1. Hắn đặc biệt thích Chí Phèo. Hắn nói Chí Phèo là nguyên mẫu ở làng Đại Hoàng (Vũ Đại) ngày xưa mà nhà văn Nam Cao đưa vào tác phẩm của mình. Chí Phèo tuy xấu xí, say xỉn bê tha, hay gây sự nhưng cũng có lúc sống thật lòng. Đó là tình yêu chân thành đối với Thị Nở và muốn làm người lương thiện. Phàm đã là con người thì chân thành và lương thiện là điều cốt tủy nhân bản nhất. Thời bây giờ đâu hiếm kẻ ăn mặc bảnh bao, nói năng văn vẻ, lịch lãm nhưng lòng dạ đen tối, dối gian, tham lam.
Hắn học xong đại học đại cương chuyên ngành Văn học, yêu con gái của một nhà giàu không được đáp tình, buồn lòng nhảy xe khách về quê làm nghề hớt tóc. Ngày xưa, cha hắn dạy: “Thằng Lãm cố gắng học giỏi để đứng đầu lớp”. Hắn không đứng đầu lớp nhưng giờ hắn “cầm đầu thiên hạ” là oách rồi còn gì. Mỗi lần hắn cầm cái đầu của người đến hớt tóc xoay qua, xoay lại, có lúc đè xuống chẳng thấy ai phản ứng, ý nghĩ đùa cợt chợt biến mất, thay vào đó là ý thức lương tâm của người hành nghề trỗi dậy. Khách hớt tóc khoái hắn ở cách nói chuyện tiếu lâm có duyên. Thỉnh thoảng hắn đọc vài câu thơ, hát vài câu tân nhạc nghe mùi mẫn. Bác Đại nhà hàng xóm đầu nhẵn bóng hay nói chuyện thời sự thế giới thường trực ở quán hớt tóc của hắn nhiều hơn ở nhà. Bác Đại như cái máy cassette thu nhận đủ thứ dữ liệu, tin tức, có sao bác phát ra trung thực như vậy làm người nghe cứ thấy lộn tùng phèo cả lên. Hắn là người giúp bác Đại gỡ rối tơ vò. Đặt chuyện nọ trước chuyện kia, phân tích, lý giải từng chuyện có logic.
Dạo đó, có người quen từ Đà Lạt tạt qua quán hớt tóc gọi hắn ra ngoài nói nhỏ: “Mày nghe gì chưa?”. Hắn còn đang cầm cái kéo trên tay: “Chuyện gì mày nói đại đi, tao còn hớt tóc”. Người quen của hắn nói tỉnh queo: “Con Hà đi lấy chồng rồi. Chồng nó là bác sĩ làm việc ở TP Đà Lạt”. Tim hắn loạn nhịp nhưng ngoài mặt vẫn tỉnh bơ: “Hà lấy chồng thì liên quan gì đến tao!”. Người quen hắn giọng ỉu xìu: “Vậy thì mày vào hớt tóc, tao đi đây”. Hôm nay hắn nhận tin buồn. Hắn xa rời trường lớp hơn 2 năm. Hắn trốn chạy một mối tình vô vọng. Vết thương lòng đến lúc sắp lành thì bỗng dưng rớm máu.
2. Hắn từ đồng bằng lên Tây Nguyên ăn học. Cảm nhận đầu tiên của hắn Đà Lạt đúng là xứ sở của sương mù tắm mát ngàn hoa. Ấy thế vẫn không sao lấp đầy nỗi nhớ nhà cứ dâng lên vào những lúc chiều muộn. Hắn chỉ còn biết ôm đàn guitar ngồi bên vệ cỏ trong khuôn viên ký túc xá buông những hợp âm trữ tình với những lời ca ngọt ngào, da diết. Hà học cùng khối với hắn, thường đến ký túc xá chơi với những người bạn quê xa. Nàng thích thú khi thấy hắn có mái tóc bồng bềnh, đẹp trai, lãng mạn như nghệ sĩ đích thực. Không biết tự lúc nào tiếng đàn, tiếng hát của hắn cuốn hút Hà. Nàng thường mon men đến ngồi nghe hắn hát hàng giờ không biết chán. Đôi khi nàng còn ca vài bài gọi là giao lưu thay đổi không khí. Giọng hát của Hà khá hay lại được hắn chỉ cách trau chuốt nên tiến bộ rất nhanh.
Một hôm nàng đường đột: “Anh Lãm dạy đàn cho em được không?”. Hắn cười phô hàm răng trắng bóng: “Anh sẵn sàng, được làm sư phụ của một người xinh đẹp như Hà thì còn hạnh phúc nào bằng”. Nàng cười giòn: “Không ngờ anh Lãm cũng khéo ăn khéo nói ghê ha!”. Hà là cô gái thông minh. Nàng nói như vậy thì có nghĩa là câu nói của hắn có phần sến sẩm. Hắn thấy ngượng.
Gần nửa năm trôi qua, khi tiếng đàn của Hà đã thuyết phục được hắn về nhịp điệu, cách chuyển hợp âm, luyến láy cũng là lúc hắn đem lòng yêu thương cô gái xứ sở hoa dã quỳ. Rồi một lần rượu vào làm tăng dũng khí, hắn nhìn Hà bằng đôi mắt rực lửa yêu đương: “Hà ơi, những ngày không gặp em, anh không thiết tha với sách vở, em có hiểu không?”. Cô bé sinh viên có gương mặt đẹp như diễn viên điện ảnh giãy nảy: “Đừng anh! Đừng nghĩ về em như thế. Em chỉ xem anh như anh trai thôi”.
Những ngày sau đó Hà không còn đến ký túc xá. Nàng cố tránh mặt hắn trong những giờ phút ở trường để hắn bình tâm suy nghĩ. Còn hắn giống như con thiêu thân bám riết ngọn đèn dầu. Hắn đau khổ. Hắn lao vào rượu chè quên trời đất. Sức học của hắn tuột dốc thê thảm. Thầy giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường lần lượt gọi hắn lên tìm rõ nguồn cơn. Hắn một mực giữ im lặng. Các thầy cô giáo lắc đầu khi đã dùng hết mọi lời lẽ khuyên nhủ hắn. Các bạn học cùng quê tìm mọi cách vực hắn ra khỏi cơn mê tình ái. Mỗi lần say xỉn là hắn tìm cách gây sự với các bạn ở cùng phòng. Hơn một lần thằng bạn thân điên tiết: “Mày giống Chí Phèo quá!”. Hắn cười hềnh hệch: “Chí Phèo thì đã sao? Tao thích làm Chí Phèo đó”. Bạn hắn chẳng chịu buông tha: “Chí Phèo còn khá hơn mày, còn muốn làm người lương thiện. Mày thì đâm đầu vào cõi mê không có lối thoát. Thật uổng công ba má mày ở quê thắt lưng buộc bụng gửi tiền cho mày ăn học”. Khác với mọi lần, hắn không nổi giận. Sáng hôm sau, hắn vai xách nách mang lặng lẽ rời ký túc xá, không một lời từ giã bạn bè.
3. Hắn nói Chí Phèo thời đại 4.0 có tri thức, uống rượu Tây và không thèm gây sự như cái cách đến nhà Bá Kiến ăn vạ (hắn cà rỡn với đám bạn học như vậy). Hắn nộp đơn xin thi đại học từ xa. Thay vì thời gian rảnh rỗi dành để nhậu nhẹt, tán gẫu thì hắn miệt mài học tập bài vở do nhà trường chuyển đến. Hắn quan niệm đại học chính quy, đại học tại chức hay đại học từ xa có chất lượng thật sự hay không cốt ở thái độ học tập của sinh viên. Mấy đứa bạn tốt nghiệp đại học ở Đà Lạt về chơi kinh ngạc trước kiến thức sâu rộng về mọi lĩnh vực của hắn. Thằng Chương (cái gã nói hắn giống Chí Phèo dạo nọ) tham mưu: “Lãm ơi! Tao thấy mày nên nộp đơn xin đi dạy học. Tao tin với trình độ này, mày sẽ vượt qua kỳ thi tuyển viên chức”. Hắn cười nói: “Mày nghĩ người ta không kỳ thị cái bằng đại học ngữ văn từ xa của tao hay sao? Thời đại bây giờ là thời đại của bằng cấp, mày quên rồi ư? Với lại tao học không phải để làm giáo viên hay làm cán bộ mà học để không lép vế về sự hiểu biết với bạn bè”.
