Thứ Bảy, 28/09/2024 20:20 CH
Đưa võ cổ truyền vào trường học:
Bảo tồn và phát huy tinh hoa võ Việt
Chủ Nhật, 02/10/2016 10:30 SA

Võ sư Võ Kim Long tập huấn Căn bản công và 36 động tác võ cổ truyền cho giáo viên Thể dục ở các trường trong tỉnh - Ảnh: HÀ MY

Gần 100 giáo viên Thể dục đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh vừa tham gia tập huấn võ cổ truyền căn bản nhằm đưa môn võ này vào giảng dạy trong nhà trường. Việc đưa võ cổ truyền vào trường học được xem là một chủ trương đúng đắn, không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, mà còn giúp các em học thêm được nhiều đạo lý, truyền thống thượng võ của người Việt. Đây cũng là cơ hội lớn để đưa võ cổ truyền lên một bước phát triển toàn diện.

 

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

 

Ngày 11/8/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có công văn chỉ đạo đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học. Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo trong toàn ngành về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và bài võ cổ truyền Việt Nam được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông từ năm học 2015-2016. Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt có các chỉ tiêu: cả nước phấn đấu có 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Qua đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta quyết tâm đưa võ cổ truyền, di sản võ Việt, vào trường học.

 

Theo các chuyên gia về võ thuật và các giáo viên Thể dục, đây là một quyết định đúng đắn. Võ sư Huỳnh Kim Hồng, Chủ tịch Hội Võ cổ truyền Phú Yên, phân tích: “Võ cổ truyền Việt Nam ngày xưa thường được gọi là “võ dân tộc” hoặc “võ ta”. Những tên gọi dân gian ấy đã tự nói lên rằng đây là môn võ của dân tộc Việt Nam, không thể lẫn lộn với bất cứ môn võ của một dân tộc nào khác. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, giao lưu, giao thoa văn hóa là điều tất yếu nhưng mỗi nền văn hóa của một dân tộc có bản sắc riêng. Võ cổ truyền là một phần nội dung, tạo nên một phần diện mạo của văn hóa dân tộc ta nên cần phải được gìn giữ và phát huy”.

 

Là người trực tiếp đứng lớp tập huấn chuyên môn võ cổ truyền cho gần 100 giáo viên Thể dục, vừa qua võ sư Võ Kim Long, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, cho biết: “Võ cổ truyền Việt Nam do người Việt Nam xây dựng và phát triển suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời rèn luyện sức khỏe cho nhân dân trong thời bình. Vì lý do đó mà phương pháp tập luyện võ cổ truyền hoàn toàn phù hợp với thể trạng, sức khỏe và tâm sinh lý của học sinh Việt Nam. Do đó, khi đưa vào trường học sẽ được các em tiếp thu rất nhanh, rèn luyện sự dẻo dai, nâng cao thể lực. Học võ cổ truyền sẽ giúp các em hiểu thêm đạo lý làm người, ý chí kiên cường, truyền thống thượng võ của người Việt, từ đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước”.

 

Hơn nữa, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học Thể dục ở các trường học còn hạn chế, việc triển khai tập luyện võ cổ truyền thuận lợi hơn so với các môn thể thao khác.

 

Thầy trò hào hứng đón nhận

 

Năm học 2016-2017, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh có 216 học sinh. Vì xa nhà, ở nội trú nên sau giờ học, các em rất cần có các sân chơi để nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống. Theo thầy Nguyễn Chí Long, giáo viên Thể dục của trường, vì muốn cải thiện thể lực nên một số học sinh của trường đã đăng ký các lớp võ thuật ở ngoài trường. Tuy nhiên, do lịch học 2 buổi/ngày, phải di chuyển nên việc tập luyện của các em không thường xuyên và ít hiệu quả. Nay có chỉ đạo của Chính phủ và công văn của Bộ GD-ĐT quyết định đưa võ cổ truyền vào tập luyện trong trường học, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi. “Sau khi tham dự chương trình tập huấn bài võ cổ truyền do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức vừa qua, tôi đã bước đầu nắm được các động tác căn bản. Tôi và giáo viên Thể dục của trường sẽ tìm tòi thêm các tài liệu để tập luyện thành thạo, nắm vững kỹ thuật, đưa vào giảng dạy cho các em từ năm học này”, thầy Long thổ lộ.

 

Tại Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa), việc đưa võ cổ truyền thành môn thể thao tự chọn có nhiều thuận lợi. Bởi lẽ từ 7 năm qua, trường có CLB Võ cổ truyền sinh hoạt đều đặn vào các chiều thứ 2, 4, 6/tuần. Thầy Võ Kim Nguyên, Tổ trưởng Tổ Thể dục của trường, kiêm trực tiếp huấn luyện CLB này, cho biết: “Dịp hè, CLB võ cổ truyền của trường có hơn 80 võ sinh tham gia tập luyện, nhưng vào năm học, do lịch học kín nên số lượng giảm còn khoảng 40 em. Nhiều em tâm sự với tôi rằng mặc dù thích học võ, nhưng không thể sắp xếp, cân đối được thời gian. Cho nên, tôi tin rằng khi võ cổ truyền được đưa vào trường học, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các em. Ngoài bóng đá, bóng chuyền là hai môn thể thao tự chọn, nay các em sẽ có thêm võ cổ truyền để lựa chọn”.

 

Từ năm học 2016-2017, võ cổ truyền sẽ được ngành GD-ĐT Phú Yên đưa vào dạy tại các trường học trên địa bàn tỉnh và bài quyền căn bản công sẽ được bổ sung, đưa vào nội dung thi đấu tại Giải Thể thao học đường tỉnh sắp tới. Các giáo viên Thể dục trong trường phổ thông vừa được tập huấn phần Căn bản công và bài 36 động tác. Lãnh đạo nhà trường cần có sự quan tâm, tạo điều kiện và hơn hết, giáo viên cần phải có sự nhiệt huyết, chịu khó tìm hiểu thêm các nguồn tài liệu, nắm rõ yêu cầu môn học, nắm vững kỹ thuật để lên lớp hiệu quả.

 

Ông Dương Văn Danh, chuyên viên phụ trách TDTT

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek