Những năm gần đây, môn Giáo dục thể chất được xếp vào một trong những bộ môn chính dạy tại các trường học, trừ trường mầm non. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học bộ môn này còn nhiều thiếu thốn, đa phần các trường không có nhà đa năng, học sinh thiếu sân bãi tập vào mùa mưa, ảnh hưởng đến chất lượng môn học cũng như sự phát triển thể chất của các em.
Thiếu nhà đa năng
Đặc thù của giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao học đường (TTHĐ) là điều kiện sân bãi, thiết bị, dụng cụ… phải đáp ứng nhu cầu tập luyện từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng nhiều trường học hiện nay chưa đảm bảo cơ sở vật chất để triển khai, tập luyện TDTT, nhất là vào thời điểm mưa gió.
Tại Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TX Sông Cầu), vào những ngày mưa, học sinh phải nghỉ tiết học môn GDTC vì nhà trường thiếu sân bãi và không có nhà đa năng để thầy trò tập luyện. Theo thầy Lê Quang Việt, Hiệu trưởng nhà trường, toàn trường có 12 lớp THCS và 12 lớp THPT, với gần 1.000 học sinh. Những năm qua, cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế nên phong trào TTHĐ của trường phát triển không mạnh. Những môn thể dục trong nhà trường như: cầu lông, bóng chuyền, điền kinh, đá cầu… đều phải thực hiện ngay trong sân trường. Mỗi khi trời mưa gió, những tiết học này đành phải dừng lại, không thể học được.
Việc cho học sinh tạm nghỉ học môn GDTC vào những ngày mưa là tình trạng chung của nhiều trường học hiện nay, do chưa có nhà đa năng. Theo các giáo viên dạy môn GDTC, đặc thù môn học này rất cần nhà đa năng để tạo môi trường an toàn, phù hợp cho học sinh. Vào những ngày mưa hay nắng gắt, việc dạy và học môn GDTC đều bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu có nhà đa năng, bất kể điều kiện thời tiết nào, các em cũng đều đảm bảo được chất lượng môn học.
“Chúng tôi rất muốn có nhà đa năng để học sinh có thêm địa điểm học tập, tổ chức các hoạt động tập thể, sinh hoạt các CLB âm nhạc, thể thao… giúp các em rèn luyện thể lực, phát triển toàn diện. Hiện nay kinh phí và quỹ đất nhà trường không có để xây dựng nhà đa năng nên các hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khỏe ngoài giờ lên lớp cho học sinh, giáo viên, người lao động trong trường cũng khó thực hiện”, thầy Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) nói.
Theo Thông tư 13, ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non đến THPT, để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường phải có sân TDTT bảo đảm an toàn và có dụng cụ, thiết bị vận động cho học sinh; bố trí các sân tập TDTT riêng cho từng môn và phải có nhà đa năng, đáp ứng các hoạt động TDTT và hoạt động chung của trường.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục thể chất
Thực hiện Quyết định 1076, ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, thời gian qua, ngành Giáo dục Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDTC, hoạt động rèn luyện TDTT cho học sinh của từng cấp học, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ, mặc dù cơ sở vật chất của một số trường học còn hạn chế, nhưng mỗi trường cần phải linh hoạt, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC, bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học. Đồng thời, các trường đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và cách đánh giá, tạo hứng thú, không gây áp lực cho học sinh trong quá trình học môn GDTC. Các trường phải tiếp cận theo hướng cá thể hóa người học, phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở giáo dục. Ngoài ra, các trường tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống các giải đấu TTHĐ hay Hội khỏe Phù Đổng gắn với nội dung môn GDTC theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thực tế hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy cho môn GDTC theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để phát triển GDTC và TTHĐ, ngành Giáo dục cũng như các huyện, thị xã, thành phố cần sớm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ để thầy trò các trường có điều kiện dạy và học, góp phần phát triển GDTC, đạt mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh.
Việc xây dựng sân bãi tập, nhà đa năng, sân chơi thể thao… trong các trường học là việc nên làm. Hằng năm, Sở GD&ĐT đều đề nghị các địa phương chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường để học sinh có điều kiện học tập, luyện tập thể thao tốt hơn, phát triển cả về trí lực lẫn thể lực, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hiện nay còn hạn chế, các địa phương phải đầu tư từng bước.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Khắc Lễ |
HIẾU TRUNG