Dù là một ngôi chợ cũ, tềnh toàng, chẳng bán gì nhiều nhặn nhưng đi chợ quê, với tôi là để trở về với điều gì đó thân thương khó gọi tên.
Chợ quê của làng tôi là một góc nhỏ nằm trên một bãi đất trống. Ở đó, bao nhiêu năm tháng qua đi, những thức bán trong chợ cũng chỉ có bấy nhiêu. Lèo tèo một hàng cá đồng có 2 người bán; thêm vài người bán rau củ, thịt thà, cá biển cố định và các mẹ, các chị trong làng mỗi khi thu hoạch được gì đều mang ra chợ, trải tấm bạt nhỏ, bán theo từng khúm… Chợ đúng thật là quê khi chỉ bán toàn những thức rau quả nhà trồng. Người cũng đúng thật là quê khi ai cũng chất phác, thật thà và quen biết nhau hết thảy.
Chợ quê gắn với tôi kỷ niệm về cô tôi, một người phụ nữ đẹp, tảo tần, vì mải lo cho gia đình mà lỡ làng tình cảm. Trên chiếc xe đạp, cô dầm mưa dãi nắng hết chợ gần đến chợ xa. Khi thì chợ Đông Mỹ gần nhà, chợ Hòa Xuân, chợ Hòa Hiệp ở xã bên. Xa hơn là chợ Phú Nhiêu, Phú Lạc, Phong Niên. Từ những đồng tiền chắt chiu thấm đẫm mồ hôi, cô chăm lo cho ông bà nội, phụ ba tôi sửa nhà, bắt điện, làm sân gạch, xây được nhà riêng, cho các cháu ít tiền tiêu vặt, mua cho các cháu bộ quần áo mới mỗi khi tết đến, xuân về.
Nhà có mỗi ba và cô, thương cô, 8-9 tuổi tôi đã biết phụ chở hàng cho cô vào mỗi chợ phiên gần nhà. Ngày đó, tôi là đứa bé gầy nhom nhưng 3 giờ sáng nghe cô gọi là đã tỉnh hẳn dậy, dụi dụi mắt bước xuống giường. Lúc này, cô còn dậy sớm hơn, đã kịp cột cho mình một xe to đồ mây tre. Cô buộc sau xe đạp tôi một ít chổi đót, chổi cọ để tôi phụ cô mang ra chợ. Một bữa, vì vội, cô cột hơi lỏng lẻo, tôi dắt xe đi được nửa đường thì mớ hàng hóa bung ra. Đường tối om, hai bên chỉ có đồng ruộng. Xa hơn một chút có vài ngôi nhà nhưng ngõ thì sâu hun hút. Chẳng nhờ được ai, tôi tự mình buộc lại nhưng vì không đủ sức nên nó cứ xổ ra. Mệt và tủi thân quá tôi đã khóc to lên.
Cô tôi, sau khi ra đến chợ, đợi một hồi không thấy tôi đã quay lại tìm, buộc đồ lại rồi hai cô cháu ra chợ. Sau này cô kể lại, khi nhìn thấy tôi với một đống đồ lòa xòa và đang khóc, cô thương không biết để đâu.
Về sau, tôi cũng thường hay ra chợ. Nhà trồng được ít khổ qua, rau màu tôi mang ra chợ. Tết, tôi phụ mẹ bán rau, bán hoa. Vào mùa lúa lên, tôi đi bán gióng, bán chổi cọ nhà làm… Tôi đã ngồi không biết bao buổi chợ quê. Và đã nhìn những bác, những thím xóm tôi có cái gì, dù ít dù nhiều cũng mang ra chợ.
Từ những điều giản dị và thân thương ấy, không biết từ bao giờ, chợ quê, người quê trong tôi đã trở thành ký ức về những người dân hiền lành, chất phác, còm cõi một nắng hai sương... Để mỗi khi đặt chân lên ngôi chợ cũ, nhìn người quê, lòng lại thấy nhẹ nhõm như niềm vui con trẻ.
Với tôi, chợ quê, người quê đã là một phần của hồn cốt quê hương.
BẢO HÀ