Thứ Tư, 09/10/2024 07:25 SA
Liên đoàn bóng đá Việt Nam: Thà chịu đau cho một cơ thể khỏe mạnh
Thứ Năm, 28/09/2017 09:55 SA

U15 Việt Nam đăng quang tại Giải vô địch Đông Nam Á năm 2017 tại Thái Lan. Hình ảnh này người hâm mộ đã đợi 26 năm với đội tuyển U22 tại sân chơi SEA Games - Ảnh: Internet

Sau 26 năm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi khu vực, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ bước lên bục cao nhất, dù không ít lần tưởng chừng chạm được cửa thiên đường. Và sau mỗi lần thất bại, tổ chức có trách nhiệm cao nhất là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lại thấy mình đã cố gắng hết sức, xin nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm…

 

Tan mãi giấc mộng vàng

 

Trong tất cả các môn thể thao, bóng đá ở Việt Nam được coi là môn thể thao “vua”. Bởi vậy, đội tuyển bóng đá Việt Nam được người hâm mộ dành sự quan tâm đặc biệt. Thậm chí, có ý kiến cuồng nhiệt đến mức nếu đổi tất cả HCV các môn khác tại một kỳ đại hội để được chiếc HCV bóng đá, người hâm mộ cũng hả hê.

 

Đội tuyển Việt Nam trở lại sân chơi quốc tế vào năm 1991. Thành tích cao nhất của đội cho đến nay là lọt vào tứ kết của ASIAN Cup 2007 và vô địch AFF Cup 2008, chứ chưa một lần vô địch tại SEA Games. Từ năm 2001 ở Kuala Lumpur, tại kỳ SEA Games đầu tiên mà môn bóng đá nam giới hạn độ tuổi U23, tuyển Việt Nam đã bị loại ngay sau vòng bảng. Và 16 năm sau, cũng tại Kuala Lumpur, Việt Nam một lần nữa phải ra về trong tức tưởi, khác một chút lần này là với U22.

 

Người hâm mộ đã gần như không còn kiên nhẫn sau 8 kỳ SEA Games chờ đợi, bởi sự yêu mến cuồng nhiệt của mình chưa được đền đáp. Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games vừa rồi thực sự là một cục giận khó nuốt trôi, bởi chúng ta đang có một lứa cầu thủ tài năng và HLV không tồi.

 

VFF là tổ chức có trách nhiệm cao nhất trong chuỗi thất bại này. Thay vì tìm ra nguyên nhân, nhận trách nhiệm, định hướng cho tương lai thì sau mỗi thất bại, họ lại tìm cách chỉ trích, đổ lỗi, như trận đấu do sai lầm của cá nhân trên sân, hay HLV thiếu nhạy cảm trong bố trí nhân sự, thay đổi cục diện trận đấu, thậm chí do đội bạn chơi tốt và may mắn…, đại loại vậy.

 

Xây giấc mộng vàng

 

Trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, không phải muốn có thành tích là có được và trông chờ vào may mắn, mà đòi hỏi phải có một quá trình, chiến lược đầu tư cho tương lai. Để có được chiến lược ấy phải có một đầu máy khỏe, mà ở đây là VFF.

 

Rất tiếc là bóng đá Việt Nam gần 30 năm nay vẫn chỉ là đội tuyển “ăn may” với những kế hoạch ăn xổi, ngắn ngày. Thắng một trận trước người Mã, Sin, Thái đã tưởng mình ngang bằng hoặc vượt xa họ. Những trận thua hay chật vật trước các đội có nền bóng đá yếu hơn thì cho rằng do các yếu tố khách quan. Suy nghĩ này với người hâm mộ thì còn châm chước vì họ quá yêu đội tuyển, còn với những người có trách nhiệm, với VFF là điều không thể chấp nhận. Ấy vậy mà nó vẫn tồn tại bao lâu nay. Không ít chuyên gia bóng đá, những người tâm huyết đã chỉ thẳng cách chữa bệnh trầm kha của VFF, đó là: dứt bỏ bệnh thành tích, chấp nhận xây dựng chiến lược, cải tổ bộ máy VFF, tìm HLV giỏi cho đội tuyển…

 

Sau thất bại khó nuốt trôi của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng tại SEA Games vừa qua, VFF lại rơi vào khủng hoảng. HLV trưởng từ chức, thường trực VFF xin rút lui, nội bộ lủng củng. Và dường như để “lạc trôi”, “chìm xuồng” dư luận, những người có trách nhiệm của VFF lại giữ quyền im lặng, không bình luận. Chỉ mỗi bầu Đức, người vừa tuyên bố rút khỏi VFF, đã chỉ ra 3 vấn đề lớn mà VFF cần giải quyết là: cải tổ nhân sự VFF, nội bộ cần đoàn kết, vì mục đích chung; thuê HLV giỏi, có thành tích và am tường bóng đá nước nhà; dẹp bỏ Hội đồng HLV quốc gia.

 

Đó chỉ là ý kiến cá nhân của bầu Đức. Thực tế, VFF và bóng đá Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nếu muốn có được HCV thì phải biết xây giấc mộng vàng từ thực lực của chính mình. Trên thực tế, Việt Nam không thiếu những lứa cầu thủ tài năng, sóng sau xô sóng trước. Dễ thấy nhất là U20 Việt Nam giành vé tham dự U20 World Cup 2017 hay U15 Việt Nam đoạt chức vô địch Giải U15 Đông Nam Á năm 2017. Những thành tích này cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam có tiềm năng thực sự và sân chơi SEA Games không hẳn là rào cản bất khả chinh phục. Vấn đề là VFF cần có một chiến lược dài hơi trong việc tạo nguồn nhân lực cho đội tuyển và một nền bóng đá phát triển bền vững ngay từ công tác đào tạo trẻ ở các CLB, địa phương và giải vô địch quốc gia.

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek