Nói đến nước Áo, qua phim ảnh, tôi thường có ấn tượng về một đất nước có những hồ nước trong vắt tuyệt đẹp dưới chân núi tuyết, có những cung điện nguy nga tràn ngập trong tiếng nhạc valse “Dòng sông Danube xanh”, có những thiên tài âm nhạc cống hiến nhiều tác phẩm lớn cho nhân loại như Mozart, Haydn, Strauss… và rất mong ước được một lần đến đó.
Nước Áo, hay gọi đầy đủ là Cộng hòa Áo, là một nước ở vùng Trung Âu, dưới chân dãy Alpes hùng vĩ nên địa hình khá cao, chỉ có 1/3 diện tích có cao độ dưới 500m. Sông chính ở Áo chính là dòng sông Danube (Donau) chảy vào biển Đen, các sông khác như Rhein, Elbe có lưu vực rất nhỏ. Diện tích Áo không lớn chỉ 83.879km2, dân số cũng chỉ hơn 9 triệu người, trong đó hơn 80% là người Áo gốc Đức, ngôn ngữ chính là tiếng Đức.
Áo thành lập nước từ năm 976 với tư cách là một nước phiên hầu, đến thế kỷ XII hình thành Công quốc, thế kỷ XV là Đại Công quốc Áo, thế kỷ XIX là Đế quốc Áo rồi Đế quốc Áo - Hung, có thời gian sáp nhập vào Đức, và cuối cùng lập nền Đệ nhị Cộng hòa năm 1945.
Tác giả bên bảo tàng lịch sử Hallstatt, Áo. Ảnh: CTV |
Nước Áo có GDP đầu người cao, hơn 50.000USD, xếp thứ 15 thế giới về chỉ số này. Các đô thị lớn của Áo như Viên, Salzburg, Linz đều là những thành phố có các chỉ số về cuộc sống rất cao, đã từng hoặc đang có danh hiệu là thủ đô văn hóa của châu Âu.
Linz - thủ phủ vùng Thượng Áo, từng là thủ đô văn hóa của châu Âu
Chúng tôi rời Praha đi TP Linz vào lúc xế chiều, đường đi tốt nhưng nhiều đoạn hẹp chỉ 2 làn xe, không lề đường. Hai bên là vùng nông thôn xanh ngắt, với nhiều thôn xóm ở Séc có nhà xây mái ngói với khuôn viên không lớn. Điều có thể thấy rõ là qua đất Áo, nhà cửa ở nông thôn lớn hơn, hầu hết có vườn, trông khá giả hơn ở Séc.
Những cánh đồng cỏ khá lớn xen lẫn với rừng, có chỗ đang ủi đất và cày bừa gieo hạt cỏ, có chỗ cỏ đang lên độ vài tháng xanh mơn mởn, có chỗ đang có máy cắt cỏ hoạt động, cỏ được cuộn thành các cuộn tròn bọc nhựa chuẩn bị đưa đến các khu vực chăn nuôi. Rừng có nhiều cây phong, cây dẻ, bạch dương cao, thỉnh thoảng có nhiều ruộng cải dầu hoa vàng rực quanh các thôn xóm. Từ Praha đến Linz gần 245km, xe phải đi mất gần 3,5 giờ, kể cả thời gian dừng 15 phút ở trạm nghỉ dọc đường, đến Linz đã vào buổi chiều.
TP Linz là thành phố lớn thứ 3 nước Áo, đứng trên bờ sông Danube, là một trung tâm kinh tế của Áo: sản xuất thép, hóa chất, nơi tổ chức nhiều sự kiện và hội nghị quốc tế, có 13 trung tâm thương mại, 1 cảng sông lớn và có sân bay. Diện tích gần 96km2, dân số gần 205.000 người, thủ phủ vùng Thượng Áo.
Điểm đáng nói là Linz có nền âm nhạc và nghệ thuật rất phong phú, nhiều lễ hội âm nhạc trong mùa hè, có sự kiện âm nhạc đẳng cấp châu lục, có nhiều ban nhạc biểu diễn phục vụ miễn phí vào cuối tuần. Linz còn có 43 phòng trưng bày, phòng triển lãm, 13 trung tâm văn hóa, nhiều bảo tàng, phòng hòa nhạc, thư viện. Năm 2009, Linz được bình chọn là thủ đô văn hóa của châu Âu, hiện nay cũng là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Quảng trường chính ở thị trấn du lịch Hallstatt, Áo. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Chúng tôi đến thăm quảng trường chính của thành phố có diện tích hơn 13.000m2 được xây dựng từ năm 1230, giữa quảng trường có cột tượng Chúa ba ngôi nghe nói là để tưởng nhớ những người chết vì bệnh dịch hạch trong đại dịch “Cái chết đen”. Ở đây có tòa thị chính cổ, nhà Feichtinger, Đại học Nghệ thuật Linz, có ga tàu điện 2 chiều, vườn hoa nhỏ và đoàn tàu tí hon cho thiếu nhi.
