Xóm cũ của tôi, xóm Lẫm với lẫm Phú Hiệp. Lẫm làng tọa lạc giữa xóm, chung quanh dân cư đông đúc. Chúng tôi lớn lên từ đó nên không còn nhận ra mùi của nó như thế nào và không nghĩ rằng xóm mình cũng có mùi riêng.
Một hôm, ngồi nói chuyện với con gái út, nó bảo: Ở Sài Gòn, con nhớ mùi xóm Lẫm quá! Đó là cái mùi mà mỗi khi đạp xe đến đầu xóm thì bắt đầu nghe đó ba. Con cũng không thể nào tả được nó như thế nào, chỉ nhớ có chút gì đó mùi của dầu lửa, chút mùi của bùn ao từ xa đưa tới, mùi của khói bếp, của thức ăn... Nói chung là mỗi thứ một chút.
Mùi dầu lửa ở đây là dầu lửa từ thời Mỹ đóng ở quê tôi. Họ lắp một hệ thống ống dẫn dầu từ cảng Vũng Rô ra để tiếp dầu cho khu căn cứ và phi trường Đông Tác. Rồi dầu chảy lênh láng, ngấm xuống đất, tràn ra đồng ruộng..., mãi đến tận bây giờ, một số giếng vẫn còn thoang thoảng mùi dầu, không thể dùng nước đó để ăn uống được.
Từ khi nghe con gái nói về mùi xóm Lẫm, tự dưng đi đâu, tôi cũng để ý, nhất là khi về lại xóm cũ, căng lồng ngực, hít lấy hít để cảm nhận mùi quê. Và đúng như con gái đã nói, đó là cái mùi không phân biệt rạch ròi nên gọi chung là mùi xóm Lẫm.
Ai cũng có lúc đi xa, có lúc quay quắt nhớ nhà khi chỉ cần nghe tiếng cơm sôi vì đó không chỉ là tiếng cơm sôi mà còn nghe dậy mùi quê - mùi gọi ta quay về khi đã mỏi bước lãng du. Bây giờ, dù ở nông thôn hay phố thị, khó còn nghe một mùi thơm nguyên chất gạo, được nấu bằng bếp củi, bếp rơm và cả bằng kinh nghiệm của người nấu: ngồi canh nồi cơm vừa cạn nước thì hạ nồi xuống, vần trên than hay giảm lửa để nồi cơm chín tới thơm một mùi thơm nguyên bản của gạo, không bị cháy, khét, khê…
Có những điều rất đỗi bình thường nhưng chẳng bao giờ ta để ý đến như xóm làng với bờ tre, ruộng lúa, mùi quê…, để rồi một khi đã xa, ta lại bần thần như mất đi một điều gì không thể mất. Lúc ấy, trong lòng lại bùng lên tình yêu quê hương đến lạ.
LÊ VĂN DŨNG