Thứ Tư, 27/11/2024 23:33 CH
Sau ngày biển động – truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY
Chủ Nhật, 12/03/2023 13:23 CH

Minh họa: PV

Không phải ai cũng dám bỏ nghề để lên bờ kiếm sống.

 

Như chị.

 

* * *

 

Mỗi lần tâm sự với tôi, chị lại kể về quãng đời khổ đau của mình. Lần nào bắt đầu câu chuyện, chị cũng hít một hơi thật sâu, trong mắt chị mênh mông biển cả. Chị nói đó là giai đoạn cơ cực nhất mà chị từng trải qua. Không hiểu sao chị có thể chịu đựng hắn ta chừng ấy năm. Chừng ấy năm, chưa một ngày chị thật sự hạnh phúc. Niềm vui đến với chị một cách chớp nhoáng và rồi vụt đi. Những người đàn bà sống trên thuyền cứ nghĩ chị không dám bỏ chồng, bởi hắn ta là chỗ dựa vững chắc nhất của chị. “Bỏ chồng thì ai phụ bà ấy nuôi nấng đàn con? Ông chồng dễ gì chịu nuôi đứa nhỏ sau khi ly dị?” - Đó là những lời đàm tiếu sau lưng khi cái tin chị sắp sửa bỏ chồng lan ra khắp làng chài. Những người đàn bà ấy hơn chị ở chỗ gia đình ấm êm, tuy cuộc sống của ngư phủ vất vả cực nhọc, nhưng họ vẫn còn được chồng chở che, yêu thương.

 

Chị thì không. Chồng chị thuộc kiểu đàn ông vũ phu. Đôi bàn tay ngày nào nâng niu gò má chị, nắm lấy tay chị bước xuống chiếc thuyền đỗ ở bến, đã bao lần làm chị tổn thương. Chị dần mất đi niềm tin về sự hoàn lương của hắn. Hắn không trộm cắp, cướp giật, chỉ hung bạo như một con sói. Hắn không be bét rượu chè nhưng mỗi khi cơn giận nổi lên, nhất là sau ngày biển động, bão giông, sau khi con đói la khóc…, hắn lại hành động không khác gì một kẻ say rượu mất hết nhân tính.

 

Năm lần bảy lượt, mọi người khuyên chị bỏ chồng, nhưng chị nhất quyết không. Lúc đó chị chưa đủ can đảm để rời con thuyền lên bờ kiếm sống. Sống trong không gian chật chội của con thuyền, với mênh mông sóng biển, với những mùa giông bão…, chị đã quen. Để từ bỏ một không gian đã gắn liền với chị nhiều năm trời đến một không gian khác, chị không dám. Ở đó còn nhiều gió giông hơn trên biển - những cơn giông vô hình. Bão động trong lòng.

 

- Sao trước đó chị không rời hắn, để bị ám ảnh một đời? - Tôi hỏi chị. Lúc đó, dãy nhà trọ của công nhân làm thuê đã lên đèn sáng rực. Tiếng rửa chén bát phát ra đều đặn.

 

Chị nhìn tôi, cười. Nụ cười hiền lành của người đàn bà được sinh ra và lớn lên trên biển. Chân chất, mộc mạc và đẹp theo một cách rất riêng.

 

- Hồi trước chị cứ nghĩ mình chịu đựng là vì con. Để chúng nó có cuộc sống êm ấm. Nhưng sau đó nghĩ lại, chị thấy mình và các con ngày càng lún sâu vào khổ đau bế tắc. Chịu đựng không phải là điều tốt nhất mà chị làm cho con mình.

 

Tôi hiểu điều chị nói. Hành động của chị xuất phát từ tấm lòng thương con của một người mẹ, luôn nghĩ cho con, dành những điều tốt nhất cho con. Nhưng kết quả mà chị nhận lại là gì, ngoài những đứa con lớn lên trong phập phồng lo sợ. Sự lo sợ ấy đã kìm nén lại sự tự tin trong con người chúng, khiến chúng không thể sống đúng với lứa tuổi của mình. Ngay cả đứa con chị yêu thương nhất, mặc dù chị đã bảo vệ, dành hết những gì mình có, cả vật chất lẫn tinh thần cho nó, nhưng rồi nó có gì ngoài sự dữ dằn, hung hãn - cái tính vô tình kế thừa từ người cha mà nó căm ghét thấu xương.

 

Có tiếng gõ cửa bên ngoài. Gõ cửa chỉ là phép lịch sự chứ không phải chị đóng. Ở xóm trọ này, vui nhất có lẽ là buổi chiều và chập tối, khi công nhân đã trở về sau một ngày làm vất vả, mệt nhoài. Tiếng nói tiếng cười, tiếng xôn xao bát đũa… khiến xóm trọ sôi động trong khoảnh khắc trước khi nhà nhà người người tắt đèn chìm vào giấc ngủ sâu.

