Không từ nào để diễn tả sự vui mừng của người hâm mộ bóng đá Hà Lan sau chiến thắng trước đội tuyển
Người Hà Lan đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên vô địch World Cup.
Bóng đá Hà Lan thời nào cũng vậy, từ Johan Cruyff, Van Basten, Ruud Gullit, Ronald Koeman cho đến thời của Patrick Kluivert, anh em nhà De Boer, Dennis Bergkamp… luôn là một trong những tập thể được đánh giá cao và là một trong những ứng cử viên vô địch hàng đầu tại các giải đấu mà họ tham gia. Nhưng cùng với dòng chảy của thời gian, cái duyên với danh hiệu luôn mãi lẩn tránh đội bóng đến từ “vùng đất thấp”, cho dù có những thời điểm ai cũng nghĩ họ chỉ cách đích vinh quang vài bước chân. Thời hoàng kim của bóng đá tổng lực ở thập niên 70 đưa người xem vào mê hồn trận của nhà chiến lược tài ba Rinus Michels, nhưng cũng từ đó người ta biết đến Hà Lan như một trong những đội bóng về nhì xuất sắc nhất đấu trường World Cup, khi thất bại trong hai trận chung kết với Tây Đức của Franz Beckenbauer năm 1974 và Argentina của Mario Kempes vào năm 1978. Vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, bóng đá Hà Lan lại được kỳ vọng với trục giữa huyền thoại Rijkaard - Ruud Gullit - Van Basten cùng với những tài năng bóng đá khác, nhưng những gì họ làm được cũng chỉ là một chức vô địch Euro năm 1988 và những lần dừng chân đáng tiếc ở vòng tứ kết (1994) hoặc bán kết (1998) trước người Brazil và vòng 1/16 trước Bồ Đào Nha tại World Cup 2006.
Thế hệ mới của bóng đá Hà Lan với Arjen Robben, Wesley Sneijder, Robin Van Persie tất nhiên cũng kỳ vọng được một lần chạm tay vào chiếc cúp vàng danh giá của bóng đá thế giới. Nhưng hành trình mà họ chinh phục tham vọng ấy không phải là lối mòn và người tiên phong cho cuộc cách mạng ấy chính là HLV Bert van Marwijk. “Thắng thì khen, thua thì chê”, cựu HLV CLB Feyenoord tất nhiên là biết rõ canh bạc mà mình đang lựa chọn và cũng nhận thức được sự bạc bẽo của thế giới bóng đá, đặc biệt là khi ông quyết định đưa đội tuyển Hà Lan đi ngược lại với lịch sử và truyền thống của nền bóng đá quê hương ông. Tuy nhiên, đến lúc này, có thể khẳng định HLV Bert van Marwijk đã đúng khi dũng cảm tạm gác lối đá tổng lực ngày nào vào phòng truyền thống.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của trang thể thao Goal.com về việc vì sao Hà Lan thay đổi lối chơi, HLV Bert van Marwijk cho biết: “Bóng đá tổng lực ư? Đó chỉ là câu chuyện của những thập niên trước. Sở dĩ tuyển Hà Lan hai lần liền vào chung kết World Cup thời ấy, là vì các đối thủ của họ không khỏe và được tổ chức tốt như hiện tại”.
Nếu như những trận thắng tối thiểu ở vòng bảng, thậm chí là trận thắng trước Slovakia tại vòng 1/16 làm cho người hâm mộ cảm thấy thất vọng về hình ảnh của Hà Lan, thì trận thắng Brazil ở tứ kết và Uruguay ở bán kết đã giúp giới chuyên môn và người hâm mộ “cơn lốc màu da cam” ngộ ra rằng, trong bóng đá đôi khi chỉ cần một tích tắc và cách biệt một bàn thắng là đủ, đặc biệt là ở đấu trường khắc nghiệt như World Cup.
Thay vì chỉ trích hình ảnh nghèo nàn của thầy trò HLV Bert van Marwijk tại World Cup 2010, có lẽ người hâm mộ bóng đá Hà Lan bây giờ đang vui mừng và chờ đợi cuộc tranh tài trên sân Soccer City vào rạng sáng ngày 12/7 để biết liệu họ có phải là chủ nhân của chiếc cúp vàng danh giá sau 32 năm dài chờ đợi.
NGÔ NHẬT