Trong cuộc sống ngày nay, người ta tìm mọi thủ đoạn để chiến thắng và bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật trên. Những tưởng chân nguyên giá trị trong câu nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” của đại văn hào Nga Dostoievski sẽ mất đi. Nhưng một lần nữa, nó lại lấp lánh trở về khi đội tuyển “xứ bò tót” đã đăng quang tại World Cup 2010 vào rạng sáng qua…
1. Lâu nay, Tây Ban Nha không thiếu những cầu thủ giỏi. Nhưng khái niệm làm nên phong cách của cả đội bóng gần như không tồn tại. Bởi nhiều cầu thủ quan niệm khoác áo đội tuyển quốc gia là chuyện nhỏ nhưng luôn tự hào khi được chơi cho đội bóng ở địa phương mình. Và cứ thế đội bóng nổi tiếng đá đẹp này cứ đá đâu… thua đó! World Cup 2010, đội Tây Ban Nha trình diễn một thứ bóng đá mê hoặc lòng người nhưng không kém hiệu quả. Nội bộ đoàn kết, những ngôi sao thuộc hàng nhất nhì thế giới như Fabregas, Silva… sẵn sàng ngồi ghế dự bị vì lợi ích chung và bao giờ cũng “cháy” hết mình trong mỗi trận đấu. Trên sân, họ không ăn vạ và đóng kịch để qua mắt trọng tài. Những ngôi sao trong một đội tuyển có giá trị thương mại đứng đầu thế giới luôn mẫu mực trong lời nói lẫn hành động. Tôi bỗng nhớ chuyện đứa cháu gái. Khi còn mê đội Anh, nó hay đua đòi áo này quần nọ. Nhưng từ khi “kết” đội Tây Ban Nha, nó sống chuẩn mực hơn trước. Thì ra vì quá tôn sùng thần tượng nên cháu quyết định bắt chước cách sống của họ và những tính tốt lại trở về. Theo tôi, đó là cái đẹp được dẫn truyền từ con người với tính cách đẹp…
2. Đội Tây Ban Nha là tập hợp những cầu thủ có lối đá tấn công, nhanh, làm mê đắm lòng người. Lối chơi này chính là nét đặc trưng về văn hóa của họ, làm cho ta dễ liên tưởng tới ảo vọng duy mỹ của chàng Don Quixote của Cervantes hay cái đẹp dũng mãnh của những hiệp sĩ đấu bò. Tại World Cup 2010, rất ít đội chơi được như thế. Để chiến thắng, nhiều đội vốn được xem là đại biểu của bóng đá đẹp như Brazil, Hà Lan… cũng áp dụng lối chơi tiêu cực và xem đó là kim chỉ nam mỗi khi ra sân. Thậm chí nhiều cầu thủ của đội tuyển Hà Lan – đại diện nền bóng đá tổng lực hấp dẫn một thời - còn tuyên bố “Thà xấu chơi mà chiến thắng thì vẫn tốt hơn”. Kết quả là dù làm đủ mọi cách, họ vẫn cứ thất bại vì đã đánh mất truyền thống tốt đẹp của mình. Cái xấu bao giờ cũng phổ biến và dễ dàng được “nhân rộng” nhưng cái đẹp là cái riêng, nhất thể, chỉ được hình thành từ cốt cách, ý nghĩ hướng thiện của một tâm hồn đẹp. Đến đây, tôi nhớ lời thầy dặn: “Hãy là chính mình nếu không em sẽ mất hết mọi thứ tốt đẹp ở trên đời”. Thật vậy, sau nhiều năm bôn ba, trải qua nhiều nghề, mỗi khi làm “điều ác” lòng tôi rất khó tìm được sự bình yên. Đó chính là sức mạnh của cái đẹp…
XUÂN HUY