Đến với Liverpool - thủ đô văn hóa của châu Âu năm 2008, du khách không thể không tham quan các bảo tàng nổi tiếng ở đây. Trong đó, bảo tàng nô lệ là hoành tráng nhất và có chiều sâu lịch sử, được xây dựng ngay trên bến cảng - nơi đã từng đổ nô lệ xuống thị trường châu Âu hàng trăm năm.
Dưới trời thu yên bình
Từ London, chúng tôi đến Liverpool bên bờ biển phía tây nước Anh bằng tàu điện. Con tàu lao vun vút qua quãng đường dài trên 400km trong vòng hai tiếng đồng hồ. Ngồi trong toa tàu nhìn qua cửa kính ngắm cảnh làng quê nước Anh với những nóc nhà cổ kính, tháp chuông nhà thờ vươn cao, trường học, nhà bưu điện và cửa hàng bách hóa nằm bên một góc thảo nguyên mênh mông, đó đây những đàn bò sữa, những bầy ngựa, bầy cừu đang gặm cỏ. Hình ảnh bình yên của miền thôn dã châu Âu bỗng dưng gợi nhớ về những năm đất nước mình sau chiến tranh. Ngồi trên con tàu Thống Nhất ngắm cảnh đồng quê với lũy tre làng, cánh đồng lúa xanh rì, chú mục đồng trên lưng trâu và đàn cò trắng trên bầu trời xanh, cảm giác hạnh phúc, bình yên sau cuộc chiến ùa đến nao lòng. Bỗng nhận ra sự giống và khác nhau của khái niệm làng quê ở hai phương trời cách biệt.
Hơn 9 giờ đêm, trời Liverpool vẫn sáng như ban ngày, đường phố chưa lên đèn. Những con chim biển đặc trưng ở vương quốc Anh vẫn bay lượn đuổi nhau trên những ngọn cây và trên những tầng cao của các tòa nhà.
Liverpool có hơn 400.000 dân, được mệnh danh là thành phố của giáo dục. Ở đây có 3 trường đại học lớn với trên 50.000 sinh viên từ bậc đại học đến tiến sĩ, mỗi trường đại học có hàng chục cơ sở như các khoa, các giảng đường, cơ sở thực hành, cơ sở nghiên cứu, thư viện, các câu lạc bộ, trung tâm thể thao với đầy đủ các bộ môn kể cả môn leo núi trên vách thẳng đứng… Tất cả tọa lạc trên những đường phố chính của trung tâm thành phố.
Liverpool nói riêng, Vương quốc Anh nói chung vẫn chưa có đường tàu cao tốc chạy trên đệm từ trường, dù Anh là nước công nghiệp đầu tiên, là cái nôi công nghiệp của thế giới, là 1 trong 7 nước công nghiệp hàng đầu. Một anh bạn người Việt đang dạy đại học và làm đề tài sau tiến sĩ tại Liverpool cho biết: Đường tàu hiện nay được dự báo sẽ quá tải trong vòng 20 năm tới nên họ đang lập 2 dự án, một là nâng cấp đường tàu hiện có, hai là làm đường tàu siêu tốc. Tất cả đều phải trưng cầu ý dân, quyết định chọn lựa phương án. Các trường đại học cũng đang nghiên cứu, bàn luận để sau này tham gia bỏ phiếu chọn lựa.
Liverpool được mệnh danh là thành phố văn hóa với rất nhiều bảo tàng, nhiều tượng đài và sự kiện văn hóa hàng năm, trong đó nổi tiếng nhất là ban nhạc Beatles huyền thoại. Với chỉ 4 thành viên, từ Liverpool, họ đã trở thành ban nhạc toàn cầu, được cả thế giới ngưỡng mộ và xem như là tài sản quý giá của cả nhân loại.
Đội bóng đá Liverpool là một trong những đội bóng giàu thành tích của nước Anh. Sân bóng đá Anfield là sân nhà của đội với hơn 45.000 chỗ ngồi.