Lãm vốn thông minh, lại ham học tập, đọc sách, nghiên cứu về mọi mặt, cách nói chuyện lôi cuốn người nghe nên quán hớt tóc của hắn khách nườm nượp. Hắn biết thích ứng với thị trường. Mở rộng quán, tuyển các thợ hớt tóc nam trẻ tuổi có tay nghề đáp ứng với nhu cầu làm đẹp của lứa tuổi thanh niên. Sau này, hắn còn mở thêm dịch vụ làm đẹp cho chú rể, phục vụ cho giới đại gia, chính khách dự đám tiệc, hội nghị. Thu nhập của hắn tăng lên theo cấp số nhân. Ban ngày Lãm quán xuyến việc cắt tóc, làm đẹp cho nam giới và cho thuê đồ veston. Ban đêm hắn say mê với YouTube. Kênh YouTube “Dân Ta Phải Biết Sử Ta” của Lãm cung cấp cho khán thính giả trong và ngoài nước những tư liệu lịch sử có tính hệ thống, khoa học và những phát hiện mới mang tính dã sử cực kỳ hấp dẫn khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào là người Việt Nam có hàng triệu người truy cập, bấm like. Mỗi tháng hắn thu nhập gần cả trăm triệu đồng.
Một hôm Lãm đang tỉa tót mái tóc cho thằng bạn thân thì Hà xuất hiện. Tim Lãm như muốn ngừng đập. Chưa bao giờ Lãm nghĩ có một ngày Hà đến gặp mình: “Sao em biết anh ở đây mà đến? Mời em vào trong này ngồi chơi”. Lãm chỉ chiếc ghế trống cho Hà ngồi tạm. Chàng nhìn nàng không chớp. Một Ngân Hà đẹp rực rỡ, quyến rũ và có phần chín chắn trong ánh nhìn. Nàng cười rúc rích: “Anh nhìn em như muốn nuốt chửng không bằng”. Câu nói của nàng vô tình đánh thức hoài niệm đêm Đà Lạt với men say và câu tỏ tình bẽ bàng.
Lãm mời Hà sang một quán nước gần đó. Vừa ngồi xuống ghế, Ngân Hà giọng buồn buồn: “Em đến để xin lỗi anh về chuyện ngày xưa đã làm anh đau khổ, dang dở sách đèn. Anh ơi, ba má em đã hứa hôn với người ta từ khi em còn nhỏ thì làm sao em có thể đón nhận tình cảm của anh. Chuyện vợ chồng em tan đàn xẻ nghé hết rồi. Anh ấy đã lấy vợ. Em nhận phần nuôi con”. Hắn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: “Anh chưa từng giận em. Chuyện dĩ vãng hãy để nó ngủ yên!”. Mắt Hà rớm lệ: “Còn anh, sao không chịu lập gia đình? Em ở Đà Lạt nhưng vẫn dõi theo từng bước đường anh đi. Em là fan hâm mộ kênh YouTube “Dân Ta Phải Biết Sử Ta” của anh đấy”. Nhắc đến YouTube, hắn tươi tỉnh ra ngay: “Nickname của em là gì, sao không comment cho anh biết?”. Nàng lau nước mắt, cười: “Anh uống nước đi. Còn nhiều thời gian, anh tha hồ mà hỏi!”. Hắn nhìn mái tóc buông dài của nàng đợi chờ cái vuốt tóc duyên dáng ngày xưa.