1.
Tôi và Nam ngồi ở quán Sông Ba, bên dòng sông Ba; mùa này đang nắng nóng nên dòng sông chảy ngang lững lờ nước và bốc hơi mờ mờ qua đám cỏ khô, vàng cháy. Nam nghỉ phép về thăm nhà, tôi thì ra trường về lại quê nhà, hai thằng là bạn nối khố từ nhỏ, cũng một thời ở quê học trường làng và chăn trâu, cắt cỏ. Lúc ấy, thời bao cấp mà chỉ hai thằng rời quê ra phố học rồi đi thẳng đến giảng đường; bỏ lại lũ bạn làng sau chăn trâu, cắt cỏ là ruộng đồng, khoai sắn.
- Mau thật, mới đó mà tụi mình tóc đã điểm bạc. - Nam bảo.
Tôi im lặng nhìn ly bia sóng sánh trong lớp đá tan dần rồi lơ đãng nhìn sông.
- Mày có về thăm nhà? Nghe bảo mày lặn miết, thiệt lạ. - Nam lại nói nhưng lại nhìn cây cầu cong cong nối hai bờ sông.
Tôi cười bảo:
- Quê nhà chẳng còn ai, căn nhà cũ thì ông cậu và mấy đứa em lo nhang khói, lũ bạn cũng già, đứa còn đứa mất, mày cũng vậy, so bì gì?!
Nam phì cười, nâng nhẹ ly cụng qua tôi cũng nhẹ và mắt nhìn sông gợn sóng:
- Gió sang mùa kìa, Thạch à, cũng thiệt nhớ...
Tôi gật đầu, quê tôi là một vùng gió; dằng dặc gió nam non, nam mái, nam cồ dữ dội lẫn khô hanh hừng hực nóng đến vài tháng. Đùa tếu của lũ bạn là đặc sản vùng miền. Bên kia núi là dãy Trường Sơn có ngọn Đá Bia nên chia đều hai vùng gió là Tu Bông và gió Tuy Hòa. Và khi tôi rời làng cũng vào một mùa gió, gió đi ngang đi dọc ào ào quét xơ xác cả vườn nhà. Làng vật vã, từng căn nhà mái ngói xám xịt bao bọc quanh lũy tre đan xen từng bức tường chắn gió đang nghiêng ngả, nghiến rít. Sân nhà nào cũng đầy lá rụng và những con đường đất quanh làng rũ bụi cùng đám người lom khom ngược gió. Tôi nhớ, đêm trước ngày đi, mẹ cặm cụi trông nồi xôi dần chín khi cha nói: “Gió năm nay về sớm, lúa chưa kịp gặt...”, có tiếng thở dài qua nhịp võng đong đưa và gió thổi đến nơi đầu hồi căn nhà gạch nép dưới hàng cau.
Tiếng Nam nhỏ giọng vì khách bên ngoài đang kéo vào quán:
- Hơn mười năm nơi ông và tôi sinh ra rồi sống thời nhỏ nay đã phát triển, có đủ cả, nhất là điện, một thứ vô cùng quan trọng mà khi ấy mình mơ cũng chẳng nghĩ tới và cũng không còn lũ lụt như thời ấy, làng đã thay đổi nhiều, mừng thiệt.
Tôi im lặng gật đầu. Nhớ lúc tôi về khi còn mẹ, mẹ buồn buồn vì thấy tôi ít khi nhắc lại chuyện cũ như bao lớp người đi rồi về. Nhưng mẹ đâu biết rằng tôi vẫn nhớ quê, nhớ vùng đất của gió. Cuộc sống đất phố cũng lắm khó khăn, chén cơm tấm áo thời ấy cũng kiếm nhọc nhằn, đồng tiền cha gửi, mẹ đưa cứu đói chỉ thời gian ngắn. Mãi sau này, mẹ phải rời làng theo cùng trai út lên phố khi cha mất, thì vùng đất của gió cũng dần thay đổi nhưng mẹ đâu có dịp về. Có chăng, dịp tết, mẹ theo mọi người về thăm những người bạn gái năm xưa đã già như mẹ. Nhưng quãng thời gian ngắn thôi, mẹ mất cũng nằm lại đất phố.
- À, tôi nhớ khi mẹ ông lên thăm nơi mình trọ học, hai mẹ con thức suốt. Mãi đến lúc tôi thay ca trực về, thấy ông vẫn ngồi bên mẹ, bà khóc, chắc sợ ông không về phải không?