Phía tây quảng trường là khu phố cổ với những ngôi nhà có kiến trúc kiểu baroque. Chúng tôi tham quan đường Landstrasse khá sầm uất, rồi đến khu đi bộ ở trung tâm thành phố, thăm Nhà thờ mới… đến tối đi ăn ở một nhà hàng người Hoa, rồi về nghỉ ở khách sạn Donauwelle cạnh bờ sông Danube.
Sáng hôm sau mới hơn 6 giờ cả nhóm rủ nhau đi bộ dọc bờ sông Danube ở sau lưng khách sạn. Dòng sông xanh êm, trên sông mấy chiếc du thuyền dài cỡ 60-70m lặng lẽ rẽ nước. Hai bên bờ có trồng nhiều cây phong, nhiều loài hoa dại rất đẹp. Tôi thấy những người già chậm rãi đi bộ buổi sáng và nhiều thanh niên đang chạy bộ trên đường bờ sông.
Trường ĐH Nghệ thuật Linz, Áo. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Chúng tôi đi qua dưới bụng cầu Vöest là một cầu lớn ghép từ 3 cầu (cầu giữa rộng xe chạy 2 chiều, 2 cầu bên xe chạy 1 chiều) bắc qua sông Danube. Bờ sông bên kia có nhiều tòa nhà đẹp, xa sau lưng là dãy núi xanh.
Hallstatt, thị trấn du lịch đẹp siêu thực - di sản văn hóa UNESCO
Rời Linz, chúng tôi lên xe đi tham quan thị trấn du lịch Hallstatt cách đó 127km. Đường đi tốt, qua rất nhiều hầm, khung cảnh nước Áo dọc đường đẹp, nhà ở nông thôn rải rác như những biệt thự có vườn.
Thị trấn du lịch Hallstatt đẹp như cổ tích, dưới chân dãy Alpes. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Càng đi về phía dãy Alpes, thấy nhiều hồ lớn nước trong vắt do nguồn nước từ tuyết tan, ở xa xa trên các dãy núi cao vẫn còn tuyết đọng dẫu đã qua mùa hè. Trên sườn núi thấp ven các hồ có nhiều biệt thự xinh xắn, dọc đường thấy những bãi đậu mobilehome, những khu cắm trại cho du khách. Đường nhựa tốt 2 chiều lượn quanh co giữa núi và hồ nước, cảnh sắc thật lãng mạn.
Hallstatt, (hall: muối, statt: trấn, làng) ngữ nguyên là thị trấn (làng) muối, có dấu vết con người từ 7.000 năm trước, sau nhờ khai thác mỏ muối và có cảnh đẹp siêu thực nên được giới lãnh chúa chú ý đến từ thế kỷ XVIII.
Có thể nói ông Johann Georg Ramsauer (1795-1879) nhà khai thác mỏ muối, người phát hiện ra khu chôn cất con người từ thời kỳ đồ sắt vào năm 1846 đã làm Hallstatt nổi tiếng và sau này được công nhận là một di sản văn hóa thế giới từ năm 1997.
Hallstatt thật ra là một thị trấn rất nhỏ, diện tích không kể vùng đệm 200km2 là chỉ có 84km2 với dân số khoảng 800 người, nằm trên sườn dốc ngọn núi Hoher Dachstein bên bờ hồ Hallstatter, nhưng nhờ cảnh sắc đẹp siêu thực nên hàng ngày thu hút một lượng du khách đông gấp nhiều lần dân bản địa.
Qua một hầm xuyên núi, xe chúng tôi dừng ở bãi đậu xe đầu thị trấn, mọi người xuống xe trầm trồ thán phục với cảnh đẹp, sau đó đi dọc con đường chính duy nhất của thị trấn để tham quan. Chỉ có một buổi sáng mà tôi đã gặp hàng nghìn du khách chen chúc nhau check-in, trong đó có 3-4 đoàn Việt Nam.