 

Liên đến. Thấy tôi ngồi xếp bằng giữa bừa bộn đồ đạc, Liên chào tôi. Tôi cười thay lời chào. Liên xếp giày qua một bên, bước vào nhà. Chị nhổm dậy định rót cho Liên cốc nước nhưng Liên ngăn:

 

- Em đi ngay thôi, chị! Em ghé sang để báo tin cho chị, xưởng sản xuất giày da đã đồng ý nhận chị vào làm, lương khởi điểm sáu triệu, nếu tăng ca thì lương cao hơn. Họ hẹn chị sớm mai đến ký hợp đồng lao động.

 

Nghe Liên nói, mắt chị sáng rực. Chị chồm đến nắm lấy tay Liên, run run:

 

- Chị mừng quá! Vậy là chị có thể nuôi được sắp nhỏ ở thành phố này rồi! Em biết không, mấy hôm nay chị cứ lo lắng suốt. Chị sợ người ta không nhận mình. Biết sao được, dân chài như chị, không giấy má lận lưng, muốn tìm việc làm cũng khó…

 

Liên vỗ nhẹ vào bàn tay chị, động viên:

 

- Chị chăm chỉ, nhận thêm việc về nhà làm, chắc cuộc sống sẽ không quá vất vả. Em Phác cũng đã học được nghề sửa xe rồi, chị đỡ lo hơn.

 

- Chị cũng mong vậy! Chị cảm ơn các em! Các em là người dưng nước lã, có máu mủ ruột rà gì với chị đâu mà tốt quá!

 

Tôi nhìn sang Liên, rồi nhìn chị. Thật tình tôi không mấy dễ chịu khi nhận được quá nhiều lời cảm ơn, thái độ hàm ơn từ người khác. Hơn nữa trong chuyện này, Liên có công hơn tôi. Liên, bằng tất cả mối quan hệ và khả năng thuyết phục, đã giúp chị có giấy tờ, xin được việc. Tôi luôn khâm phục tình yêu thương và lòng nhân hậu của em.

 

Chúng tôi ngồi thêm chốc nữa, không lâu, rồi chào chị ra về. Khi ấy xóm trọ đã tối ngập. Vài căn phòng đã tắt đèn đi ngủ lấy sức cho ngày làm việc mới. Bước cùng Liên trên con đường ngổn ngang đá vụn, tôi thấy tim mình run run. Trăng mười sáu soi xuống con đường, chảy dài trên mái tóc óng ả của Liên. Ngoài phố rực rỡ ánh đèn. Gió tháng này mát rượi.

 

* * *

 

Mấy tháng sau, tôi ghé ngang thăm chị.

 

Cơn mưa vừa dội xuống thành phố, rửa trôi những bụi bặm thường nhật. Thành phố như thanh sạch hơn. Cơn gió mát rượi thổi vào xóm trọ làm khô mớ quần áo người ta đem ra sân phơi gió sau mưa. Thấy tôi, chị niềm nở mời vào nhà. Chị đang đan áo - công việc chị nhận về làm thêm mỗi buổi tối, sắp lập đông nên người ta cần thợ biết đan. Ngày xưa, khi ở phố huyện vùng biển, chị có được mẹ dạy chút ít về đan. Bao nhiêu năm không đan, tay chị đã xơ cứng cả, giờ đan lại chị thấy khó. Đêm đầu, tay chị nhức buốt, sau quen dần. Chị khoe với tôi thằng Phác đem tiền về cho chị, chị không nhận nhưng nó cứ dúi vào tay và bảo: “Mẹ nuôi con chừng ấy năm, tốn biết bao nhiêu, giờ con có nhiêu đây báo hiếu, chẳng lẽ mẹ không nhận sao?”. Chị khoe đứa con nhỏ nhất đã được chị gửi đi mẫu giáo, mỗi tuần ở nhà chơi với mẹ hai ngày trọn vẹn. Còn đứa lỡ cỡ cũng biết đọc, biết viết rành rọt, nó viết tên tôi, cả tên Liên vào tờ giấy, dặn mẹ gửi cho tôi khi tôi đến, vì nó học nội trú nên ít khi ở nhà.

 

Tôi thấy lòng lâng lâng hạnh phúc trước sự bình yên, êm ấm của chị. Thế mới hay, đâu phải cứ bám trụ con thuyền mới là tốt. Chị thương con, nhưng làm thế nào để con phát triển tốt, được giáo dục… mới là quan trọng, chứ không phải chịu đựng để những đứa con tồn tại như pho tượng vô tri.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ống so đũa một thời bếp quê
Chủ Nhật, 12/03/2023 13:12 CH
Tháng ba Buôn Mê – thơ NGUYÊN HẬU
Chủ Nhật, 12/03/2023 07:00 SA
Tháng ba – thơ LAN NGỌC
Chủ Nhật, 12/03/2023 06:00 SA
“Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều”
Chủ Nhật, 05/03/2023 14:00 CH
Bến sông xưa – thơ HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Chủ Nhật, 05/03/2023 10:42 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek