Xóm nhà mọc lưng chừng trên rẫy cao, thuộc khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Cách đây 15 năm, người dân quanh vùng đến đây phá đá, đào đất trồng khóm và các loại cây ăn trái. Lúc đầu họ đi đi về về, sau cất chòi ở lại và hình thành xóm Rẫy.
Người dân xóm Rẫy là những thành viên của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (HTX Đồng Din). Ngoài khóm là loại cây trồng chủ lực, họ mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, như: cam, mít, xoài và cả sung Mỹ.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Câu thơ trong Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông rất đúng với ngữ cảnh và điều kiện ở xóm Rẫy. Ông Dương Tấn Lộc, một trong những người từ bàn tay, khối óc của mình “hóa đá thành cơm”, đưa chúng tôi tham quan vườn cam, xoài, mít, rồi giới thiệu: “Ở xóm Rẫy, đá trải dài nên có người gọi là xóm Rẫy Đá. Để trồng cây ăn trái, chúng tôi phải đào hố thật sâu, lật đá ló đất cho cây bén rễ, phát triển. Một ngày đào không xong thì 2-3 ngày, cứ như vậy hình thành vườn cây”.
Trồng cây ăn trái trên rẫy đá. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Vườn cây của ông Lộc nằm trong khu đất vài chục héc ta. Trước đây chỉ toàn đá với đá, không trồng được cây gì. Ông Lộc cùng nhiều hộ dân quanh vùng quyết tâm đào hầm, lật đá trồng cây ăn trái. Sau vài năm chăm sóc, cây đơm bông kết trái. Dạo quanh vườn cam sành, có cây ngả lưng ra rẫy đá, cành nhánh xòe tán, trái sai lúc lỉu. Còn bưởi thì từ gốc đến cành nhánh là “vũ điệu” trái, nhìn đã mắt.
Vào nhà ông Lộc, bên trong toàn là mít, chất từ hàng ba vô đến phòng khách. “Mít ở đây trồng trong hốc đá, đến khi sung sức, nứt nhánh vươn cao. Trái dắt díu đu từ cành cao xuống thấp, có cây trái ra sát mặt đất”, ông Lộc khoe.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, xóm Rẫy có 8 hộ dân sinh sống, gốc gác ở thị trấn Phú Hòa, xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) và xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa).
Ông Lộc quê ở xã Hòa Định Tây, trước đây làm nông, sống cảnh ruộng đồng. Có đám ruộng trũng, ông đắp bờ cao trồng rau muống, nuôi cá rô đồng. Làm lụng vất vả quanh năm nhưng không có dư nên vợ chồng ông bỏ ruộng lên đây làm rẫy. Dọc hai bên suối Cái, người đến sớm khai phá trồng bạch đàn, sau đó chuyển qua trồng khóm. Cạnh rẫy khóm, bà con cất chòi che nắng mưa để chăm sóc và thu hoạch khóm. Người đến sau như ông Lộc thì còn lại rẫy đá, cất chòi, sau đó làm nhà sinh sống, hình thành xóm trên rẫy.
Đường bê tông lên xóm Rẫy rộng bằng bờ ruộng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Vùng trồng khóm dọc hai bên suối Cái là đất sỏi, còn ở trên cao là đá cục đá hòn, thích hợp trồng cây ăn trái. Ban đầu, một vài người trồng, thấy có hiệu quả nên nhiều người khác làm theo, hình thành những vườn cây ăn trái trên rẫy đá. Hằng ngày, người dân xóm Rẫy lên xuống trên đường bê tông rộng bằng bờ ruộng chăm sóc khóm và vườn cây ăn trái. Theo lời ông Tô Nguyễn Bá Phước, trước đây đường lên xóm Rẫy là lối mòn, mùa mưa xói lở, có chỗ tạo thành rãnh sâu, kẹt bánh xe máy; có chỗ hầm hố nên bà con rủ nhau đổ bê tông. Muốn chạy xe máy lên xóm nhà phải gài số 1, lên số nào xuống số nấy, tiếp tục ghì số 1. “Trẻ con vùng này đi học, có hôm được ba mẹ chở đến trường, có lúc tự đi xe đạp, đi hết đoạn đường bằng, đến phía trước HTX Đồng Din là dắt bộ leo núi, mồ hôi nhễ nhại”, ông Phước nói.
Núi rừng có điện
Xóm Rẫy hình thành từ năm 2008, lúc ấy không có điện và suốt 10 năm họ nấu cơm bằng củi, nhiều đứa trẻ lớn lên bên bếp lửa, học hành dưới ánh đèn dầu. Đến năm 2018, HTX Đồng Din thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp trạm biến áp, kéo điện phục vụ công xưởng chế biến khóm. HTX tài trợ nguồn điện sau trạm biến áp, từ đó người dân mới có điện để dùng, núi rừng có điện thay sao.
Sung Mỹ bắt đầu thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu xóm Rẫy. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Nhà của bà Trần Thị Hận trước đây trống trơn, từ khi có điện, phòng khách có cái ti vi xài ăng ten chảo, gian bếp có thêm nồi cơm điện, ấm điện… Bà Hận nhớ lại: “Không có điện, tối đến phải vặn nhỏ ngọn đèn dầu cho đỡ hao. Đêm đêm ra đứng cửa cái nhìn xung quanh tối tăm mù mịt, ễnh ương kêu ềnh ềnh buồn thiu. Cảnh đời bấp bênh nên người dân nói hờn một chút: Cũng là dân khu phố Định Thọ 1, nhưng xóm Rẫy có 3 cái nghèo là ở rẫy, thắp đèn dầu và nấu cơm củi!”.
Từ khi có điện, không chỉ gia đình bà Hận mà cả xóm Rẫy đều sắm bếp điện, nồi cơm điện… Có hôm mải lo thu hoạch khóm, cam, mít… không kịp nấu ăn, chỉ cần lấy vài cái trứng hấp trong nồi cơm điện cũng qua bữa. Tối đến mọi người quây quần coi ti vi…
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Đồng Din, những người ở xóm Rẫy khu phố Định Thọ 1 có công đầu tham gia xây dựng vùng nguyên liệu khóm HTX Đồng Din. Khi HTX thành lập, các hộ này góp vào vùng nguyên liệu 20ha khóm. Các thành viên được hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ, đạt được những kết quả bước đầu. “Thời gian tới, HTX tiếp tục cải thiện quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản để nâng giá trị sản phẩm, nâng cấp mô hình sang các loại cây ăn trái như cam, bưởi, mít, sung Mỹ. Người dân xóm Rẫy được hưởng lợi từ những thành quả của HTX”, ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết.
MẠNH HOÀI NAM - NGỌC HÂN