Nhìn phía núi, trên núi cao còn có những mảng tuyết chưa tan, núi thấp nhiều cây cối xanh tươi, xa xa có vài con suối từ tuyết tan, tôi còn nhìn thấy có cả một tuyến cáp trượt lên núi đến một đài quan sát. Trên hồ nước trong xanh, phản chiếu núi non, đẹp đến kỳ diệu, nhiều du thuyền và thuyền gỗ bơi trên hồ phục vụ du khách. Dọc con đường duy nhất của thị trấn hai bên là những căn nhà xây hoặc nhà gỗ mái ngói xinh xắn, màu sắc rất tươi.
Chúng tôi đến một quảng trường nhỏ, gần Nhà thờ giáo xứ Kalvary có tháp chuông nhọn, quanh quảng trường có những quán bia bày bàn ra bên ngoài, giữa quảng trường là cột tượng Chúa ba ngôi nơi nhiều du khách tranh nhau chụp hình kỷ niệm. Nhóm chúng tôi vào thăm một cửa hàng thủ công làm đồ lưu niệm bằng gỗ, những con thú nhỏ rất dễ thương như: thỏ, chuột, sóc…
Tượng đài nữ hoàng Maria Theresia tại Cung điện Hofburg ở Viên, thủ đô Áo. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Chọn xong mấy món đồ mà đi tìm mãi mới thấy chủ cửa hàng để trả tiền. Trên trục đường có nhiều vị trí chụp hình rất đẹp, từ những ngôi nhà đầy hoa bên suối nhỏ tựa lưng vào núi, đến những ngôi nhà gỗ trên bờ hồ dốc đứng gắn với nhà thờ giáo xứ, cảnh bến du thuyền mà sau lưng là hồ Hallstatter long lanh ánh nắng giữa những ngọn núi cao… quả là cảnh đẹp như truyện cổ tích.
Chúng tôi có đến thăm một vị trí vòi nước suối trong vắt để du khách lấy nước, vào thăm ngôi nhà thờ nhỏ đang có mấy người cầu nguyện. Du khách quá đông, đi lại cười nói ríu rít, mấy chiếc ô tô của cư dân ở đây di chuyển rất khó khăn phải lo tránh né những người đang chụp hình hoặc đang mua đồ lưu niệm.
Ăn trưa tại một quán người Hoa, khách đông nên chờ lâu, được thưởng thức món ăn truyền thống ở đây là thịt bò phi lê và cá hồi khá ngon. Sau đó, rủ nhau đi tham quan Bảo tàng Hallstatt - bảo tàng cấp làng lần đầu tôi gặp, mua vé mất 12 Euro cho một người.
Ở sân bên ngoài có một đài lấy nước suối, nước trong và lạnh, bên cạnh là một thang gỗ đóng mộng cũ kỹ, có ghi chú là thang gỗ 200 năm cổ xưa nhất ở đây. Trong vườn hoa bên hông bảo tàng có tượng của ông Ramsauer, người có công với thị trấn này. Trong bảo tàng có 3 tầng gồm 1 tầng hầm và 2 tầng nổi, cách trình bày trong bảo tàng khá hiện đại, bao gồm các phương tiện nghe nhìn để phục vụ sự tìm hiểu của du khách kết hợp với hiện vật, sa bàn, tranh vẽ.
Cả bảo tàng chỉ có một nhân viên nữ trông coi và bán vé, không có hướng dẫn viên. Có khoảng 40 ô trưng bày từ mẩu đá, mẩu xương, đến quá trình lập làng, việc khai thác mỏ muối, các công cụ lao động và sinh hoạt, cuộc sống của các lãnh chúa, thợ mỏ, nông dân làm nghề cá…
Đặc biệt là mô tả 2 tai họa lớn trong lịch sử của Hallstatt là trận bão lớn tàn phá nặng nề và trận hỏa hoạn thảm khốc gây tổn thất tài sản và con người ở đây. Để đi xem hết các ô trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi phải đi khoảng 30 phút, nếu dùng các phương tiện nghe nhìn chắc cũng phải mất vài giờ.
