Thứ Năm, 10/10/2024 07:23 SA
Đưa phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào môn Thể dục
Chủ Nhật, 24/01/2016 10:41 SA

Thể dục là môn học nhằm trang bị kiến thức và hình thành kỹ năng vận động cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất. Đổi mới phương pháp giảng dạy Thể dục là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các trường học, trong đó, việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” được xem là một cách làm mang lại hiệu quả.

 

Giờ học thể dục tại Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.HÀ

 

Học thể dục nhằm giúp học sinh hình thành các năng lực: thể chất, lựa chọn, xử lý tình huống trong vận động, hợp tác, giao tiếp và thi đấu. Các phương pháp tổ chức hoạt động dạy học thể dục dựa trên hệ thống phương pháp chung và phương pháp đặc thù của từng nội dung môn học. Vì vậy, khi đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Thể dục, giáo viên phải sử dụng hợp lý các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; bồi dưỡng cho các em phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Ngoài ra, giáo viên cũng cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục thể chất ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường; cân đối giữa hoạt động dạy học và giáo dục, giữa hoạt động tập thể và nhóm nhỏ, cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và tự chọn... để đảm bảo phát triển các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt cho học sinh.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả giáo dục cao, thầy cô giáo cũng cần tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận các nguồn học liệu phong phú, đa dạng. Người thầy cũng nên xây dựng các chủ đề học tập theo sở thích và phát triển năng lực tự học tùy theo khả năng, cách học của mỗi học sinh.

 

Trong các phương pháp để ứng dụng đổi mới hoạt động dạy - học môn Thể dục, phương pháp “Bàn tay nặn bột” được các chuyên gia đánh giá là một trong những cách làm mang lại hiệu quả tích cực. Phương pháp này được Bộ GD-ĐT thử nghiệm trên diện rộng từ năm 2011 và chính thức triển khai đại trà ở cấp tiểu học và THCS từ năm học 2013-2014. Tại Phú Yên, thời gian qua, phương pháp này được nhiều giáo viên ứng dụng mang lại hiệu quả trong các môn học.

 

Đối với môn Thể dục, đầu tiên, giáo viên có thể xây dựng hệ thống câu hỏi với 3 mức độ: vấn đáp tái hiện, vấn đáp giải thích - minh họa và vấn đáp tìm tòi. Từ đó, người dạy có thể triển khai tiết dạy theo hướng phát hiện và giải quyết vấn đề. Ví dụ, giáo viên giao cho mỗi nhóm học sinh tự nghĩ ra 1-2 trò chơi vận động, tự tổ chức chơi và tự đánh giá kết quả. Từ đó sẽ có rất nhiều tình huống đặt ra để các nhóm trưởng phải xử lý, giải quyết. Thứ hai, giáo viên dạy học hợp tác, thảo luận theo nhóm nhỏ. Ví dụ cách phân nhóm học sinh tự tập những động tác mới và ôn lại động tác đã học sao cho trong một thời gian nhất định, mỗi nhóm phải tự giúp nhau hoàn thành động tác.

 

Thứ ba, giáo viên dạy học với lý thuyết tình huống. Ví dụ, giáo viên nêu một số điểm về luật đá cầu, bóng chuyền và đưa ra tình huống trong đấu tập, học sinh trả lời theo kiến thức của mình và cùng nhau thảo luận, lý giải để tìm ra đáp án đúng. Thứ tư, giáo viên dạy học với lý thuyết kiến tạo. Trong trường hợp này, giáo viên đặt câu hỏi về phương pháp phát triển toàn diện thể chất như hãy cho biết nguyên nhân xảy ra chấn thương khi tập luyện TDTT và phương pháp phòng ngừa. Thứ năm, giáo viên dạy học qua internet. Ở đây, giáo viên sẽ tìm kiếm thông tin liên quan đến phương pháp vệ sinh tập luyện, dinh dưỡng, lối sống khỏe mạnh, lịch sử TDTT, lịch sử Olympic... Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng máy quay kỹ thuật số để ghi lại hình ảnh các hoạt động TDTT, từ đó, phân tích cho học sinh hiểu hơn về bài học.

 

Cuối cùng, giáo viên dạy học theo hình thức tổ chức thực hiện dự án. Ví dụ, dự án chuẩn bị sân bãi cho kiểm tra, thi đấu thể thao, học sinh sẽ phải học về luật, kích thước sân bãi, thiết bị dụng cụ... Ngoài ra, người dạy nên huy động tư duy học sinh, đưa ra các vấn đề về thực hiện các kỹ thuật và động tác các môn: đá cầu, cầu lông, bóng rổ… để học sinh phát biểu. Mỗi học sinh đưa ra nhận định riêng của mình, từ đó giáo viên thu thập các ý kiến, cùng các em chọn phương pháp khắc phục.

 

Việc ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào môn Thể dục không khó, quan trọng là các giáo viên có muốn thay đổi để nâng cao chất lượng tiết dạy, thu hút học trò.

 

DƯƠNG VĂN DANH

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek