Nghỉ hè, tôi về thăm ba má ở quê. Đường về nhà đi qua mấy cánh đồng mênh mông vùng Bình Kiến, Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng… Lúc này, bà con đang tất bật cho vụ mùa mới.
Tôi rất thích công việc nhà nông, mê làm ruộng, lại là con trai lớn trong nhà nên từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng. Những cánh đồng ở Phú Yên, mỗi năm trồng được hai vụ lúa. Đông xuân gọi là vụ ba, còn hè thu gọi là vụ tám. Người dân xứ Nẫu cứ gọi mộc mạc mà dễ thương, dễ nhớ. Bọn trẻ chúng tôi dù chưa hiểu nhiều nhưng vẫn biết: lúa cắt vào tháng ba và tháng tám, còn gieo sạ là mùa đông và hè.
Riêng mùa hè, cánh đồng còn trơ gốc rạ là nơi lý tưởng cho bọn trẻ thả bò, bắt dế, đá banh… Lúc này, đập Đồng Cam đóng nước để bà con tu sửa kênh mương nên ruộng đồng khô ráo, có đám bắt đầu cày ải. Những đám ruộng rộc, sát bờ tre thường bị ngập nước, mùa này cũng trở thành sân chơi lý tưởng. Tôi xin ba má đi cuốc góc, be bờ cho sạch cỏ nhưng chủ yếu là để được chơi. Tôi sợ ở nhà học bài, trong khi ngoài kia bạn bè đang chơi u quạ, đá lon. Tôi thích thả bò, đồng cỏ, cánh diều, tiếng dế nhiều hơn. Khoảng đầu tháng tư âm lịch, nước từ Đồng Cam đổ về. Lũ trẻ còn tiếc nuối cuộc chơi nhưng xóm làng lại rộn vui với mùa gieo sạ.
Nước về đến đâu, tiếng máy cày giòn tan đến đó, cả đêm ngày cho kịp thời vụ. Vào mùa, cả người lớn và trẻ con đều ra đồng. Thế hệ chúng tôi, tuổi chừng 14-15 đã biết làm ruộng và phụ giúp gia đình. Máy cày làm bể bờ nên phải cùng nhau đắp lại, tiếp đến là băm, bang, quơ cỏ, be bờ, dện lỗ mậu… Nói chung là làm cho ruộng bằng phẳng, đất nhuyễn, sạch cỏ, ngâm nước để chờ ngày gieo sạ. Tiếng nói cười rôm rả, tiếng í ới hỏi thăm nhau chừng nào ủ giống, mùa này vẫn Ma Lâm 68 ngắn ngày mà năng suất cao? Chuyện của người lớn là vậy, bọn trẻ thì quan tâm đến cá rô, cá sặc, cua càng hoặc mấy con lươn vàng óng. Hồi đó cua cá còn nhiều. Đồng khô cháy nhưng khi nước về là tươi tắn hẳn lên, cá cua cũng đua nhau mà lớn. Dù không nhiều và mập ú bằng mùa tháng tám, nhưng hễ có nước đồng là chúng xuất hiện. Bữa cơm gia đình cũng thảo thơm mùi đồng đất quê hương!
Ruộng sạ theo từng khu, phải đồng loạt xuống giống cho tiện việc điều tiết nước. Cả xóm tập trung ra đồng. Người lớn lo việc bừa, trang đất, đánh đường nước, gieo giống. Trẻ nhỏ theo giúp việc lặt vặt như mang nước uống, dắt bò, tát nước đọng cho mặt ruộng ráo khô để lúa mọc đều. Không khí trên đồng rộn ràng, náo nức. Dưới cái nắng chói chang, bùn đất bám đầy, mồ hôi nhễ nhại, bà con nông dân vẫn cần cù, chịu khó, chăm lo cho đám ruộng của mình. Những cánh tay thoăn thoắt vung lên nhịp nhàng theo chân bước, những hạt giống mẩy căng vừa mới nhú mầm rơi xuống, găm vào lớp bùn non, để rồi mấy hôm sau là xám xanh mặt ruộng. Gieo giống là khó nhất trong các khâu khi sạ. Đa số ai cũng biết làm nhưng để gieo cho đều là phải có kinh nghiệm và khéo léo, tôi nghĩ có cả nghệ thuật nữa! Một đám đất, chừng ấy giống, gieo sao không thiếu, không thừa, không thưa, không dày, khó lắm! Nếu không có những cơn mưa giông bất chợt thì vài hôm sau là mặt ruộng xám xanh mầm lúa. Một tuần sau sẽ lấy nước sánh, vừa đủ ướt mặt lúa. Lúc này, tôi thích ra đồng vì có gió nam thổi mát, không khí trong lành, tiếng chim lảnh lót, tiếng ếch nhái râm ran, nhìn mạ non mới nhú mầm xanh, hít hà mùi vị chốn quê mà thêm yêu hơn xứ sở.
Nay tôi về ngang đồng làng đang gieo sạ. Kênh mương được kiên cố hóa, bờ vùng một thuở mấp mô bùn đất nay đã được bê tông. Diện mạo của làng quê phát triển hơn nhiều. Tuy nhiên cách gieo sạ vẫn còn in đậm dấu xưa, vẫn còn mười mưa năm nắng. Dẫu nhọc nhằn nhưng tiếng nói cười vẫn rộn vang trên đồng. Mong cho mưa thuận gió hòa để đáp đền công khó nhọc!
PHAN HUY THÙY