Tác giả bên quán cà phê Aida, hơn 110 năm tuổi ở trung tâm Phố đi bộ thủ đô Viên. Ảnh: CTV |
Viên - thủ đô của âm nhạc, của những cung điện xa hoa vang bóng một thời
Rời Hallstatt, xe chúng tôi đi về thủ đô Viên của Áo. Dọc đường, phần lớn là xa lộ 4-6 làn xe, cảnh nông thôn với những đồng cỏ có nhiều máy cắt cuộn cỏ, những cánh đồng hoa vàng vuông vức xen lẫn với những mảng rừng xanh tốt. Tôi thấy có nhiều trụ điện gió, cụm điện mặt trời trên cánh đồng. Đến ngoại ô Viên thì đường có vẻ hẹp hơn trước khi vào thành phố. Từ Hallstatt xe mất hơn 4 giờ mới đến Viên.
Viên (đọc theo âm tiếng Đức Wien, tiếng Anh là Vienna) có cư dân xuất hiện từ 500 năm trước Công nguyên, từ 1137 là thủ đô Áo triều đại Babenberg, từ 1440 là trung tâm triều đại Habsburg phát triển thành một trung tâm văn hóa lớn cho đến đầu thế kỷ XX. Sau đó, là thủ đô của đế quốc Áo - Hung, đến 1938 bị nhập vào Đức Quốc xã, Adolf Hitler quốc trưởng Đức quốc xã là người Áo.
Viên vừa là thủ đô, vừa là một bang (trong 9 bang) của Áo, diện tích 414,8km2, dân số 1,9 triệu người, nếu kể cả vùng đô thị là 2,8 triệu người. Ngoài sông Danube (Donau) chảy ngang qua thành phố, còn có sông Viên từ cao nguyên chảy vào thành phố đổ vào sông Danube. Do vị trí khá trung tâm của Viên, nên từ 1840 đã có mạng đường sắt dạng ngôi sao tỏa ra nhiều nơi trong khu vực.
Kinh tế của Viên chủ yếu là dịch vụ (du lịch, thương mại, khoa học, hội nghị, hội thảo…), công nghiệp chỉ chiếm 14,5%. Viên là nơi có nhiều công ty lớn thế giới (175 có cơ sở ở Viên), 1.329 cơ sở nghiên cứu, gần 9.000 doanh nghiệp về công nghệ thông tin, hằng năm có 200 hội nghị quốc tế tổ chức ở Viên.
Nhưng Viên nổi tiếng nhất là trên lĩnh vực văn hóa, là một trung tâm âm nhạc hàng đầu châu Âu và thế giới, trung tâm ca kịch của thế giới, với trên 300 nhà hát ca kịch, opera, phòng hòa nhạc, biểu diễn với nhiều nhà hát nổi tiếng thế giới. Viên có nhiều bảo tàng lớn, thư viện và là nơi tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội đẳng cấp quốc tế. Nói đến Viên là người ta nhớ đến các thiên tài âm nhạc: Mozart, Haydn, Schubert, Schumann, J.Strauss (cha và con), cả Beethoven người Đức cũng sống phần lớn thời gian ở Viên và mất ở đây. Chính các nghệ sĩ thiên tài này để lại nhiều tác phẩm âm nhạc làm cho Viên càng nổi tiếng như Beethoven với bản di chúc âm nhạc Heiligenstaite vào cuối đời, hay Johann Strauss II với các bản valse “Sông Danube xanh” và “Câu chuyện khu rừng Viên”…
Xe song mã phục vụ du khách ở trung tâm thủ đô Viên, Áo. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC |
Buổi sáng thức dậy sớm, nhóm chúng tôi đi trên đường phố có khách sạn Simtis mà đoàn đang ở. Đường phố Viên lúc này hơi vắng, mưa lay bay lạnh 12-130C, nhà hai bên phố hơi cổ, cao 4-5 tầng, tàu điện chạy ngang dọc 4-5 phút có 1 chuyến. Gần khách sạn có một ga tàu điện ngầm, vài khách vội vã đi sớm. Ăn sáng xong, đi tham quan Cung điện Hofburg còn gọi là Cung điện Mùa Đông. Nước Áo trải qua 300 năm dưới triều đại Babenberg và gần 500 năm dưới triều đại Habsburg, cao điểm là đế chế Áo - Hung, nên cung điện rất nguy nga qua nhiều thời kỳ xây dựng.
Hiện nay Cung điện Hofburg có một phần là nơi làm việc của Tổng thống Áo, phần rất lớn còn lại được dùng làm các bảo tàng, trong đó có bảo tàng Sisi mà chúng tôi được đến thăm. Sisi là tên gọi thân mật của nữ công tước Elizabeth xứ Bayern, vợ của hoàng đế Franz Joseph I của đế quốc Áo - Hung. Bà là người xinh đẹp, tài năng nhưng bạc mệnh, lấy chồng từ 16 tuổi, sinh được hoàng tử Rudolf nhưng sau con trai lại tự sát, bà rất buồn nên tách khỏi triều đình đi du lịch khắp nơi, bị ám sát ở Thụy Sĩ năm 61 tuổi (1898). Bảo tàng Sisi còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật, các phòng chức năng… trong cung của hoàng hậu giúp chúng ta hình dung lại cuộc sống của vua chúa trong thế kỷ XIX ở đây. Phía trước Dinh Tổng thống là tượng đài Thân vương Eugène xứ Savoie, một tướng lĩnh lừng danh từng cầm quân đánh đuổi quân Thổ ra khỏi địa bàn đế quốc Áo - Hung năm 1697. Chúng tôi có đi tham quan Nhà Quốc hội Áo, đường trước cửa rộng có 2 đường sắt xe điện ngược xuôi, gặp một đám thanh niên ăn mặc tươm tất có lẽ là sinh viên tốt nghiệp đang kéo vào trước cửa tòa nhà để chụp hình tập thể.
Từ Nhà Quốc hội đi bộ sang Tòa Thị chính gần đó có kiến trúc nhiều mái và nhiều tháp, cổ kính giống như một nhà thờ, lúc đó trước cửa đang trang trí như chuẩn bị cho một cuộc thi thể thao. Đi theo lối tắt vào vườn thượng uyển, có nhiều cây phong, cây hoa nến và nhiều loại hoa khoe sắc, có thảm cỏ rộng và đài phun nước. Đặc biệt là những vườn hoa hồng có hàng trăm giống rất đẹp, trên mỗi cây đều có bảng ghi tên giống và tên người tặng. Cung điện Mùa Đông rất lớn, nhiều khu lâu đài cổ, ngoài Dinh Tổng thống thì hiện nay còn sử dụng làm các bảo tàng, nhà hát opera. Bên phải Dinh Tổng thống là Bảo tàng Viên thế giới (Weltmuseum Wien), còn bên kia đường là tượng đài nữ hoàng Maria Theresia - mẹ của hoàng đế Franz Joseph I - người có tài cai trị góp phần làm nước Áo trở nên mạnh mẽ hơn, hai bên tượng đài có 2 nhà bảo tàng lớn: Bảo tàng lịch sử nghệ thuật Viên và Bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Tiếp tục đi thăm khu phố cổ là những tuyến phố đi bộ ở trung tâm Viên, đường lát đá rộng lớn, người đi lại rất đông đúc mặc dù trời có mưa nhẹ và gió lạnh. Ở một số tuyến đường thấy có xe ngựa loại song mã chạy phục vụ du khách. Trong lúc nhiều người khác đi mua hàng, thì nhóm mấy người chúng tôi tìm chỗ thưởng thức cà phê. Có thể nói uống cà phê là một đặc điểm văn hóa Viên, có rất lâu đời. Người Áo tiếp thu việc uống cà phê từ người Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XVII, theo tài liệu ghi nhận là Kilschitzky là người mở quán đầu tiên ở Viên vào cuối thế kỷ XVII và Meinl đã lập cơ sở rang xay cà phê ở đây từ 1891. Chúng tôi đến cửa hàng cà phê Aida khá nổi tiếng trên phố đi bộ, có từ 1913, người đến uống phải sắp hàng dọc cầu thang lên lầu để chờ sắp xếp bàn ngồi uống. Phải mất 15 phút nhóm tôi mới có bàn, sau đó chờ 45 phút mới uống được 4 ly cà phê Moka pha máy khá ngon kèm 1 bánh mất 32 Euro, tôi đùa là ở Việt Nam có thể uống gần 30 ly cà phê tương tự.
Dẫu sao thì cũng trải nghiệm, được thưởng thức cà phê Viên trong một ngày có mưa hơi lạnh. Sau đó đi dọc theo phố cổ, hai bên dày đặc các cửa hàng các loại sản phẩm xa xỉ, cao cấp, có đến check-in ở Nhà thờ Saint Stephen có kiến trúc trung cổ rất đồ sộ gần đó. Đáng tiếc nhất là thời gian ở Viên ngắn, lại không có người quen hướng dẫn nên không được thưởng thức một đêm hòa nhạc hoành tráng trong một nhà hát tiếng tăm tại thủ đô của âm nhạc, thiên đường của du lịch châu Âu và toàn thế giới.
ĐÀO TẤN LỘC