Xóm Núi Đất thuộc thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam là cửa ngõ của huyện Đồng Xuân, cũng là vùng trũng thấp nhất huyện. Mùa mưa lũ nước dâng cao, người dân lùa bò, gánh nồi chảo chạy lên núi Đất tránh lụt.
Đi trên ĐT641, từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An ngược lên huyện Đồng Xuân, qua khỏi xã An Định, đến cổng chào thôn Tân Hòa, nhìn qua hướng bên tay phải là xóm Núi Đất. Đường bê tông lượn quanh xóm đến cửa ngõ từng nhà.
Làng quê êm đềm
Từ cổng chào thôn Tân Hòa, men theo đường bê tông, chúng tôi đi qua 3 ngã ba là đến xóm Núi Đất. Thấy có khách, ông Nguyễn Thanh Hà từ trong nhà bước ra ngoài sân rồi dẫn xuống ngã ba thứ 3, giới thiệu: Trước đây, đường vào xóm này chỉ vừa bánh cộ bò đi. Khi có chủ trương làm đường bê tông nông thôn, người dân đắp đất nâng mặt ruộng, mở rộng lòng đường đủ tiêu chuẩn để đổ bê tông.
Con đường thêm đẹp còn nhờ có hàng bông gấm chạy dọc hai bên, xuyên qua giữa cánh đồng đến xóm Eo Tre rồi rẽ qua xóm Soi. Ai đến đây cũng đều trầm trồ cảnh làng quê êm đềm. Xóm nhà dựa lưng vào vách núi, ngửa mặt ra cánh đồng, buổi sáng sương mờ trùm núi Đất, mang dáng vẻ lạ lẫm và yên bình. Núi Đất còn như “nóc nhà” che chắn gió bão và là nơi chạy lụt cho người dân ở nơi trũng thấp này…
Bà Trần Thị Yến, nhà ở xóm Soi thường bị ngập lụt, kể: Năm nào lụt lớn, người dân lùa bò, dời tài sản lên núi Đất căng bạt ở lại vài ngày, chờ nước rút mới về. Ở vùng này còn có núi Một, núi Miếu; nhưng chỉ có núi Đất, vào mùa mưa, người dân thường chạy lụt lên đó.
“Bất cứ nửa đêm, gà gáy, trời mưa to là chồng tôi ra thăm chừng, thấy nước vô sân là lùa bò, mang xoong nồi chạy lên núi Đất. Nhà nào nuôi heo thì cho heo nằm giường. Họ kê hai con ngựa gỗ, lót tấm ván rồi trải lên trên vạt phên tre dựa vào hai bên vách nhà, làm cái giường nổi cho heo nằm tránh lũ. Người thì tự thoát thân...”, bà Yến cho hay.
Đường bê tông đến cửa ngõ từng nhà. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Cũng theo bà Yến, địa hình ở đây trũng thấp, nước lụt từ trên cao đổ xuống đâm thẳng vô xóm nhà tạo ra lũ dữ. Đợt lụt lịch sử cuối năm 2009, đầu hôm nước tràn vào sân nhà, ngập hàng ba rồi lên cao, đến khuya đụng trang ông Táo mới đứng yên, sau đó rút chậm. Lụt lớn, có nhà còn in dấu gạch ngang dưới máng thượng, có nhà nước đá mái.
Cách đây gần 10 năm, Nhà nước hỗ trợ xây nhà tránh lũ nhưng chỉ một số gia đình ở gần sông, còn phía trong gần ruộng thì nhà ngập trên diện rộng nên người dân vẫn phải chạy lên núi Đất tránh lụt.
Đang đẩy chiếc xe rùa đến đoạn đường bê tông ôm cua qua xóm Núi Đất, ông Đoàn Văn Mùi, người đã gắn bó với vùng đất này từ thuở bé, nói: Đời sống ở đây ngày một phát triển, dưới chân núi Đất có nhà lầu cặp vách với ruộng lúa, trước mặt là đường bê tông, còn hai bên là cánh đồng.
Đường bê tông chạy đến cửa ngõ từng nhà, người dân đầu tư kinh phí đổ nối bê tông vào đến sân. Trước đây khi còn đường đất, đi làm đồng về tạt nước ruộng lên rửa chân rồi vào ngõ, còn nay đẩy xe rùa không lấm bùn.