Với nhiều lý do, Liverpool được công nhận là thủ đô văn hóa của châu Âu năm 2008.
Nhà thờ ở Liverpool bị Phát xít Đức đánh bom trong Thế chiến thứ II, được giữ nguyên hiện trạng để làm chứng tích chiến tranh. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN |
Bảo tàng nô lệ
Đến với thủ đô văn hóa của châu Âu, du khách không thể không tham quan các bảo tàng nổi tiếng ở đây. Trong đó, bảo tàng nô lệ là hoành tráng nhất và có chiều sâu lịch sử, được xây dựng ngay trên bến cảng - nơi đã từng đổ nô lệ xuống thị trường châu Âu hàng trăm năm.
Liverpool trước đây là một làng chài nghèo. Sau khi hình thành nên thành phố cảng, nơi đây cũng chỉ là một thị trấn không phát triển mấy. Nhưng từ khi con tàu đầu tiên - tàu Liverpool Merchant - sang châu Phi mua nô lệ về cập cảng Liverpool vào năm 1700 thì việc buôn nô lệ trở nên sôi động. Người ta thống kê có đến 40% nô lệ của thế giới và có 80% nô lệ của nước Anh được mua bán ở thị trường Liverpool. Từ đó, thành phố phát triển mạnh về mọi mặt. Liverpool thật sự lột xác và trở thành trung tâm tài chính của nước Anh. Cũng từ đó cộng đồng người da đen phát triển rất nhanh chóng ở Liverpool. Đến khoảng giữa thế kỷ IX, do sự đấu tranh của người nô lệ và tình trạng tham nhũng của bộ máy cầm quyền trong việc buôn nô lệ, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, nước Anh chấm dứt chế độ mua bán nô lệ vào năm 1838; việc buôn nô lệ lại chuyển sang châu Mỹ.
Tôi đã có dịp đến thăm bảo tàng nô lệ ở Angola được xây dựng ngay trên bến cảng - nơi tập trung nô lệ châu Phi để bán sang châu Âu và châu Mỹ. Tuy có khác nhau về phương thức hành hạ, nhưng bảo tàng ở đầu đi và bảo tàng ở đầu đến đều mô tả đầy đủ những hành vi man rợ của giới chủ đối với nô lệ hòng dập tắt mọi ý chí chống đối của người nô lệ.
Vào bảo tàng tham quan, những người da đen đã khóc vì thân phận của cha ông họ. Nhưng khi bước ra khỏi bảo tàng thì trên gương mặt họ rạng rỡ niềm tự hào vì đường đi đến với thời đại mới của người da đen đầy gian truân nhưng cũng thật nhiều vinh quang. Vượt qua chế độ nô lệ, vượt qua chế độ phân biệt chủng tộc, trong thời đại mới, người da đen đã bình đẳng mọi mặt trong xã hội. Hình ảnh nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà chính trị có tên tuổi của thế giới là người da đen được trưng bày trang trọng nơi phần cuối của bảo tàng, đặc biệt là những đoạn video clip ngắn nói về những con người nổi tiếng mà cả thế giới ai cũng biết và ngưỡng mộ như: Pelé, Nelson Mandela, Barack Obama, Micheal Jackson… đã làm cho họ ngẩng cao đầu.
Buổi chiều ngồi trên ghế đá công viên ở trung tâm thành phố ngắm những cặp tình nhân tản bộ trong không gian se lạnh và nắng nhẹ của trời thu Liverpool, tôi nhận ra rằng hàng trăm thế hệ người dân ở Liverpool đã trăn trở trên con đường đi tới hôm nay. Mà có lẽ trên trái đất này, dân tộc nào cũng thế, cũng phải bước qua những gian truân để đi đến tương lai, như một sự thách thức của tạo hóa cho nền văn minh của nhân loại mãi sau này.
HOÀNG NGUYÊN