Tôi cười, lắc đầu. Chuyện xưa lắc lư mà thằng này vẫn nhớ. Lạ thiệt. Nhưng mà tôi cũng vẫn nhớ, nhớ vùng đất của gió, cứ da diết từ đầm sen, cánh đồng, kênh nước dưới rặng tre lẩn trong mùa gió sang mùa. Tôi hỏi Nam:
- Chuyện cũng khá dài, tôi sẽ kể, ông nhớ Hậu không, cô nhỏ lớp sau ấy mà?
- Nhớ chứ, con bé dễ thương, nhỏ nhắn, siêng làm và ham học. Vậy mà, nó phải ở lại làng, thiệt tội. Khi ấy, con bé thích ông mà tôi thì thích nó. Nhưng thua ông, vì ông bảnh trai hơn! Chuyện học thì tôi và ông chưa ai hơn ai à! - Nam đế.
Tôi phì cười lắc đầu còn Nam thì cười sặc tay nâng ly bia ra chiều đắc ý. Bên ngoài, sông dần cạn, ló dần từng doi cát vàng và gió chiều đã nhẹ phủ lên từng đám cỏ mé sông nghiêng ngả.
2.
...Tôi đón mẹ ở sân ga chật người chen chúc, bụi bặm. Mẹ thấy, buông gói đồ, nắm tay lắc lắc: “Con độ này mập ra, ở phố nuôi tốt hơn ở làng...” làm tôi nín lặng đưa mẹ về nơi trọ. Đêm ấy, Nam lên trực khoa phẫu thuật, mẹ ngồi bên tôi khi ngoài đường đã im lắng. Tóc mẹ đã bạc quá nửa khi mẹ đến bên đưa gói quà, nói: “Mẹ không ngủ được... xa nhà...”. Tôi im lặng nhẩn nha nhai khoai mẹ lấy ra từ bao cói. Ngòn ngọt, bùi bùi xen cùng miếng gừng cay nồng mà khi nhỏ tôi rất thích.
Lúc xa nhà, những ngày đầu tôi cũng không thể ngủ nổi, tôi nhớ một vùng gió, gió tứ mùa chuyển dịch. Gió hè thổi dữ dội đầy hào phóng đến khắc nghiệt, ram ráp, nóng sực. Gió xuân thì lào thào khô hanh. Gió thu tạt qua bờ tre trong tiếng ầu ơ kẽo kẹt bóng nắng đổ dài; còn gió mùa đông bắc mang cả màn mưa bụi và cái lạnh cắt da thịt bao phủ đồi núi trong mây mù. Gió đã làm tôi bíu chặt sừng trâu để khỏi ngã thuở bé, nó đã cho tôi co ro trong áo tơi lá và đi từng bước một, mười ngón chân bíu chặt lấy bùn trông như con cúm núm tìm bắt từng con rô, con sặc nhưng chính gió cũng làm tôi thành chàng trai vững chãi để ra phố thị và đi xa hơn nữa.
Tiếng mẹ khi ấy ngắt quãng buồn buồn:
- Thằng Thìn chết rồi, nó qua sông bị lũ cuốn, con Nga sắp lấy chồng, con Hậu... chỉ có thằng Nam cùng con trong này.
Những đứa bạn thiếu thời chăn trâu cắt cỏ, đi học trường làng quần áo bạc thếch, khuôn mặt đen gầy vì nắng gió, cơm chỉ được ăn no buổi chiều với rau nhà và những gì tìm được vì phiên chợ chỉ hai lần trong tháng. Nhà Nga sẽ treo bảng vu quy bằng bẹ thiên tuế và chữ Song hỷ bằng lá dừa có hoa ngũ sắc; cô dâu chân bước lên bùn lầy mùa nước lúc phía sau bọn nhỏ hò reo. Họ có mái ấm, có con, cày bừa giữa mùa nắng cháy da và gió mùa đông bắc buôn buốt. Nhưng họ sẽ hạnh phúc, hạnh phúc đó là ngọn lửa từ một vùng gió.
3.
Tôi im lặng nhìn Nam, nó vân vê ngón tay trên mặt bàn và vẽ những hình ảnh như vô hồn trong nước đọng nơi đáy ly. Tôi nhìn chiều buông dần, những đàn chim lần lượt bay ngang và dần về phía núi.
...Mẹ nhìn tôi một lát, nhìn qua khung cửa sổ hẹp, rồi nói nhỏ: “Hậu chờ con, nhưng con gái có thì...”. Tôi khẽ gật đầu. Hậu đã nghỉ học, chuyện thường của làng gió. Ngày tôi rủ Hậu sang trường mới, em đã khóc, còn tôi lầm lũi băng đồng một mình. Những người bạn khác như Thìn, Sáu, Nga... cũng ở bên này con mương váng đục và đặt lên vai chiếc cày để ra đồng. Tôi đi khi trời mờ sáng và trở về đầu làng thì trời sập tối. Hậu đã chờ những buổi học cuối tuần, em đón tôi từ xa tận cây đa già buông rễ đầu làng. Em lao đến trong gió lộng thổi với cơ thể phô căng từng đường nét bởi gió khi tôi nhìn ngơ ngẩn.
Tôi chưa có niềm vui nào kể từ khi lên phố bằng niềm vui được ở bên Hậu những ngày nơi làng gió. Chưa có điều gì ngọt bằng những trái bắp ven soi mà em nướng vội để tôi cầm đi học khi gió đồng xa thổi về. Cũng chưa có nụ cười nào phô cả lợi khi mọi người thấy tôi và em soi đầu bên nhau nơi giếng đá làng và cũng chưa có đôi mắt nào đen tròn, sâu lắng, long lanh như em. Hậu vẫn đón và chia tay lần cuối dịp lên đồi gánh củi chuẩn bị vào mùa gió đông bắc thổi. Những quả đồi bên dãy Đá Bia có những trảng sim trải dài, cây nọ cách quãng cây kia với những cành lá vươn ra phủ lấy nhau và đan xen như một tấm thảm. Từng đợt gió ào ạt hanh khô thổi đến và tuôn dần về tận chân đồi, cả tấm thảm tím hoa sim rùng rùng chuyển động trong gió. Tôi đứng cùng em trong màu tím sẫm của núi đồi cô quạnh, trong hoang sơ cây cỏ và trong cả đôi mắt rưng rưng, buồn buồn để tôi rời làng gió.
Tiếng Nam đang thở dài chen trong đợt gió vừa lướt qua cạnh quán, nó đưa tay lên gọng kính và vén mái tóc bạc xòa ngang qua trán. Nó nhìn tôi một lúc và nhìn sông tím sẫm màu chiều có từng chiếc ghe trôi dần sang bên kia sông.
...Mẹ buồn khi tôi không về làng gió; nhưng mẹ đâu biết rằng tôi vẫn nhớ quê, nhớ vùng đất của gió. Cuộc sống đất phố cũng lắm nghiệt ngã, cha già mẹ yếu cũng đã lắm nhọc nhằn nơi tứ mùa gió chuyển dịch. Tôi cũng sẽ về dù Hậu đã có chồng nhưng cũng sẽ lên vùng phố vì nơi quê nhà, trang thiết bị đâu đủ để tôi thực hiện những gì mong ước. Nhưng tôi vẫn nhớ nơi ấy, vùng đất của gió thênh thang, ào ạt thổi, nơi nuôi tôi khôn lớn để đi tiếp những gì mình mơ ước, và nơi ấy, đã cho tôi một tình yêu đầu đời, thuần khiết...
4.
- Nghe được không, ông bạn nối khố? Nhà mày khi ấy cũng giàu phải không?
Tôi cười cười hỏi Nam khi nó đã gỡ gọng kính ra lau mắt, nó cũng cười nhưng miệng méo xệch rồi nói:
- Câu chuyện về làng gió của mày và cả của tao nghe khá hay và có thiệt, sao không viết ra nhỉ? À, mà này Thạch, mình lên tháp Nhạn lang thang một chút, lâu rồi chưa nhìn phố dưới chân núi về đêm. Tối gác chân lên nhau và kể tiếp rồi sáng mai, thật sớm, mình ngược về làng gió thăm mọi người, thăm bé Hậu với trái bắp nướng vội ven soi xa xưa của mày giờ ra sao? Nghe phát ghen! Và hẳn rằng, trong mắt mày cô ấy vẫn đẹp, dịu hiền, nhỏ nhắn như ngày xưa, Thạch hén?!
Tôi phì cười, nhìn chung quanh đã dần tối cùng những ánh điện bật sáng trên bờ kè soi bóng dòng sông rồi theo Nam ra ngoài.