Do bản tính thích du lịch ưa đi đó đây, nên thời trai trẻ hễ có dịp “thoát” ra khỏi nhà là tôi mất hút mấy ngày liền, có khi hàng tuần. Tôi tìm đến các danh lam thắng cảnh, chiêm ngưỡng bao kỳ hoa dị thảo, ngạc nhiên mê mẩn trước nhiều bông hoa vừa lạ vừa đẹp khắp nơi. Vậy mà mỗi khi xuân về tết đến, tôi vẫn nao lòng xao xuyến trước khóm hoa vạn thọ quê nhà, nhìn thấy sắc vàng ấm áp của hoa như gặp lại bao kỷ niệm thân thương cả quãng đời tuổi nhỏ.
Hồi ấy làng tôi mỗi khi đông tàn xuân đến, hoa vạn thọ như đồng loạt hiện ra đón tết. Đường thôn ngõ xóm nhấp nhô sắc màu vạn thọ, nhà nhà xuất hiện hoa vạn thọ. Loài hoa này được trồng thành từng hàng, từng luống từ ngoài ngõ như giàn chào dẫn vào sân, vào nhà và được chưng trên bàn thờ tiên tổ cùng hương án. Thời ấy, gia đình nào mà ngày tết không có bóng dáng vạn thọ trong nhà thì cảm thấy như xuân chưa về đầy đủ, còn thiếu thiếu chút gì. Bà con làng tôi chuộng nhất là loài vạn thọ tà lạch cao giàn, hoa nở bung tròn như chiếc bánh của người thợ khéo tay làm nên, với các màu vàng, cam, đỏ, trắng, dung dị nhưng không kém phần lịch lãm.
Hoa vạn thọ thuở ấy như biểu hiện của vẻ đẹp nơi miền quê yên bình. Từ nam thanh nữ tú đến trung niên, cao niên, từ trẻ con đến các cụ già, ai cũng có thể tìm thấy niềm vui qua vẻ thánh thiện của hoa vạn thọ trồng ở vườn quê. Hoa dân dã và thanh bạch, trầm lắng mà rạo rực, tươi xinh mà bền bỉ, bởi hoa nở rất lâu tàn như cái tên ai đặt tự thuở nào.
Để trồng vạn thọ đại đóa cao giàn nở hoa đúng dịp tết, từ khoảng giữa đến cuối thu, tùy thời tiết ấm lạnh mỗi năm, nhiều người lấy hoa giống treo khô ở chái bếp, tách hạt đem gieo thành vạt. Sau khi hạt nảy mầm và cây con vươn lên, họ mới bứng ra trồng vào chậu kiểng hoặc nơi cổng ngõ, lối đi vào sân vườn, có khi họ trồng trang trí theo rào giậu. Hồi ấy, láng giềng ai chưa có giống hoa này nhưng thích trồng, cứ tới các nhà ươm nhiều xin cây con thoải mái, họ không bán mà còn xởi lởi tặng hơn số lượng hỏi xin.
Sinh thời cha tôi không năm nào là không trồng vạn thọ. Tuy bận rộn cuốc cày nơi đồng áng, quần quật việc nhà nông quanh năm suốt tháng, có năm bão lụt liên miên, mùa màng thất bát, vườn tược hư hại, thế mà ông vẫn giữ lệ chăm trồng vạn thọ như giữ gìn truyền thống của làng xóm, gia đình. Thuở ấy, mỗi lần thấy cha bứng vạn thọ con từ luống đất ươm đem ra trồng theo ý đồ trang trí cảnh quan quanh nhà, lòng tôi rộn lên niềm vui như nhìn thấy tết đến từ xa. Theo ngày tháng cây lớn dần, cha cũng bỏ công nhiều hơn để chăm sóc. Đêm đêm ông thường rọi đèn bắt sâu xuất hiện cắn phá lá cành. Năm nào thời tiết quá lạnh, hoa có dấu hiệu phát triển chậm, trễ tết, cha dậy từ khuya nấu nước vừa pha trà cho ông vừa pha đủ độ ấm tưới thúc vạn thọ kịp cho hoa đẹp xuất hiện vào ngày đầu năm mới. Chính vậy, Tết Nguyên đán thuở ấy gia đình tôi như được sống trong thảm sắc màu vạn thọ. Đến mãn tháng Giêng hoa dần tàn, cha chọn những đóa to đẹp sung mãn nhất giữ giống cho tết năm sau. Mẹ tôi không những mê mẩn làn hương dìu dịu và sắc màu thời kỳ vạn thọ nở rộ mà còn chế biến, thưởng thức nó. Gần cuối mùa hoa thể nào trong bữa cơm gia đình cũng có món rau sống trộn cánh hoa tươi và lá non vạn thọ nghe nồng nồng, thơm thơm. Ăn riết rồi quen, thành đặc sản gia đình.
Ở tuổi lên tám, lên mười, đến cuối mùa vạn thọ, tôi thường lén hái những bông phụ ở các vị trí ít bị phát hiện, rủ bạn trương lứa say mê chơi trò đá kiện. Sau này lớn lên đi xa khỏi làng, bất chợt gặp khóm vạn thọ đâu đó trên nẻo đường xuôi ngược mưu sinh nơi xứ người, lòng không khỏi bồi hồi nhớ thương. Bao kỷ niệm quê nhà thời niên thiếu chợt hiện về trong tâm tư, nhất là mỗi độ tết đến xuân sang
NGUYỄN TƯỜNG VĂN