Đời sống ngày một phát triển, theo đó không gian bếp và những vật dụng phục vụ bếp núc ngày càng đầy đủ và tiện nghi. Nhưng với tôi, ống so đũa ngày xưa (hay còn gọi là ống so bếp) gắn nơi góc bếp của mọi gia đình ở quê tôi để đựng những đôi đũa bếp, đũa tre… luôn là hình ảnh dung dị nhất.
Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ |
Còn nhớ, để làm ống so đũa cho mẹ, cha tôi ra hàng tre sau nhà chọn gốc tre mỡ (thân lớn hơn lon sữa bò, các ống tre hơn 4 tấc), không chọn tre gai vì thân nhỏ, ống tre ngắn…
Làm ống so đũa không tốn nhiều thời gian và kỹ thuật, hầu như đàn ông quê tôi ai cũng làm được. Nếu chú bác nào khéo tay một chút thì làm ra cái ống so đẹp mắt và nhiều kiểu mẫu hơn.
Như ống so đũa của mẹ, cha làm rất tỉ mỉ trong từng công đoạn. Cha gom ít rơm lúa mồi lửa và lùi gốc tre vào rơm vài phút rồi lấy ra. Tôi tò mò hỏi cha về việc này, ông giải thích: Làm cho nước trong thân gốc tre nóng để diệt trừ sâu, mọt…, ống so sẽ dùng lâu năm hơn. Bên cạnh đó, thân gốc tre sau khi lùi qua rơm sẽ tạo ra những họa tiết do lửa rơm áp vào ngẫu nhiên rất đẹp mắt.
Lệ thường, khi làm ống so đũa, mọi người chuốt trảy các mắt tre, riêng ống so đũa nhà tôi để nguyên gốc tre có ba ống (ba lóng), cha bảo: “Để vậy cho có tính mỹ thuật và đặc biệt là giữ lại nguyên bản gốc tre già”. Cha chọn gần nửa phần đầu mỗi ống tre, dùng rựa đẽo gọt hình lưỡi mác, tạo ra khoảng trống của mỗi ống để đựng đũa, đoạn tre thừa phía trên cùng của ống so, cha gọt thân tre hình ô van, dùi lỗ, dùng sợi dây mây xỏ và cột ống so đũa vào trụ góc bếp.
Cha tôi tỉ mỉ, khéo tay làm ống so đũa, còn mẹ thì kỹ lưỡng, cẩn trọng trong việc sử dụng. Mẹ chọn ống so đầu tiên để đựng mấy đôi đũa bếp lớn, mẹ nói: “Khi xới cơm, xáo xôi cúng giỗ ông bà thì dùng đũa bếp này”. Ống so thứ hai để những đôi đũa tre, đũa bếp nhỏ dùng trong việc nấu ăn hằng ngày. Còn ống so thứ ba thì mẹ cắm cây quạt mo cau, ống thổi lửa và những đôi đũa đã cũ…
Bây giờ, nhà tôi đã sửa lại gian sau, phần bếp của gia đình rộng thoáng hơn, cơm nấu bằng nồi điện, thức ăn khác nấu bằng bếp gas, đồ đựng chén, đũa… bằng hộp nhựa hoặc inox. Nhưng tôi nhận ra, góc bếp ngày xưa - nơi có ống so đũa và dáng mẹ ngồi chụm lửa nấu ăn, chăm chút xới cơm để cho chồng con có chén cơm thơm xốp ngon miệng mãi là ký ức đẹp trong tôi.
HOÀNG HÀ THẾ