Bóng đá TP Hồ Chí Minh đang là tâm điểm của giới chuyên môn và người hâm mộ sau khi Xuân Thành Hà Tĩnh chính thức “nhập tịch” làng bóng Sài thành.
NHIỀU THÀNH VIÊN, NHIỀU THAM VỌNG
Sau khi Xuân Thành Hà Tĩnh “nhập tịch” làng bóng Sài thành và đổi tên thành Xuân Thành Sài Gòn, bóng đá TP Hồ Chí Minh chính thức có 3 đại diện đang thi đấu ở các giải bóng đá hàng đầu Việt Nam (Navibank Sài Gòn thi đấu tại V – League, CLB TP Hồ Chí Minh và Xuân Thành Sài Gòn thi đấu ở hạng nhất). Đây là con số ấn tượng cho trung tâm bóng đá một thời của cả nước. Tuy nhiên, điều làm người hâm mộ quan tâm hơn cả là tham vọng của những doanh nghiệp đứng sau các đội bóng. Chỉ cách đây vài tuần, giới bóng đá cả nước choáng ngợp trước kế hoạch tuyển quân rầm rộ của Navibank Sài Gòn, khi tung ra “núi” tiền để chiêu mộ những cầu thủ hàng đầu bóng đá Việt Nam như: Trường Giang, Văn Hải, Hoàng Vương (B.Bình Dương), Tài Em (Đồng Tâm Long An), Văn Phong, Quang Hải (K.Khánh Hòa), Được Em (CS Đồng Tháp) và cầu thủ người Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn. Không chịu kém cạnh, để phục vụ cho tham vọng lên hạng, Xuân Thành Sài Gòn đã “vượt mặt” hàng loạt đại gia V-League, sau khi chấp nhận bỏ ra không dưới 30 tỉ đồng để giành được sự phục vụ của Minh Đức (XM Hải Phòng), Đình Luật (Navibank Sài Gòn), Phước Tứ (LS Thanh Hóa), Huỳnh Kesley (B. Bình Dương) và thuyết phục cựu HLV SL Nghệ An Nguyễn Văn Thịnh về dẫn dắt CLB.
Có thể nói chưa có mùa bóng nào, thị trường chuyển nhượng bóng đá Sài thành lại sôi nổi đến vậy. Vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành công, nhưng với những cái tên trong đội hình cả Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn đều cho thấy tham vọng và cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Đó là một tín hiệu cho thấy Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh (HFF) đang nỗ lực vẽ lại bản đồ bóng đá Việt
“NỐT TRẦM” VỀ TRUYỀN THỐNG
Việc các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào các đội bóng TP Hồ Chí Minh là một tín hiệu khả quan cho nền bóng đá của trung tâm đô thị sầm uất bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, cách làm “xây nhà từ nóc” và dùng tiền để mua thành công cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo kế hoạch của HFF, sân Thống Nhất là sân nhà của cả ba CLB gồm: Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn và CLB TP Hồ Chí Minh. Nhưng có một thực tế là lượng khán giả đến sân cổ vũ cho các đội bóng này không nhiều. Trong mùa bóng vừa qua, mỗi khi có hai đại diện của bóng đá TP Hồ Chí Minh, Navibank Sài Gòn và CLB TP Hồ Chí Minh tranh tài tại V-League và giải hạng nhất, thì sân Thống Nhất luôn trống chỗ. Nó khác hẳn với hình ảnh của các cổ động viên nhiệt tình đội mưa cổ vũ cho các đội bóng Cảng Sài Gòn, Công An TP Hồ Chí Minh hay Hải Quan cách đây vài thập niên. Lý do khiến các cổ động viên bóng đá TP Hồ Chí Minh không mặn mà tới sân, không gì khác là họ không biết đang cổ vũ cho ai. Ngoại trừ cái tên, thì chẳng có cầu thủ nào của hai CLB Navibank Sài Gòn và CLB TP Hồ Chí Minh trưởng thành từ môi trường bóng đá trẻ của địa phương. Mọi việc có lẽ không có gì thay đổi, khi mùa bóng tới Xuân Thành Sài Gòn tranh tài tại giải hạng nhất, bởi phần lớn cầu thủ của đội bóng này là người Hà Tĩnh.
Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến tiền, điều đó không sai. Trên thế giới cũng có vài CLB xuất phát điểm từ… “ngân khố” của các ông chủ tỉ phú như
NGÔ NHẬT