Thứ Bảy, 30/11/2024 07:58 SA
Người đàn bà trở về từ chiến trường – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 17/07/2022 10:00 SA

Minh họa: PV

1. Trở thành cô giáo vùng kinh tế mới, ngày đầu nhận nhiệm vụ, mấy anh chị về trước khuyến cáo: Dạy học xóm núi không giống dưới đồng mình, ban ngày dạy ở trường chính, đêm về các thôn phổ cập. Phổ cập - từ này hơi lạ với cô giáo miền xuôi nhưng tôi vẫn hiểu. Coi chừng học trò yêu cô đấy! Tôi biết là trêu cho vui thôi, nhưng mấy ngày đi vận động học trò ra lớp mới mất hồn thật, học trò cấp 2 mà lớn xác hơn cô. Vận động các em đi học đêm rất vất vả, phải năn nỉ mềm lưỡi. Một người của địa phương cùng đi trong đoàn bật mí: Năm nay các con ráng ra học chuyên cần, cuối năm sẽ có thưởng lớn. Tôi nghe tưởng phần thưởng dụ dỗ nên không để tâm.

 

Gọi là phổ cập nhưng cũng có ngày khai giảng đàng hoàng. Hôm đó sẽ có đại diện của ủy ban xã hoặc chính quyền thôn đến dự, tặng sách vở bút thước cho học trò. Cô giáo trẻ tôi được chia dạy ngoài xóm soi (xóm núi nhưng vẫn có con sông lớn chảy qua vùng giáp ranh với huyện bạn, những ngôi nhà lưa thưa nằm gần sông, được gọi là xóm soi). Tối đó, tôi hoàn toàn bất ngờ, có phần kinh ngạc khi đến dự khai giảng là một vị khách không mời. Nhiều học trò lao xao, một em nói lớn: Ồ, bà Bảy cho dưa cũng tới. Tôi thấy tò mò về người phụ nữ có vẻ ngoài giản dị nhưng tên gọi đã hàm ý về một câu chuyện. Càng ấn tượng hơn về cái cách bà đi, hơi chông chênh. Phát biểu ngoài lề tại buổi khai giảng lớp phổ cập xóm soi, bà nói: Nếu kết thúc năm học, cô giáo chủ nhiệm lớp có đề nghị khen thưởng thì phần thưởng sẽ là chiếc xe đạp mới cho em học sinh đó. Phần thưởng lớn đó làm cô giáo tôi đỏ mặt. Dạy phổ cập cụm này chỉ ba giáo viên, tôi trẻ nhất nhưng được mấy anh chị giao làm chủ nhiệm lớp nên thấy áp lực. Nhưng áp lực đầu tiên là phải tìm hiểu câu chuyện đằng sau cái tên bà Bảy cho dưa.

 

2. Bà Bảy là một trong những công thần của xóm núi này, trong những người tiên phong đợt đầu, bà là người bản địa duy nhất.

 

Nói bản địa vì đợt di dân đầu tiên đó, bà Bảy là người duy nhất của huyện dưới, bà chỉ đi từ đồng lên núi chứ không phải như những người kia, ở những tỉnh khác đến vùng kinh tế mới. Nói trong tỉnh, nghe gần, nhưng dù gì cũng thân đàn bà yếu ớt, dám bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Mở đầu câu chuyện rất gây tò mò, và tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Bảy ngay sau đó. Đêm đó, nói phải tội, cô trò tôi đã to gan tan ca sớm, kéo nhau tới nhà bà Bảy. Trúng quá trúng! - học trò reo lên. Bà Bảy bê ra cả thúng: Năm nay trời nắng giòn, dưa trái to, ngon ngọt lịm người. Học trò cổ vũ: Ăn càng nhiều càng ít, bà Bảy là đại gia dưa á cô. Sau câu đó, tôi cùng học trò yên tâm, quất bay hai thúng dưa. Ăn no nê rồi mấy nhỏ bày trò chơi, cô tranh thủ nói chuyện với khổ chủ, càng nghe càng ngưỡng mộ.

 

Xã này chính thức có tên trên bản đồ hành chính tỉnh, có ban bệ khá muộn nhưng trước đó, sau giải phóng, Nhà nước đã có chủ trương đưa người dân từ Khánh Hòa ra xây dựng khu kinh tế mới. Và bà Bảy, khi nghe tin này, liền tình nguyện đầu quân, khi chỉ còn một nửa sức khỏe.