Ở ngay đầu xóm là chợ xổm Núi Đất. Chợ họp trên cồn đất vào mỗi buổi sáng không quá 8 giờ là tan. Người ta căng tấm bạt làm lều, phía trước là đường bê tông, phía sau đụng bờ ruộng, bày bán các thứ.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, buôn bán tại chợ này cho biết: Mùa mưa họp chợ, người thì bán con cá, mớ rau, xâu sắn nước... Có người chở rơm, lúa chét bằng xe đạp, tựa xe vô hàng rào trụ sở thôn rồi ghé chợ mua sắm. Có người đi chợ về, ngang qua đám ruộng dừng lại thăm lúa, đắp lỗ mội, hang cua, một công mà hai chuyện.
Bờ ruộng bờ tre
Tân Hòa là vùng trũng nhất của huyện Đồng Xuân, còn cánh đồng bàu Vườn, phía trước núi Đất chạy dài xuống xóm Rượu là trũng nhất của thôn Tân Hòa. Vào mùa mưa bão, ở nơi khác nước rút ra sông, còn ở đây nước lụt còn nằm trong ruộng, ngập bàu Vườn.
Cánh đồng... bụi tre. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Nói về tình hình lũ lụt ở đây, ông Nguyễn Dạn chia sẻ: Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 11 âm lịch. Trước đây, người dân ở đây nơm nớp lo chạy lụt 23 tháng 10. Thời gian về sau, do biến đổi khí hậu, thời tiết xô lệch đợt lụt này. Vì vậy, cứ đến mùa mưa là nhà nào cũng trong tư thế sẵn sàng chạy lụt. Vùng này, tối đến tiếng ếch nhái kêu râm ran giống như bờ ruộng nằm trên đầu giường. Ban ngày nghe tiếng cu gáy, nhìn cò bay lượn trên cánh đồng. Tối tối bà con ra sông Kỳ Lộ, bàu Vườn thả lưới, quăng chài mưu sinh, còn ban ngày tập trung việc đồng áng.
Phía dưới cổng chào thôn Tân Hòa là họng nước, có năm lũ dữ băm nát cánh đồng, cuốn trôi bờ ruộng, nạo hết lớp đất mặt. “Nước lũ chảy xiết, sạt lở bờ ruộng, bờ bao. Bước vào đầu vụ cày bừa, bà con nông dân chặt cọc tre, đóng thành hàng rồi rào hai bên, sau đó đổ đất lên dựng lại bờ ruộng. Có cọc tre ra rễ, đâm măng vòi, ra lá rồi lớn lên thành bụi. Ở nhiều nơi tre trồng dọc bờ sông, xóm nhà, còn ở đây tre trồng trên bờ ruộng nên gọi cánh đồng... bụi tre”, ông Dạn nói.
Đi trên ĐT641 nhìn xuống cánh đồng, nhiều bụi tre người dân bỏ công rong, dọn gai sạch sẽ, trông từ xa rất đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc cho hay: Người dân ở đây trồng tre rồi ra sức nuôi tre, sống dựa vào tre. Đọt tre cong gọng vó đung đưa dịu dàng nhưng gốc bụi tre bám đất, có sức mạnh, ngăn dòng nước dữ chảy chậm lại. Qua mỗi đợt mưa bão, những cây tre bị bọng cắm đầu xuống ruộng, bà con chặt về làm giàn bầu, bí. Có hàng tre che chắn, cây ăn trái như chuối già lùn, mãng cầu, xoài... đứng vững trong mưa gió.
“Mùa mưa ở đây thường bị ngập lụt, người dân lên xuống tuyến ĐT641 thường gọi điện thoại, hỏi thăm nước ngập bàu Vườn chưa? Từ nhà tôi nhìn qua bàu Vườn chỗ hai bụi tre đứng cặp kè, giống như thước đo mực nước. Hôm nào thấy nước lụt ngập nửa bụi tre là ĐT641 đoạn qua bàu Vườn ngập, tôi bảo mọi người đừng đi qua đó, nguy hiểm”, bà Cúc nói.
Qua bao đợt lũ dữ, người dân xóm Núi Đất, Tân Hòa vẫn yên bình. Tuy nhiên, vì cầu và đường thấp, thường xuyên ngập lụt, bà con mong muốn các ngành chức năng đầu tư kinh phí xây cầu, làm đường cao thoát nước để người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam |
MẠNH HOÀI NAM