Với kỳ tích dự đoán chính xác 7/7 trận cầu nảy lửa, chủ yếu là ở những trận có đội tuyển Đức thi đấu và các trận bán kết, chung kết, bạch tuộc Paul đã trở thành huyền thoại và là niềm tự hào của nước Đức.
Chú bạch tuộc Paul
Là người vốn không ham mê môn túc cầu đến say đắm, nhưng tôi cũng hay xem tin tức, những bài viết bình luận về bóng đá, nhất là bóng đá Đức. Theo giới phân tích, bình luận về bóng đá thì người Đức có ý chí, bản lĩnh thi đấu rất tuyệt vời và trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn xông tới như “cỗ xe tăng”, khiến đối phương phải khuất phục.
Đội tuyển bóng đá Đức đã 3 lần đăng quang ngôi vô địch và 4 lần xếp hạng ba thế giới. Nước Đức còn có cả một hệ thống chuyên gia, chuyên nghiên cứu về bóng đá, được Liên đoàn Bóng đá Đức và các nhà khoa học dày công đầu tư nghiên cứu. Bởi vậy, mỗi kỳ Euro hay World Cup, người Đức lại tiến hành nghiên cứu các đối thủ bằng cách thu thập toàn bộ số liệu về thành tích của đội bóng đó. Nhất là những thành viên của đội tuyển mà sẽ là đối thủ trực tiếp của Đức trong các trận đấu sắp diễn ra. Họ nhập hết số liệu vào máy vi tính tốc độ cao, rồi trên các dữ liệu đó họ phân tích, lập trình xử lý thông tin cho các đội tuyển thi đấu với nhau trên máy vi tính. Kịch bản do các chuyên gia dàn dựng và kết quả này có cơ sở khoa học rất cao, thường khá chính xác.
Nhưng để trực tiếp công bố kết quả này với người hâm mộ thì là một vấn đề rất nan giải, bởi nếu lấy danh nghĩa học viện này hay một tổ chức nào đó thì không hay lắm, vì bóng đá còn liên quan đến cá cược và danh dự màu cờ sắc áo. Thế là người Đức đã thi vị hóa cách công bố dự đoán kết quả các trận đấu bằng con bạch tuộc Paul.
Giả thiết được đặt ra ở đây là con bạch tuộc được huấn luyện rất kỹ và quen với một mùi vị nào đó của thức ăn, khi đưa vào trong 2 hộp thì nó chỉ chọn hộp thức ăn nào có mùi quen thuộc mà thôi, và tất nhiên đó phải là đội thắng cuộc do máy tính đã đưa ra.
Có một thắc mắc là tại sao Euro năm 2008, bạch tuộc Paul chỉ dự đoán đúng 80%? Thực ra theo dự đoán của máy tính thì năm đó Đức thua, nhưng các nhà khoa học và người Đức không muốn làm mất khí thế của đội tuyển Đức trước Tây Ban Nha nên họ đã làm ngược lại và kết quả thì cái gì thuộc về khoa học vẫn chiến thắng, cho nên người Đức phải chấp nhận một thực tế như vậy.
Đến năm 2010, máy tính vẫn cho kết quả Tây Ban Nha thắng Đức trong trận bán kết, các nhà dự báo người Đức dù rất buồn, nhưng cũng phải cho bạch tuộc Paul yêu quý ăn đúng thức ăn mà nó ưa thích vào cái hộp của đội thắng. Bạn có thể kiểm chứng điều này khi thấy trận tứ kết dù không quan trọng bằng bán kết, nhưng bà Thủ tướng Đức đã đích thân dự khán trận đấu, vậy mà đến trận bán kết Đức – Tây Ban Nha lại chẳng thấy bà đâu.
Người ta thường nói “nghề chơi cũng lắm công phu” nuôi được con bạch tuộc đã khó, mà để nó tham gia World Cup với “trăm trận trăm thắng” càng không phải dễ dàng. Xin bái phục người Đức.
ĐƯỜNG VỊNH