V-League 2021 chính thức dừng, nhưng những câu chuyện về việc giải quyết hậu quả với một số CLB là bài toán nan giải. Một trong những điều mà các CLB quan tâm lúc này là vấn đề kinh phí. Câu chuyện CLB Quảng Ninh, từng được xem là hình mẫu về phát triển bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam rõ ràng là bài học không hề mới. Vấn đề là cách nhìn nhận của VPF, VFF và các CLB về việc lấy bóng đá nuôi bóng đá.
V-League và Giải hạng Nhất lâu nay vẫn được xem là những giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của các đội bóng lại khá giống nhau: phụ thuộc ngân sách địa phương và ông bầu. Khi hai nguồn tài chính này gặp vấn đề, các CLB gần như điêu đứng. Nói một cách dễ hiểu, ở các CLB chuyên nghiệp Việt Nam chưa bao giờ bóng đá có thể nuôi được bóng đá như nhiều người vẫn nói về môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Câu chuyện của CLB Quảng Ninh là một ví dụ, khi tuyên bố giải tán và khất nợ lương, thưởng, tiền lót tay của các cầu thủ. CLB đưa ra thông báo về việc giải tán, các cầu thủ đâm đơn kiện CLB thì sự mất mát lớn nhất là VPF và VFF. Một nền bóng đá chuyên nghiệp không thể để tình trạng này xảy ra và nó cũng là phép thử chính xác về năng lực điều hành, tài chính của các CLB khi COVID-19 ập đến. Khi hết tiền thì mọi thứ trở nên xấu xí và khó coi với các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Đã đến lúc các CLB phải chủ động tạo nguồn thu từ bán vé, bán áo đấu và các ấn phẩm, quảng cáo, chuyển nhượng cầu thủ… Nói cách khác, lãnh đạo các CLB phải học cách lấy bóng đá nuôi bóng đá. Còn ngược lại, nếu vẫn không tự nâng cấp bản thân mà trông chờ nguồn sống từ địa phương hay ông bầu thì cảnh ăn đong, nay nợ lương cầu thủ, ngày mai dọa bỏ giải, ngày kia đòi giải tán đội sẽ lại tái diễn
TRẦN NGÔ