Phòng ký túc xá đại học năm đó có bốn đứa, một đứa Gia Lai, một đứa Ninh Thuận, một đứa Phú Yên và một đứa Quảng Ngãi… Ba đứa khoa Văn là tôi, Hồng, Hương, còn lại là Mai - khoa Sử. Ngày ngày chúng tôi che chung những chiếc dù từ ký túc xá đại học đến trường trên con đường Phù Đổng Thiên Vương đầy hoa dại.
Tân sinh viên khoa Văn, Sử chúng tôi những ngày đầu nhập học cứ ngẩn ngơ với bạt ngàn sắc hoa Đà Lạt. Nơi nào hoa cũng có thể mọc, cũng có thể đơm hoa, tỏa hương và khoe sắc. Hoa tường vi cánh mỏng đan cài thành tường rào hồng xinh lãng mạn như trong truyện ngôn tình, hoa cúc marguerite trắng muốt khiêm nhường bên những vạt cỏ ven đường và trong sân nhà.
Ngoài giờ học, chúng tôi khoác áo ấm lên thư viện làm mọt sách và lân la kết thân với chị thủ thư xinh đẹp để mong được chị ưu ái cho mượn nhiều sách về gối đầu giường. Ngoài những giờ chính quy ấy, còn lại, cứ hễ tụ lại đông đủ trong phòng là chuyện trò rôm rả cùng với cắm hoa dại hái được ven đường.
Nhớ có lần, Hồng - Phan Rang lần đầu nghe mùi dạ lý hương tỏa hương thơm nồng nàn khi hoàng hôn buông xuống trên đường từ trường về ký túc xá, nó mê mẩn hái một ôm mang về phòng thưởng thức. Đêm đó, tiết thu Đà Lạt lạnh tê tái, cả phòng đóng kín cửa, đâu chừng được 30 phút, Hồng ngạt thở, mắt trợn ngược lên thở gấp, càng cố thở cô nàng càng không thở được. Mai vừa khóc vừa chạy qua dãy phòng B2 gọi mấy anh khóa trước cầu cứu.
Trong chốc lát, anh Dương Thanh học Văn khóa trước hộc tốc chạy qua. Vào phòng, anh hiểu ngay sự tình, vội ôm mớ dạ lý hương vứt qua cửa sổ, mở tung các cánh cửa. Gió đêm tràn vào se sắt lạnh, mùi dạ lý hương theo cửa bay ra, cô bạn của tôi dần dần thở đều trở lại...
Nói về những câu chuyện phiếm, những lần hàn huyên, cả bốn chúng tôi chưa ai có mảnh tình vắt vai nên rất ít khi bàn luận về tình yêu, thường thì nội dung những câu chuyện phiếm chiếm mấy mươi phần trăm là chuyện học hành, chừng ba mươi phần trăm là chuyện linh tinh vặt vãnh, còn lại là luận bàn về chuyện… ăn. Đúng là thiếu cái gì người ta thường hay nói về cái đó.
Sau những bữa cơm chỉ lưng lửng bụng ở nhà ăn của trường, đêm Đà Lạt rét mướt quả là khắc nghiệt với những đứa đang tuổi ăn tuổi lớn như bọn tôi. Mỗi đứa thay nhau kể những món ăn đặc sản của quê mình, thường bắt đầu bằng câu: “Quê tao có món …”. Hồng - Phan Rang, lúc nào cũng vậy, vừa nuốt nước bọt vừa kể về món bánh căn có mực, có trứng với chén nước cá kho chan lên chén bánh dậy mùi thơm phức. Tôi - quê Quảng Ngãi đưa tay ra dáng kiểu như bẻ chiếc bánh tráng nướng giòn rụm cho vào tô don nóng hổi, mùi lá hành ngò ngào ngạt cùng với chén ớt tương cay xộc vào mũi.
Hương - Phú Yên thì vừa co ro trong chiếc mền mỏng vừa kể về món bún chả cá biển tươi rói, tô bún đang bốc khói nghi ngút, bên trên là những miếng chả cá dai, mịn màng cùng với chút mắm ruốc, một ít rau sống, vài miếng cà chua và mấy trái ớt hiểm... Cả bọn vừa nghe vừa nuốt nước bọt ừng ực, còn Mai - khoa Sử thường không kể món gì ở Gia Lai của nó mà giả bộ cố ngủ để quên đi cái cồn cào gan ruột, nhưng tai thì hình như vẫn dỏng lên.
Một lần, đang giữa câu chuyện phiếm cùng sự thưởng thức món ngon trong tưởng tượng, Mai cắt ngang: “Nè Hương, thôi đừng kể nữa, mày viết thư xin bà già bữa nào gửi cho phòng mình hũ mắm ruốc đi, mắm ruốc Phú Yên quê mày nghe ngon nổi tiếng”. Hương gật đầu rồi chìm vào mộng mị cùng với mùi mắm ruốc, mùi thơm cơm gạo mới mẹ nó nấu...
Đâu chừng hai tuần sau Hương nhận được hũ mắm ruốc. Cả bọn giành nhau mở nắp hũ ra hít rồi đậy nắp lại, Hương cẩn thận để dưới chân bàn phía trong sát tường. Cả phòng chiều đó không ăn cơm tại nhà ăn của trường mà lấy cơm về phòng ăn. Ba đứa lúi húi sắp chén lên bàn, trong khi Hương thò tay lấy hũ mắm dưới chân bàn, trố mắt ngạc nhiên: “Ủa sao còn có bấy nhiêu?”, rồi giơ cao cái hũ mắm còn đâu chừng ba muỗng canh. Mai cúi đầu lí nhí: Hôm nay lớp tao không đến giảng đường, ở phòng nghe mùi mắm ngon quá, tao rủ con Tâm phòng bên xúc lén chén gạo má con Thủy ở Nha Trang mới gửi lên, đi bẻ củi thông khô về nấu cơm ăn với mắm ruốc, còn có chừng đó thôi!
Hương lấy muỗng vét sạch hũ mắm ruốc bỏ ra chén rồi ngồi vào bàn: Thôi mình ăn cơm đi, nhiêu đó mắm có khi không đủ cơm để ăn đâu mà, mắm má tao làm mặn lắm! Mai cảm thấy có lỗi, khép nép ngồi vào bàn. Rồi đâu lại vào đó, cả bọn vừa ăn, vừa cười nói. Hình như Mai rưng rưng và cả bọn chúng tôi cũng nghèn nghẹn. Hiểu nhau, thương nhau kiểu không nói được gì...
THỤY BÌNH