 

Vâng, một nửa sức khỏe của bà Bảy đã rơi rớt ở chiến trường. Nhìn qua, thấy thân thể còn lành lặn, không ai nghĩ bà Bảy là thương binh hạng 3. Bà kể: Băng rừng lội suối không kể nắng mưa. Nắng héo cây rừng, bom nổ tan tác, bụi đất vương vãi lấp đầu lấp cổ. Mưa lạnh như kim châm, đạn vẫn bay vèo trên đỉnh đầu. Cũng sợ chết chứ sao không. Đặc biệt, còn có một trái tim thiếu nữ nữa. Bằng da thịt cả chứ đâu phải thánh thần gì! Sao giết được những đòi hỏi trần thế. Giữa tiếng bom gào đạn nổ, những cô gái cũng biết mộng mơ, cũng đỏ mặt nhớ đến một chàng trai hào hoa nào đó. Cũng muốn soi gương, mặc đẹp, hẹn hò... Tóm lại, khát khao căng tràn lồng ngực thanh xuân. Những nữ y tá nhiều lúc chỉ muốn bỏ hết băng ca, dao kéo, bông băng để được ngâm mình dưới dòng suối rừng mát lạnh, để vỗ về làn da chai lỳ mưa nắng, thầm ước được mặc đồ đẹp, cầm tay người yêu đi dạo... Nhưng cũng chỉ là chút mộng mơ tạm thời, cuối cùng, trách nhiệm đã chiến thắng.

 

Trên chuyến xe về núi, chính quyền cũng đã chuẩn bị những ngôi nhà tạm. Nhà như những cái chòi. Bà Bảy bất ngờ bẻ lái. Hình như nếu tập trung chuyện chiến trường lại thấy tiếc chuyện mở đất, nên bà Bảy, như chỉ chờ cô giáo tôi quên hỏi, sẽ lập tức quay lại đề tài xóm núi. Những người đầu tiên, tất cả đều rợn ngợp trước sự thâm nghiêm, hoang vu bí hiểm của núi rừng. Nhưng dễ dàng đầu hàng, đó không phải tính cách của những người mang sứ mệnh tiên phong. Họ đã đến vùng đất này và đã ở lại như những anh hùng vô danh - bà nói bằng giọng tự hào lộ liễu, nói mà như sợ thời gian sẽ phũ phàng tẩy xóa dấu vết của những ngày đầu đoạn trường của một thế hệ.

 

Bà Bảy trầm ngâm khẳng định, đem một chuyến xe về vùng kinh tế mới cũng như đem một nhúm người bỏ lên hoang đảo vậy - nhìn đâu cũng rậm rịt, gai góc, không có lối đi. Loay hoay, lấn quấn một thời gian, rồi cái khó cũng ló cái khôn. Cùng nhau phá đường để kết nối với dân cư bên cánh trái, rồi mở con đường đi xuống hướng đông, nơi có con đường lớn chạy về trung tâm tỉnh. Có đường chính rồi, lại bắt tay làm những con đường phụ, chia xã thành nhiều khóm nhỏ.

 

Khai phá đất hoang, đất cằn cỗi thiếu nước không làm gì được, trồng gì héo đó, cuối cùng bỏ hoang thành những đám gai mắc cỡ. Muốn sống phải bám rừng. Phá rừng, tuồn gỗ về phố, đốt than, làm rẫy.

 

Làm rẫy nghèo, đó là quy luật khó lòng thay đổi. Thì bởi, hồi đó lao động bằng sức người là chính. Mà rừng đâu có đẻ ra rừng để phá mãi. Sau khi phát dọn sạch sẽ một thửa rừng, người ta đem lúa lên tỉa. Dùng cây chọc xuống đất một lỗ rồi bỏ lên đó chừng hai, ba hạt lúa. Sẽ hơi lâu nhưng rồi lúa cũng nảy mầm, lên cây. Hạt giống thả xuống, bị chim chóc mổ bớt nên lúa lên lưa thưa. Gạo lúa rẫy khó ăn khiếp đảm. Nấu cơm phải đổ nước nhiều, gạo nở bung như hạt bắp hầm. Ăn nham nhám, ớn. Đã không ngon lại không có hiệu quả nên người ta bỏ hẳn. Từ lúa rẫy chuyển qua trồng sắn, mía. Cũng chẳng khá hơn. Đất rẫy sỏi đá, không được cải tạo, sắn mía đứng héo hon.

