Hai giờ chiều, trời nắng chói chang. Tôi vẫn lóc cóc đạp xe trên đường. Thỉnh thoảng có người nhìn tôi ái ngại: “Thằng nhóc này, nắng thế mà đạp xe đi đâu. Không sợ cảm nắng à?”. Tôi nhoẻn miệng cười: “Không ạ, cháu quen rồi. Cháu đi sớm để về cho đỡ tối ạ!”.
Từ hồi còn ở quê với ngoại tôi đã quen với nắng. Sáng đến trường, chiều lại theo ngoại ra đồng, nắng nhuốm da tôi đen thui. Chỉ có điều, nắng ở quê hiền hơn nắng thành phố. Nắng ở phố vàng đến nhức mắt, sức nóng từ đường nhựa bốc lên hầm hập. Đạp xe trên đường mà tôi cứ nghĩ mình đang đi trong biển lửa. Mồ hôi túa ra như tắm, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi.
Nhưng tôi không ghét nắng. Dù sao thì trời nắng vẫn thích hơn trời mưa. Và nắng nóng lại rất có lợi cho công việc của tôi. Với kinh nghiệm hai năm đi lượm ve chai thì hễ cứ nắng là tôi sẽ lượm được nhiều hơn ngày thường. Nắng nóng, người ta giải khát nhiều hơn, và thế là trong những túi rác chờ chuyển đi vào mỗi buổi chiều sẽ có thêm những vỏ lon bia, nước ngọt. Hay đơn giản trong lúc chờ xe buýt người ta cũng có thể cầm theo những chai nước ngọt, uống cho đỡ khát rồi quẳng vỏ ngay vào thùng rác cạnh đó. Vì thế tôi thành ra lại mong nắng dù mái tóc tôi vàng hoe hay da tôi đen ánh vì bắt nắng.
Giờ đang là mùa thu, nắng cũng nhanh tắt, chỉ năm giờ chiều là mặt trời đã lờ đờ như muốn đi ngủ. Tan tầm, lại cận tết Trung thu phố xá sầm uất hơn bình thường. Các cửa hiệu bán bánh trung thu với những gói bánh lớn, nhỏ đủ loại, màu sắc rực rỡ tấp nập khách. Nhiều cửa hàng bán đèn lồng, đồ chơi trẻ em cũng nườm nượp người. Các em nhỏ háo hức vì được bố mẹ dẫn đi mua đồ chơi.
Những ngày này, tôi luôn đứng từ xa nhìn ngắm mọi thứ mà tôi coi là xa xỉ. Một cặp bánh trung thu, một món đồ chơi nhỏ xíu cũng có giá mấy chục ngàn, tôi có đi lượm ve chai cả tuần cũng chưa chắc đủ tiền mua. Nhớ trung thu lần trước mẹ từng bảo: “Cơm ăn còn lo từng bữa thì nghĩ gì đến mấy thứ đó hả con”. Thì ra đối với người nghèo, thước đo tinh thần được cân đo đong đếm bởi những nỗi lo thường nhật. Tiền mua bánh trung thu, mua đồ chơi có thể đong gạo ăn cả tuần. Có cơm để ăn là tốt rồi, nghĩ chi đến những thứ khác.
Năm ngoái, tôi được chơi trung thu. Mẹ bảo tôi lớn rồi, đi thì lén mà đi đừng để hai em biết, các em còn nhỏ, đi nhìn thấy người ta bán đồ nọ đồ kia, mất công các em đòi mua, mua thì tốn tiền mà không mua thì lại tội. Theo lời mẹ, tôi lén đi chơi trung thu, xem người ta rước đèn, múa lân vui ơi là vui. Tôi đi chơi mà vẫn không quên nhiệm vụ. Tay cầm theo một cái bao, tôi tranh thủ lượm ve chai ở chỗ tổ chức đêm hội trăng rằm đến đầy bao rồi mới về.
