Ngày nhỏ, tôi - một buổi học một buổi chăn bò. À không, không phải chỉ tôi mà mấy chị em tôi, cả mấy nhỏ xóm tôi đều thế. Chăn bò quanh năm. Công việc này không tốn sức. Chăn bò vui lắm. Tha hồ chơi. Tha hồ nghịch, “nhất quỷ nhì ma thứ ba bọn… chăn bò” mà. Có điều, ghét nhất là tết cũng phải đi chăn bò. Mới mùng 3 tết, sau khi ba “tết bò” xong là tôi phải lùa bò ra đồng. Cứ hình dung cảnh một cô nàng học lớp 8, đội nón xách roi đi sau đuôi bò như một bà nông dân chính chủ, giữa đường, gặp bạn váy xanh váy đỏ đi chơi, chúng nó kêu “ê, nông “rân” kìa!...” thì bạn sẽ hiểu phần nào tâm trạng lúc đó của tôi. Có ai chăn bò lại mặc đồ mới, tôi càm ràm trong bụng, nước mắt vắn dài... Không muốn cũng phải làm. Có đứng dậm chân dậm cẳng cũng phải làm vì ba phán: “Bò cũng có tết. Không cho bò ăn tết, ông Chuồng bà Chuồng sẽ quở trách. Nhà này sống được là nhờ mấy con bò đấy!”.
Bò cũng có tết, ba không nói tôi cũng biết. Tôi có “thâm niên” chăn bò từ hồi còn học lớp ba cơ mà. Tết nào nhà tôi chả tết bò. Tôi thích tết bò và tôi cá là lũ nhỏ xóm tôi đứa nào cũng thích. Cứ tới tết là lũ chăn bò trông chờ “tiết mục” tết bò. Thường thì nhà người ta thường tết bò vào mùng 4, mùng 5, còn nhà tôi thì mùng 3. Hỏi vì sao có sự khác nhau như thế thì ba bảo, không rõ, chỉ thấy hồi ông cố, ông nội làm vậy rồi ba cũng cứ thế làm theo.
Mùng 2 tết, mẹ sẽ ngâm nếp, bày lá chuối ra ngồi gói bánh - bánh nếp, nhân thịt ba chỉ với đậu xanh, ninh nhừ, đặng sáng mùng 3 tết bò. Trong chuồng có bao nhiêu con bò thì có bấy nhiêu cái bánh. Mỗi con bò sẽ có một kiểu bánh riêng. Con đực thì bánh gói thành cây dài gọi là bánh tét, bò cái thì cũng bao nhiêu vật liệu ấy nhưng sẽ gói thành hình vuông - bánh chưng, con choai choai thì cái bánh vừa phải, chú bê con thì đòn bánh tét nhỏ, nàng bê thì cái bánh chưng chút xíu. Dễ thương vô cùng, tôi và con Út thi nhau canh, giành cho được chiếc bánh nhỏ xíu đó.
Tết bò đơn giản, chỉ mấy đòn bánh tét, bánh chưng, miếng cốm, hoa, gạo muối… nhưng “tiết mục” được tôi trông chờ nhất là ba sẽ dán lên sừng con bò cộ tờ vàng mã, bò cái và bê con thì giữa trán. Trông ngộ lắm, tết lùa bò đi, nhìn thấy mỗi con bò đều có tờ vàng mã trên đầu thế kia, cảm giác như bò cũng hân hoan vui sướng cùng xuân. Tôi cũng được an ủi nhiều, dặn mình: “Không được tủi vì tết cũng phải đi chăn bò. Người vất vả, người có mấy ngày tết để nghỉ ngơi. Bò cày kéo quanh năm, bò cũng phải có tết! Đi chăn bò cũng có nghĩa đi chơi tết cùng bò!”.
***
Ba tôi bảo, ở đâu không biết nhưng ở quê mình (Phú Yên) thì tục tết bò có từ rất lâu đời và được gìn giữ đến hôm nay. Tết bò có nghĩa là thờ cúng ông Chuồng bà Chuồng, cầu mong ông bà phù hộ cho đàn bò khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở. Gia chủ mà không thể thiện thành tâm thành ý thì sẽ bị bề trên quở trách, đàn bò ương yếu.
Bây giờ, khi đã không còn ở cái tuổi làm “mục đồng” thì tôi mới hiểu đây là một tập tục đẹp, nét đẹp tâm linh chứ không phải mê tín. Thì ông bà mình vẫn bảo “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” đấy thôi!
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN