi, đồ gốm không còn chỗ đứng. Và làng gốm Quảng Đức chỉ còn trong chuyện kể của những người cao niên.
*
Xa quê đã lâu, thi thoảng tôi trở về, đứng bên bờ sông Cái. Ngắm một dòng xanh nghiêng soi biêng biếc bóng mây trời, lòng chợt dâng lên niềm xúc động.
Sông Cái quê tôi đó, hiền hòa, ăm ắp. Tiếng trống hội vẫn rộn ràng trong ngày đầu năm mới. Và từ dòng xanh miên man trôi, những câu chuyện từ quá khứ vọng về. Tường thành, dinh Trấn Biên không còn, làng nghề xưa đã không còn, nhưng còn dòng sông thì hồn quê còn đó. Và hơn hết, dòng sông như một di sản văn hóa của vùng đất này. Còn dòng sông thì còn ký ức xưa...
PHƯƠNG TRÀ