Ước gì vào một trung thu nào đó anh em chúng tôi được mẹ dẫn đi chơi như bao đứa trẻ khác. Cầm đèn lồng trên tay, ăn một que kem mát lạnh và xem rước đèn, múa lân, chắc chắn các em tôi sẽ vui lắm.
Hồi tôi còn ở quê với ngoại, dạo ấy bố mẹ chưa ly hôn. Tôi còn nhớ rất rõ, mỗi dịp trung thu, bố mẹ sẽ gửi tiền về để ngoại mua quà cho tôi. Ngoại mua cho tôi đèn ông sao, cả mặt nạ Tôn Ngộ Không để tôi đi rước đèn với bọn trẻ trong xóm. Mỗi lần ngắm ánh trăng rằm tôi lại da diết nhớ khuôn mặt phúc hậu của ngoại, nhớ cả mấy đứa bạn trong xóm. Mới hai năm xa mọi người mà tôi cứ thấy thời gian dài đằng đẵng. Mùi chiếc bánh nướng nhân thập cẩm béo ngậy ngày nào giờ chỉ còn là hương vị ngọt ngào phảng phất trong ký ức. Bỗng dưng tôi thấy những thứ tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở nên xa xỉ quá.
Khi tôi vào lớp 1, bố mẹ ly hôn. Không lâu sau, bố lấy vợ khác và lập nghiệp tận miền Nam xa xôi. Mẹ cũng lấy chồng mới và phải rất lâu mới về thăm tôi. Tôi có cảm giác từ ngày có hạnh phúc mới, bố mẹ đang dần quên tôi. Ngoại vẫn luôn ở bên, động viên tôi, ngoại bảo người lớn có nỗi khổ của người lớn, chỉ khi nào lớn lên, có con có cái thì người ta mới thêm hiểu cha mẹ mình.
Ngoại bệnh nặng rồi mất, mẹ đón tôi ở cùng. Đó là lần thứ hai tôi được xuống phố. Lần đầu, tôi xuống phố là khi mẹ chuẩn bị lấy dượng. Hôm đó mẹ và dượng về đón rồi đưa tôi đi chơi cả buổi. Nghe nói, nhà dượng xa lắm, dượng cũng xuống thành phố làm thuê, dượng thương mẹ nên chẳng bận tâm mẹ đã qua một đời chồng. Cả buổi đi chơi tôi được mẹ và dượng cưng chiều. Đó là lần đầu tiên tôi được chơi ở một khu vui chơi rộng lớn, được thỏa sức lựa chọn các món ăn vặt mà không cần phải đắn đo. Tôi vui lắm, và thầm ước ao một ngày nào đó mẹ và dượng sẽ đón tôi xuống ở cùng. Nhưng lần này, tôi xuống phố ở cùng mẹ mà không được ở cùng dượng nữa. Bởi trước khi ngoại mất thì dượng đã mất vì tai nạn giao thông.
Thấm thoắt cũng gần hai năm tôi sống bên mẹ và loanh quanh ở thành phố này. Vì nhiều lý do mà tôi không đi học. Tôi đã từng xin làm rửa bát ở nhà hàng, nhưng họ chê tôi còi cọc, đen nhẻm nên không nhận. Tôi chẳng biết phải làm gì để giúp mẹ chỉ còn cách đi lượm ve chai vào mỗi buổi chiều. Vì buổi chiều các nhà thường đem rác ra nơi tập kết để chuyển đi. Vả lại, sáng ra tôi sẽ trông các em để mẹ yên tâm đi bán đồ ăn sáng ở đầu khu công nghiệp. Buổi chiều, mẹ ở nhà, tôi sẽ đạp xe quanh thành phố lượm ve chai đến tối mịt mới về.
Ở phố một thời gian, tôi cũng dần quen với mọi người hơn. Ở ngõ này, đa phần là dân nghèo, xuống phố làm ăn. Mọi người sẻ chia, đùm bọc nhau lắm. Bà Yến bán nước ở đầu ngõ, mỗi lần thấy tôi lếch thếch đạp xe qua, thường thở dài mà rằng: “Thương cái thằng nhóc, bé tí đã phải bỏ học để kiếm cơm”. Khi ấy, sống mũi tôi bỗng cay xè nhưng vẫn toét miệng cười bảo: “Có gì đâu bà Yến, con lớn rồi mà!”.
Hôm nay, đêm đã ập xuống, vậy mà cái bao tải đựng ve chai của tôi vẫn chưa đầy. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm ở bãi rác khi nào đầy bao mới về. Tôi có niềm tin rằng, nếu mẹ biết tôi lượm ve chai chăm chỉ thế này, trung thu mẹ sẽ mua đèn lồng và cho các em tôi đi chơi cùng. Mỗi đứa cầm một cái đèn lồng sáng lấp lánh. Mẹ cồng kênh em lớn, tôi cồng kênh em bé cho chúng xem múa lân, chắc bọn chúng sẽ vui lắm. Có lẽ chúng sẽ cười sung sướng hơn cả lúc được mẹ cho uống sữa. Nghĩ thế, tôi thấy lòng rộn ràng. Mồ hôi tôi tứa ra như tắm, mùi rác bám lấy cơ thể nhưng tôi không thấy mệt. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi chiếc bao tải đã đầy ắp ve chai, nhanh chóng buộc lên xe. Tôi vội vã đạp xe về nhà vì cũng khá muộn rồi.
Mai mới là rằm mà đêm nay trăng đã tròn vành vạnh, trăng hòa với ánh điện thành phố soi sáng đường tôi đi. Từng cơn gió đem theo hương hoa sữa ngào ngạt. Tôi bỗng thấy lòng háo hức đến khó tả.
Vừa thấy tôi về đến đầu ngõ, bác Liên nhà cạnh xóm trọ tôi đã reo lên mừng rỡ: “Về rồi à nhóc. Để tao điện báo cho mẹ mày. Không ban nãy, nó hốt hoảng nhờ hàng xóm trông hộ hai đứa trẻ để đi tìm mày đấy!”.
Lát sau, mẹ phóng xe về, xúc động ôm chầm lấy tôi rồi sụt sịt: “Thằng nhóc này, mày làm mẹ lo quá. Mẹ đã dặn lượm được bao nhiêu thì lượm, trời tối là phải về nhà ngay rồi cơ mà”. Tôi khẽ đưa tay quệt ngang dòng nước mắt, giọng ậm ự: “Con muốn nhặt được nhiều ve chai để trung thu mẹ mua đèn lồng cho hai em thôi”. Mẹ bảo: “Con ngốc lắm!”, xoa đầu tôi mẹ mỉm cười.
Hai đứa em thấy tôi về thì hào hứng khoe ngay: “Anh cu ơi, xem này!”. Trước mắt tôi là đèn ông sao rực rỡ và đèn lồng cá chép nhấp nháy. “Còn đây là kẹo dẻo hoa quả và sách vở mới nữa này!”. Tôi tròn mắt, ngạc nhiên hỏi: “Ở đâu ra mà lắm đồ thế?”. “Anh hỏi mẹ đi, vừa nãy nhà mình đông người vào lắm”.
Mẹ nghẹn ngào: “Mẹ xin lỗi các con. Vì lâu lắm rồi mẹ không mua quà và không đưa các con đi chơi trung thu. Lúc nãy các cô chú trong đoàn thanh niên phường vừa vào trao quà trung thu cho các con đó. Mẹ định đến mai mới mua quà cho các con thì nay đã được tặng rồi. Nên lúc nãy mẹ có qua hàng quần áo mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới, giờ đem giặt cho khô để mai mặc đi chơi trung thu nhé!”.
Mũi tôi thoang thoảng mùi thơm của quần áo mới, miệng tôi thấy ngọt ngào vị bánh trung thu và đáy mắt tôi lấp lánh ánh sáng của đèn lồng. Trăng đêm nay sáng quá và hình như trăng cũng đang mỉm cười nhìn tôi. Trung thu này tôi bỗng thấy hạnh phúc.