 

Bám rừng bám rẫy không ăn, người ta cố cải tạo những cánh đồng hoang, trồng vừng trồng đậu, ăn nhờ nước trời. Vẫn thấp thỏm lo âu, nguyện cầu những trận mưa giải cứu. Nếu phải nhìn thấy một đám đậu đám vừng chơ vơ trên đồng sỏi bạn mới hình dung hết nỗi cơ cực của người xóm núi làm nông. Và nhiều người đã bỏ chạy, hy vọng về một cuộc đổi đời đã bị những khó khăn của vùng cao triệt tiêu. Nhưng dễ dàng bỏ cuộc không phải tính cách bà Bảy, người phụ nữ đã từng mang một vết đạn ở lưng và giờ bị bệnh xương khớp tuổi già, một chân đang dần teo lại. Bà đã trăn trở nhiều về cuộc mưu sinh lâu dài. Cũng là cơ duyên. Bà kể, hôm đó tình cờ nhìn thấy một người dân ngồi dưới bụi cây gần bãi cát ăn dưa hấu, vậy là trong đầu hiện ra ruộng dưa xanh ngát trên những bãi đất thổ gần sông. Một hai đám dưa được trồng, dưa hấu không sợ nắng, còn phần phân nước đã có phù sa con sông Ba xanh mát. Làm ăn có kết quả, bà Bảy mở rộng, và bây giờ, bà có hẳn một đội ngũ trồng dưa. Dưa của bà Bảy không chỉ tiêu thụ trong xã mà còn đem xuống mạn dưới, bán cho những chiếc xe buôn về thành phố.

 

3. Em là một đứa trẻ được sinh ra ở thành phố nhưng vì hoàn cảnh, tròn một tuổi đã theo cha mẹ về xóm núi. Thời gian đầu, nhà em nghèo rạc, may có bà Bảy - mẹ nói vậy. Ba mẹ và một vài người khác trong xóm làm việc cho trại dưa của bà Bảy. Còn trẻ nhỏ chúng em, xóm nghèo chẳng có gì để chơi ngoài mấy chiếc ti vi cũ kỹ. Tụi em sẽ ra ngoài bãi cát, nơi có những trái dưa hấu tròn lẳn, nằm êm ái trên cát. Bày trò đùa giỡn ở gần mấy đám dưa, chơi xong còn được ăn dưa nữa. Dưa nhiều lắm! Những trái đủ chuẩn đã được hái để bán, những trái nhỏ hơn hoặc có tì vết, bà Bảy thả chộ luôn, ai hái được thì hái chứ không bán. Cả xóm chứ không riêng gì bọn trẻ, tới mùa thường ra soi để mót dưa. Bà Bảy hiền lành, thởi lởi, cả xóm ai cũng quý mến. Không chỉ cho dưa dưới sàn, những đứa trẻ chúng tôi vẫn được bà cho những trái dưa to trên chuẩn và sách vở, nếu có đứa nào lập được chiến công, như đi học được điểm 10, được thầy cô khen, hay làm được một việc tốt.

 

Đoạn văn trên là bài làm của học sinh tôi vừa mới chấm, bài kể về một người mà em quý mến. À, xin được bổ sung chi tiết, từ chiến trường về, bà Bảy là thương binh hạng 3, lại thêm lỡ thời nên bà ở vậy cho tới giờ. Có lần bà nói với tôi: Mai mốt về với đồng đội, bà sẽ dành hết tài sản của mình để lập quỹ khuyến học cho vùng kinh tế mới…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thương chợ quê, người quê
Chủ Nhật, 17/07/2022 06:00 SA
Tìm đồng đội – thơ HỒ NGỌC HÒA
Chủ Nhật, 17/07/2022 06:00 SA
Lá thư mùa thu – thơ HOÀNG LAN PHƯƠNG
Thứ Sáu, 15/07/2022 07:00 SA
Hương dú dẻ...
Chủ Nhật, 10/07/2022 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek